Vài suy nghĩ về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử “Người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách”
Ngày đăng: 28/05/2021 10:53
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 28/05/2021 10:53
Thực hiện Chương trình hoạt động toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, tháng 3/2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề xuất xây dựng Bộ quy tắc ứng xử “Người Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Mến khách”, gắn với Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Bộ quy tắc này. Trung tuần tháng 5/2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến của các đơn vị liên quan để định hướng cho dự thảo lần 1 của Bộ quy tắc nói trên.
Qua việc tích cực triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về văn hóa, thời gian qua, môi trường văn hóa trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới. Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, chất lượng ngày càng được nâng lên. Việc xây dựng gia đình, tộc họ, thôn, buôn, khối phố, cơ quan, trường học văn hóa đã có tác động tích cực đến đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực. Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của nhân dân được nâng cao, lối sống văn hóa, đời sống văn hóa cũng như thái độ ứng xử có văn hóa trong xã hội đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đặt ra. Tuy nhiên, đời sống văn hóa tinh thần và mức hưởng thụ văn hóa của người dân ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh còn ở mức thấp; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với đô thị và trong các tầng lớp Nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội…đã ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên; hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa trong cộng đồng, gia đình, du lịch, xã hội còn phổ biến. Do đó, việc xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử “Người Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Mến khách” nhằm hình thành những chuẩn mực văn hóa, điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức trong sinh hoạt, ứng xử, đặc biệt trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, xây dựng tỉnh Đắk Lắk văn minh, thân thiện, hiện đại và mến khách, giữ gìn, phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp đồng bào các dân tộc tỉnh là hết sức cần thiết.
Nhìn ra phía bạn
Ngoài nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp đã ban hành Bộ quy tắc/bộ tiêu chí ứng xử từ khá sớm, Hà Nội là đơn vị địa phương trong cả nước tiên phong xây dựng và ban hành quy tắc ứng xử. Sau một thời gian dài nghiên cứu, hội thảo và xin ý kiến, đầu năm 2017, Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Sau một thời gian triển khai thực hiện, hai Quy tắc trên đã từng bước góp phần xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa tốt đẹp nơi công sở, đó là khẳng định từ kết quả đợt khảo sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức gần đây. Còn ở tỉnh Quảng Ninh, tháng 4/2020 đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh cho các đối tượng là các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn tỉnh. Bộ quy tắc có mục đích xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, xây dựng tỉnh Quảng Ninh văn minh, thân thiện, hiện đại và đáng sống, góp phần giữ gìn, phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Quảng Ninh cho hôm nay và mai sau.
Nhìn người rồi ngẫm đến ta
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay đang triển khai áp dụng 02 Bộ quy tắc ứng xử của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch là “Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch” và “Bộ quy tắc ứng xử trong gia đình”. Qua hai năm thực hiện, đội ngũ làm công tác du lịch bước đầu đã chuyên nghiệp hơn, người dân, du khách tại các điểm du lịch đã có ý thức hơn trong ứng xử; tình trạng bạo lực gia đình đã giảm đáng kể. Dân số toàn tỉnh hiện có khoảng 2,1 triệu người với 49 dân tộc anh em. Một trong những mục tiêu quan trọng để phát huy tiềm năng, thế mạnh mà tỉnh Đắk Lắk hướng đến là phát triển du lịch. Việc chỉ đạo xây dựng Bộ quy tắc ứng xử “Người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách” là một chủ trương rất đúng đắn. Nếu đi vào cuộc sống, đây sẽ là “thương hiệu” của người Đắk Lắk, và nói không ngoa, nó sẽ trở thành một “sản phẩm” mời gọi khách du lịch đến với cao nguyên đầy huyền thoại. Tuy nhiên, đây là một nội dung lớn và rất khó, cần có lộ trình dài hơi và cách làm phù hợp, để khi ban hành thì nó sẽ đi vào cuộc sống và trở thành một nét đẹp văn hóa rất riêng của người Đắk Lắk, chứ không phải những quy định trên giấy tờ.
Vấn đề đặt ra là, “Người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách” có giống như những địa phương khác không? Có nét gì riêng có của Đắk Lắk không? Yêu cầu đặt ra là Bộ quy tắc này gắn với Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, phải tập trung làm nổi bật được nội hàm của ba khái niệm “Văn minh”, “Thân thiện”, “Mến khách”, vừa đảm bảo các yêu cầu chung của Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vừa có bản sắc riêng phù hợp với văn hóa truyền thống của người Đắk Lắk, phải súc tích, dễ nhớ, dễ thực hiện và phải được áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn tỉnh, bao trùm trên các mặt của đời sống xã hội.
Thảo luận về vấn đề này, ông Trịnh Dũng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk cho rằng, đây là một nội dung cực kỳ khó tham mưu, càng chi tiết quá thì càng thiếu, khái quát quá thì chưa rõ, khó áp dụng. Ông cho rằng cần xây dựng Bộ quy tắc theo hướng quy định những quy tắc chung nhất, phù hợp với mọi đối tượng và cái gì đã quy định rồi thì không nên lặp lại. PGS.TS Tuyết Nhung Bkrông, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên thì cho rằng, Bộ quy tắc ứng xử của người Đắk Lắk phải mang tính riêng, hiện đại, đa dạng nhưng đặc thù, cần tôn trọng không gian chung của cộng đồng và sự đa dạng về văn hóa. Theo ông Phạm Đình Xây, Chánh Văn phòng Sở Giao thông Vận tải, Bộ quy tắc cần hết sức ngắn gọn, cái gì pháp luật đã quy định thì thôi, ví dụ như ứng xử khi tham gia giao thông, nơi bến xe, sân bay chẳng hạn, chỉ đưa ra những quy định chưa có trong các quy định của pháp luật. Còn bà Châu Thị Thu Thủy, Phó trưởng Phòng Xây dựng Văn bản, Sở Tư pháp thì đặt ra tiêu chí “rất khó” cho bộ phận tham mưu soạn thảo là làm sao phải “cô đọng, súc tích nhưng rõ ý, dễ hiểu”, về hình thức nên bố cục theo chương, mục, điều, khoản.
Theo thiển ý của người viết, nên chăng dự thảo Bộ quy tắc nên bố cục làm 3 chương: Chương 1 quy định chung, chương 2 quy định nội dung và chương 3 tổ chức thực hiện. Ở chương 1, ngoài việc nêu phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Bộ quy tắc thì cần làm rõ khái niệm hoặc giải thích từ ngữ “Người Đắk Lắk văn minh – thân thiện - mến khách” là như thế nào? Chương 2 quy định nội dung của Bộ quy tắc, nên chia thành 2 nhóm: Ứng xử với môi trường tự nhiên (cây xanh, rác thải, danh thắng, cảnh quan...) và Ứng xử với môi trường xã hội (gia đình, cộng đồng, nơi công cộng..., và trên mạng xã hội). Chương tổ chức thực hiện nên nêu rõ đây là những quy định chung và theo hướng mở, các cơ quan, đơn vị, địa phương tùy tình hình thực tiễn có thể thêm những quy định đặc thù hoặc riêng có của mình vào cho phù hợp. Về quan điểm cụ thể, Bộ quy tắc nên có những điều khoản quy định sự tôn trọng không gian chung của cộng đồng và sự đa dạng của văn hóa Đắk Lắk với 49 dân tộc anh em cùng chung sống hiện nay, phải mang tính hiện đại, cập nhật thời sự nhưng không nên lặp lại bất cứ quy định nào của pháp luật đã có. Về hình thức, một yêu cầu rất khó nhưng cần tính toán, đó là phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, nhưng phải súc tích, đầy đủ các vấn đề liên quan. Phải làm sao để khi nhắc đến tỉnh Đắk Lắk là phải nhắc đến Bộ quy tắc này, và ngược lại, khi đề cập đến Bộ quy tắc này thì phải nói đến Đắk Lắk.
Thiết nghĩ, ngoài sự chỉ đạo của các cơ quan hữu quan, sự cố gắng tham mưu, tổng hợp của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, thì sự vào cuộc của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, và đặc biệt là sự góp ý, phản biện của các tầng lớp xã hội và đông đảo người dân thông qua các cuộc hội nghị chuyên đề, hội thảo, góp ý kiến rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng, sẽ góp phần mang lại chất lượng và tính phù hợp thực tiễn cho Bộ quy tắc này. Hy vọng, Bộ quy tắc nói trên sẽ sớm được đi vào cuộc sống, trở thành “thương hiệu” riêng của người Đắk Lắk, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”./.
ĐẶNG GIA DUẨN