Từ giếng cổ Gio An nghĩ về bến nước Tây Nguyên
Ngày đăng: 14/05/2021 14:26
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 14/05/2021 14:26
Dịp nghỉ Lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, tôi về thăm Quảng Trị rồi được bạn bè đưa đi thăm giếng cổ Gio An. Đây là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia được Bộ VH-TT-DL công nhận vào tháng 3-2001 nhờ sở hữu những giá trị kiến trúc, xây dựng độc đáo và khác biệt của người Chăm pa cổ xưa.
Quần thể di tích này gồm có 14 giếng cổ: Giếng Búng, Giếng Ông, Giếng Bà, Giếng Côi, Giếng Tép, Giếng Gai, Giếng Dưới, Giếng Nậy, Giếng Trạng, Giếng Đào, Giếng Máng, Giếng Pheo, Giếng Gái 1 và 2 thuộc các thôn Hảo Sơn, An Nha, An Hướng, Long Sơn và Tân Văn (xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).
Quần thể giếng cổ Gio An đem lại nhiều nguồn lợi cho người dân địa phương. |
Anh Lê Đức Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị cho hay: “Đây là hệ thống công trình khai thác nước ngầm và dẫn thủy hết sức linh hoạt, tài tình của người Chăm nhằm phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất vào khoảng thế kỷ IX – XI”. Quả đúng như thế và tôi đã tận mắt chứng thực điều đó: Tất cả giếng cổ ở đây được người Chăm khai thác, xây dựng men theo những ngọn đồi thấp dần về phía Tây bằng vật liệu đá (nhẵn, tròn) được tận dụng tại chỗ. Đá được sắp xếp quanh miệng giếng cũng như đường dẫn nước đến những vùng canh tác trũng thấp hơn đều hết sức công phu và có tính mỹ thuật, không khác gì lối kiến trúc tại những ngọn tháp Chăm vùng Duyên hải - Nam Trung Bộ mà chúng ta đã thấy và thán phục. Dù không có chất kết dính, nhưng các công trình giếng cổ, đường dẫn nước ở Gio An vẫn sừng sững tồn tại hàng nghìn năm qua.
Chị Trần Thị Hòe, người dân xã Gio An
|
Thú vị hơn khi tôi đặt câu hỏi: Tại sao người Chăm lại xây dựng những công trình khai thác nước ngầm kỳ công như vậy ở đây, để làm gì? Câu trả lời của số đông và cũng hết sức phổ biến của giới nghiên cứu là để phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của cư dân Chăm lúc bấy giờ. Không đơn giản và dừng lại ở đó, nhà báo Phạm Xuân Dũng (quê Quảng Trị và cũng là người bỏ công tìm hiểu khá kỹ về giếng cổ Gio An) cắt nghĩa thêm: Trong quá trình lập hồ sơ khoa học trình cấp thẩm quyền phê duyệt và công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng được mời tham gia - và trong một cuộc hội thảo khoa học, ông đã đưa ra một kiến giải rất mới mẻ, khiến mọi người phải chú ý, rằng nước ngầm là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với cư dân sống ven biển, nhất là vùng Duyên hải miền Trung - Nam Trung Bộ (từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận ngày nay), vì ngoài nguồn nước ngầm ra, những nguồn nước khác thường bị nhiễm mặn và phèn. Do vậy, ngoài việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, thì người Chăm ở Gio Linh thời ấy còn có mục đích khai thác mạch nước ngầm ngọt lành ở đây để bán cho giới thương thuyền các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đi lại mua bán, trao đổi dài ngày trên Biển Đông để tăng thêm thu nhập.
Bến nước - một nét đặc trưng trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Êđê. Ảnh: Hữu Hùng |
Dẫn chứng cho thấy, tại các cửa biển như: Cửa Lò (Nghệ An), Vân Đồn (Quảng Bình), Cửa Việt (Quảng Trị), Cửa Thuận An, Vinh Hiền (Thừa thiên - Huế), Cửa Đại (Quảng Nam), Cửa Quy Nhơn (Bình Định), Cửa Đà Diễn (Phú Yên), Cửa Cà Ná (Ninh Thuận) và Cửa La Gi (Bình Thuận)… đến nay vẫn còn dấu tích nhiều tháp nước/tháp hải đăng từng cung cấp nguồn nước ngọt cho thuyền bè hoạt động trong vùng. Và nguồn nước ngọt này - theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, người Chăm đóng góp một phần rất lớn nhờ những công trình khai thác nước ngầm hết sức đa dạng: bằng giếng đào, hay dòng chảy ngầm trong lòng đất được họ thăm dò, định vị và khai lộ.
Hàng nghìn năm qua, người Chăm đã biết khai thác, làm giàu từ nguồn tài nguyên ấy - và hơn thế, họ rất mực tôn trọng và trân quý nguồn nước ngầm hiện hữu ở vùng đất đầy nắng gió này. Bởi thế, từ di tích giếng cổ Gio An, tôi nghĩ về bến nước của đồng bào các tộc thiểu số Tây Nguyên cũng bằng cảm nhận trên, rằng chắc chắn cư dân ở đây, từ bao đời qua họ gìn giữ, bồi đắp cho nguồn nước ngầm trong mỗi buôn làng chảy mãi bằng tâm thế biết ơn rừng. Rừng đầu nguồn ở những bến nước luôn được cộng đồng gìn giữ - và mỗi bến nước được phát hiện, kiến tạo nên phục vụ cho đời sống cũng là một tri thức bản địa vượt thời gian, một kỳ công đáng để hậu thế tìm hiểu và ghi nhận.
Đình Đối
Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử