Lời giải phát huy vốn văn hóa truyền thống của "buôn trong phố"
Ngày đăng: 01/06/2021 08:25
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/06/2021 08:25
Từ khi buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) được chính quyền thành phố chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng vào đầu năm 2018, đến nay "buôn trong phố" này đang thay đổi từng ngày, theo đó “bài toán” giữa bảo tồn và phát triển vốn di sản văn hóa ở đây cũng từng bước được giải quyết một cách rốt ráo.
Vậy cộng đồng người Êđê ở buôn Akô Dhông đã giải quyết “bài toán” trên như thế nào?
Trưởng buôn Y Pul Niê chia sẻ: Đó là nhờ nhận thức và tâm lý ứng xử với vốn di sản văn hóa của mình (như bến nước, nhà dài, ngành nghề truyền thống) được mọi người quan tâm và hết mực tôn trọng. Ví như kiến trúc nhà dài, buôn Akô Dhông là một trong những nơi còn gìn giữ di sản này nhiều nhất trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung hiện nay.
Hiện có 27 ngôi nhà dài được gìn giữ, bảo quản nguyên vẹn trong gần nửa thế kỷ qua, 8 ngôi nhà được xây dựng thêm trong vòng 4 năm gần đây.
Du khách tìm hiểu, khám phá buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hữu Hùng |
Cái đổi khác, hay nói đúng hơn là xu thế phát triển nhà dài ở Akô Dhông hiện nay không đơn thuần là để ở, mà còn phục vụ ngày càng hiệu quả trong hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng.
Anh Ma Jen Ni (con rể cố già làng Ama Rin) tâm sự: Gia đình đã huy động đầu tư khoảng 4 - 5 tỷ đồng để làm 3 ngôi nhà dài nhằm phục vụ du lịch - từ việc sinh hoạt trải nghiệm, lưu trú (homestay) đến ẩm thực, trình diễn văn hóa, văn nghệ cồng chiêng, ca vũ dân gian… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.
Điều khiến Ma Jen Ni tin chắc vào quyết định đầu tư của mình là bởi sức hấp dẫn từ vốn di sản văn hóa truyền thống của ông bà để lại, đó là tài sản to lớn, quý giá được cộng đồng người dân ở đây quan tâm kế thừa, sáng tạo để phát triển kinh tế trong đời sống đương đại.
Những ngôi nhà theo kiến trúc nhà dài ở buôn Akô Dhông. Ảnh: Hữu Hùng |
TS. Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên
|
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Duy Thụy - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): Có thể nói câu chuyện bảo tồn - phát huy di sản văn hóa của tộc người ở đây đang trở nên sống động hơn nơi nào hết, bởi nó đã được cộng đồng suy nghĩ, vận hành với tinh thần “lấy vốn văn hóa làm nội lực để xây dựng, phát triển kinh tế và ngược lại”.
Trong bất kỳ bối cảnh nào thì bảo tồn - phát triển là một thực tế có tính phổ quát, buộc tất cả các cộng đồng, dân tộc quan tâm và tìm cách giải quyết.
Ở buôn Akô Dhông, môi trường văn hóa cộng đồng đã được các thành viên nhận thức một cách rõ ràng, linh hoạt qua hai địa hạt (môi trường văn hóa di sản và môi trường văn hóa hiện đại) - giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại ấy luôn tiềm tàng những khả năng tranh chấp, mà việc hóa giải sự tranh chấp này luôn đặt ra những thử thách đối với người trong cuộc.
Vì thế, cộng đồng người Êđê buôn Akô Dhông luôn quan tâm, cân nhắc việc bảo tồn và phát huy vốn di sản của mình với nhận thức, ứng xử: Văn hóa luôn là nền tảng, động lực trong tiến trình phát triển - và đây cũng là lời giải cho sự “sống còn” của các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi cộng đồng dân tộc hiện nay.