Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2025”
Ngày đăng: 17/06/2021 11:01
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/06/2021 11:01
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch số 5225/KH-UBND về việc thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2025”.
Theo đó, mục đích của Kế hoạch là tăng cường hợp tác, thu hút các nguồn lực vốn để đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh; giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của các dân tộc, củng cố vững chắc hệ thống chính trị cơ sở và giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu hợp tác quốc tế phải chú trọng hiệu quả, bền vững và đảm bảo công tác quản lý, giữ gìn an ninh, an toàn trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thực hiện tốt các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, hợp đồng quốc tế đã ký kết; ưu tiên tập trung nguồn lực giải quyết các lĩnh vực, nhiệm vụ, đề án cấp thiết của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; tạo điều kiện phát huy tối đa những lợi thế về vị trí địa lý, kinh tế của địa phương; quản lý, sử dụng các nguồn lực đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng; phù hợp đề nghị của các nhà đầu tư, tài trợ và đảm bảo đúng quy định. Các cơ sở, chính sách mang tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với pháp luật và cam kết quốc tế.
Các nội dung thực hiện, gồm: (1) Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của hộ dân tộc thiểu số; (2) Sắp xếp, quy hoạch, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; (3) Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đầu tư nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để thực hiện các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; (4) Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công thuộc lĩnh vực dân tộc; (5) Đầu tư phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; (6) Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; (7) Chăm lo sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; (8) Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; (9) Đầu tư phát triển cho nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; (10) Tăng cường tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Kinh phí thực hiện, gồm: Vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi từ các Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức NGO và các doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài; vốn đối ứng từ nguồn ngân sách, cộng đồng, tập thể, cá nhân và của doanh nghiệp ở trong nước.
Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo, quản lý, triển khai, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.
Duy Hà
De%20an.pdf |