Kết quả bước đầu khai quật Di chỉ khảo cổ học Thác Hai, thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp: PHÁT HIỆN MỚI VỚI NHIỀU HIỆN VẬT GIÁ TRỊ
Ngày đăng: 08/06/2021 08:26
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/06/2021 08:26
Từ ngày 28/3 đến 29/4/2021, các cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Đắk Lắk đã tiến hành khai quật Di chỉ khảo cổ học Thác Hai thuộc thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk và đã thu được nhiều kết quả bất ngờ. Sau một thời gian chỉnh lý sơ bộ, Bảo tàng Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật ngày 7/5/2021 tại thành phố Buôn Ma Thuột.
Năm 2019, trong quá trình canh tác nông nghiệp, người dân thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện nhiều mảnh gốm, đồ đá... tại khu vực Thác Hai nên đã báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Đầu năm 2020, cán bộ Bảo tàng Đắk Lắk đã tiến hành khảo sát thực địa tại xã Ia Jlơi và phát hiện nhiều di vật khảo cổ học. Tháng 11/2020, Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiếp tục khảo sát lại di chỉ Thác Hai. Ngày 16/3/2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Quyết định số 895/QĐ-BVHTTDL, cho phép Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk khai quật khảo cổ tại di chỉ Thác Hai thuộc Thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, thời gian khai quật từ ngày 20/3/2021 đến ngày 10/5/2021, trên diện tích 100 m2; chủ trì khai quật là ông Chu Mạnh Quyền, cán bộ Phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương. Theo đó, từ ngày 28/3/2021 đến ngày 29/4/2021, đoàn khai quật gồm: Ông Chu Mạnh Quyền, ông Hoàng Văn Thưởng, cán bộ phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; ông Trần Quang Năm, Phó Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, TS. Phạm Bảo Trâm, ông Trương Đắc Tứ và Hồ Thăng Hiếu, cán bộ Bảo tàng Đắk Lắk, diện tích hố khai quật 24m2 (4m x 6m) tại khu vườn nhà ông Võ Văn Long, dài theo hướng Đông - Tây tại địa điểm Thác Hai, đồng thời đoàn cũng đã tiến hành khảo sát các địa điểm khác dọc theo 2 bên bờ sông Ea H'leo.
Sau quá trình khai quật tại hiện trường và chỉnh lý sơ bộ các hiện vật, đoàn khai quật đã thu được nhiều hiện vật rất có giá trị. Có thể kể đến các hiện vật gốm bát bồng, nồi, bình con tiện, vò, nậm; chày đập bằng đá bazan, rìu tứ giác, hòn ghè, chuôi rìu, phác vật rìu nhỏ, bàn mài, hạch đá, dao đá, mũi khoan..., cùng nhiều mảnh tước, vảy tước. Trong quá trình khai quật đã phát hiện được những mũi khoan có kích thước rất nhỏ. Qua sử dụng phương pháp sàng đãi bằng nước, kết quả đã thu được 1.122 tiêu bản mũi khoan và phác vật mũi khoan được làm từ đá jasper (một loại đá thạch anh), opal, silic, phtanite….
Ông Chu Mạnh Quyền và ông Hoàng Văn Thưởng, cán bộ phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, đây là một di chỉ xưởng kết hợp cư trú và mộ táng. Trong đó, tính chất xưởng của di chỉ nổi lên một cách rõ rệt thông qua bộ sưu tập hàng nghìn tiêu bản mũi khoan và phác vật mũi khoan cùng hàng vạn các mảnh tước, vảy tước được bỏ lại trong quá trình chế tác. Ngoài ra, công xưởng Thác Hai còn chế tác các công cụ rìu, bôn. Lớp cư trú khá dày phản ánh quá trình sinh sống khá dài tại đây. Mật độ di tích mộ trong hố cho thấy, cư dân cổ chưa phân tách khu vực cư trú, công xưởng sản xuất với khu vực mai táng. Về niên đại, trên cơ sở một số loại hình đồ gốm cùng đồ án hoa văn trang trí cũng như trình độ tinh xảo của những người thợ thủ công chế tác mũi khoan tại đây, bước đầu nhận định niên đại của di chỉ Thác Hai khoảng trên dưới 3000 năm cách ngày nay, thuộc trung kỳ thời đại kim khí. Cư dân cổ ở Thác Hai là những người thợ thủ công có trình độ cao với các sản phẩm rất tinh xảo. Chủ nhân ngôi mộ có liên quan tới công xưởng chế tác, có thể là một trong những người thợ trực tiếp chế tác công cụ (rìu, bôn, mũi khoan...) phát hiện trong hố khai quật, thể hiện qua việc tìm thấy những đồ tùy táng ngoài đồ gốm còn có những công cụ bằng đá như 1 chiếc chày đập, 1 hòn ghè, 1 rìu tứ giác và 2 mũi khoan được xếp gọn gàng dưới đáy mộ. Có thể, ngoài các ngôi mộ đã xuất lộ trong hố đào, trong phạm vi di chỉ còn nhiều ngôi mộ khác có liên quan trực tiếp tới công xưởng chế tác này.
Có thể nói, những kết quả nghiên cứu và khai quật bước đầu tại di chỉ khảo cổ học Thác Hai là một trong những phát hiện mới và rất quan trọng của khảo cổ học Việt Nam, và đương nhiên, đây là niềm vui lớn của khảo cổ học Đắk Lắk. Với những tư liệu hiện có về những nền văn hóa hoặc di chỉ có cùng niên đại, có thể đặt giả thiết đây là lần đầu tiên ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đã phát hiện được một công xưởng chế tác mũi khoan với quy mô khá lớn, chuyên môn hóa cao, trình độ kỹ thuật tinh xảo. Ở Việt Nam, loại di chỉ công xưởng chế tác mũi khoan không nhiều, chỉ mới xác định được ở các di chỉ như Bãi Tự (Bắc Ninh), Tràng Kênh (Hải Phòng), Đầu Rằm, Ba Vũng (Quảng Ninh). Song những mũi khoan ở các di chỉ này chỉ được ghè, tu chỉnh, mài thô,... hiện vật tương đối to và thô, chủ yếu dùng để sử dụng trong kỹ thuật khoan tách lõi, còn mũi khoan Thác Hai rất nhiều hiện vật được mài trau chuốt, đánh bóng hoàn toàn và có thể nói đạt đến mức độ hoàn mỹ, được sử dụng trong kỹ thuật khoan xuyên tâm để chế tạo đồ trang sức.
Đoàn khai quật nhận định, di chỉ Thác Hai là một địa điểm khảo cổ học mới phát hiện với nhiều thông tin nghiên cứu quan trọng, nhiều hiện vật tinh xảo, nhiều đồ gốm còn khá nguyên vẹn có thể phục dựng. Tuy nhiên, di chỉ nằm sát bờ sông đang đổi dòng, từng ngày, từng giờ đang bị dòng nước xoáy vào địa tầng gây sạt lở nghiêm trọng. Do vậy, rất cần có những biện pháp bảo vệ di chỉ trước sự tàn phá của thiên nhiên, đồng thời cần tuyên truyền, giáo dục ý thức gìn giữ di sản cho người dân nơi đây để họ cùng với các cơ quan chức năng địa phương chung tay lưu giữ và bảo tồn những di sản quý giá như di chỉ Thác Hai. Cùng với đó, trong thời gian tới, rất cần tiếp tục triển khai thêm những dự án nghiên cứu mới để có một bức tranh toàn diện về di chỉ khảo cổ học Thác Hai.
Qua báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ tại Di chỉ Thác Hai của ekip khai quật, Bảo tàng Đắk Lắk đã tiến hành hội nghị thảo luận các vấn đề: Hoàn thiện hồ sơ khoa học, bảo quản hiện vật, bảo tồn di chỉ... Lãnh đạo Sở VHTTDL Đắk Lắk đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu, khai quật tại di chỉ khảo cổ học Thác Hai và khẳng định, so với 5 lần khai quật khảo cổ học trước đây của tỉnh, đây là một địa điểm khảo cổ học mới với với nhiều hiện vật tinh xảo, nhiều đồ gốm còn khá nguyên vẹn có thể phục dựng để phục vụ trưng bày, phát huy giá trị lịch sử, khoa học, văn hóa. Dù những kết quả khai quật bước đầu rất đáng mừng, nhưng hiện Bảo tàng Đắk Lắk cũng như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cần thực hiện nghiêm túc một số nội dung theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL, đó là: Không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản Văn hóa. Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng Đắk Lắk để giữ gìn, bảo quản; Bảo tàng Đắk Lắk, Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó. Sau khi kết thúc đợt khai quật, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Đắk Lắk phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 01 (một) tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 01 (một) năm, gửi về Bộ VHTTDL. Trước khi công bố kết quả của đợt khai quật, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.
Từ trước đến nay, Đắk Lắk đã có 6 di chỉ khảo cổ học được khai quật: 1. Di chỉ Dhă Prông, Cư Êbur, Buôn Ma Thuột, đặc trưng Di chỉ cư trú mộ táng, niên đại Hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí 3500 đến 3000 năm; 2. Di chỉ Cư K’Tu, Xuân Phú, Ea Kar, đặc trưng Di chỉ xưởng, niên đại 3500 đến 3000 năm; 3. Di chỉ Buôn M'Râo Hòa Tiến, Krông Păc, đặc trưng Di chỉ Cư trú mộ táng, niên đại Hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí 3500 đến 3000 năm; 4. Phế tích tín ngưỡng của người Chăm, thôn 2, Hòa Sơn, Krông Bông, mang tính chất tín ngưỡng Văn hóa Chăm Pa, niên đại vào khoảng thế kỷ XIV-XV; 5. Di chỉ Buôn Kiều, Yang Mao, Krông Bông, đặc trưng là xưởng chế tác công cụ đá, niên đại khoảng 4500 đến 4200 năm; 6. Di chỉ Buôn Triết, huyện Lắk, niên đại Hậu kỳ Đá mới - Sơ kỳ kim khí 3500 đến 3000 năm. Và di chỉ Thác Hai là di chỉ thứ 7 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được khai quật. Bước đầu đã thu được những phát hiện mới với nhiều hiện vật rất giá trị, nhưng những hiện vật khai quật được từ Di chỉ Thác Hai có niên đại chính xác từ khi nào, có những giá trị gì, ý nghĩa ra sao..., thì chúng ta phải chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng là Bộ VHTTDL. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi, vẫn có thể nói rằng, với những kết quả này, cùng với 6 lần khai quật trước và nhất là những hiện vật trống đồng rất quý khai quật trước đây đã được phục dựng và trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk, khảo cổ học Đắk Lắk đã được nâng lên một vị trí mới trên bản đồ khảo cổ học Việt Nam./.
ĐẶNG GIA DUẨN