Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ tại Di chỉ Thác Hai, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp
Ngày đăng: 09/05/2021 15:27
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/05/2021 15:27
Ngày 07/5/2021, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ tại Di chỉ Thác Hai, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp.
Tham dự hội nghị có ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bà Võ Thị Phượng, Trưởng phòng Quản lý văn hoá, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ông Chu Mạnh Quyền và ông Hoàng Văn Thưởng, cán bộ phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Về phía huyện Ea Súp có: ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Văn hoá – Thông tin; ông Vũ Duy Vinh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Ia Jlơi; cùng Ban Giám đốc, đại diện các phòng chuyên môn của Bảo tàng Đắk Lắk.
Thực hiện Quyết định số 895/QĐ/BVHTTDL ngày 16 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Từ ngày 28/3 – 29/4/2021, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk tiến hành khai quật Di chỉ khảo cổ học Thác Hai thuộc thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
Nhận xét và đánh giá sơ bộ:
Về tính chất:
Đây là một di chỉ xưởng kết hợp cư trú và mộ táng. Trong đó, tính chất xưởng của di chỉ nổi lên một cách rõ rệt thông qua bộ sưu tập hàng nghìn tiêu bản mũi khoan và phác vật mũi khoan. Ngoài ra, còn chế tác các công cụ rìu, bôn.
Lớp cư trú khá dày phản ánh quá trình sinh sống khá dài tại đây.
Mật độ di tích mộ trong hố cho thấy, cư dân cổ chưa phân tách khu vực cư trú, công xưởng sản xuất với khu vực mai táng.
Về niên đại:
Trên cơ sở một số loại hình đồ gốm cùng đồ án hoa văn trang trí cũng như trình độ tinh xảo của những người thợ thủ công chế tác mũi khoan tại đây, bước đầu nhận định niên đại của di chỉ Thác Hai khoảng trên dưới 3000 năm cách ngày nay, thuộc trung kỳ thời đại kim khí. Tầng văn hóa dày (2m) cho thấy giai đoạn cư trú khá dài, tính chất di chỉ khá ổn định.
Về chủ nhân ngôi mộ:
Cư dân cổ ở Thác Hai là những người thợ thủ công có trình độ cao, với các sản phẩm rất tinh xảo. Qua nghiên cứu cấu trúc mộ M1, chủ nhân ngôi mộ có liên quan tới công xưởng chế tác, có thể là một trong những người thợ trực tiếp chế tác công cụ (Rìu, bôn, mũi khoan...) phát hiện trong hố khai quật, thể hiện qua việc tìm thấy những đồ tùy táng ngoài đồ gốm còn có những công cụ bằng đá như 1 chiếc chày đập, 1 hòn ghè, 1 rìu tứ giác và 2 mũi khoan được xếp gọn gàng dưới đáy mộ. Có thể, ngoài các ngôi mộ đã xuất lộ trong hố đào, trong phạm vi di chỉ còn nhiều ngôi mộ khác có liên quan trực tiếp tới công xưởng chế tác này.
Những kết quả nghiên cứu và khai quật tại di chỉ khảo cổ học Thác Hai là một trong những phát hiện mới và rất quan trọng của khảo cổ học Việt Nam. Với những tư liệu hiện có về những nền văn hóa hoặc di chỉ có cùng niên đại, có thể nói đây là lần đầu tiên ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đã phát hiện được một công xưởng chế tác mũi khoan với quy mô lớn, chuyên môn hóa cao, trình độ kỹ thuật tinh xảo. Ở Việt Nam, loại di chỉ công xưởng chế tác mũi khoan không nhiều, chỉ mới xác định được ở các di chỉ như Bãi Tự (Bắc Ninh), Tràng Kênh (Hải Phòng), Đầu Rằm, Ba Vũng (Quảng Ninh). Song những mũi khoan ở các di chỉ này chỉ được ghè, tu chỉnh, mài thô,... hiện vật tương đối to và thô, chủ yếu dùng để sử dụng trong kỹ thuật khoan tách lõi, còn mũi khoan Thác Hai rất nhiều hiện vật được mài trau chuốt, đánh bóng toàn thân đạt đến mức độ hoàn mỹ, được sử dụng trong kỹ thuật khoan xuyên tâm để chế tạo đồ trang sức (hạt chuỗi...).
Sau khi nghe báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ tại Di chỉ Thác Hai, các đại biểu đã tiến hành thảo luận các vấn đề: Hoàn thiện hồ sơ khoa học, bảo quản hiện vật, bảo tồn di chỉ,…
Kết thúc hội nghị, ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá cao kết quả nghiên cứu, khai quật tại di chỉ khảo cổ học Thác Hai và khẳng định Di chỉ Thác Hai là một địa điểm khảo cổ học mới phát hiện với nhiều thông tin nghiên cứu quan trọng, nhiều hiện vật tinh xảo, nhiều đồ gốm còn khá nguyên vẹn có thể phục dựng để phục vụ trưng bày, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.