Phát triển văn hóa Đắk Lắk theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII
Ngày đăng: 25/06/2021 11:10
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/06/2021 11:10
Những mục tiêu trên thể hiện rõ quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ trong chiến lược phát triển văn hóa của tỉnh nhà và đang cần những cách làm, nguồn lực cụ thể để triển khai thực hiện.
Với diện tích 13.125,37 km2, dân số 2,1 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30%, Đắk Lắk là nơi hội tụ của 49 dân tộc anh em cùng chung sống. Với truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời, Đắk Lắk có nhiều tài nguyên văn hóa quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Nơi đây có sự đa dạng, phong phú về văn hóa các vùng miền, nổi bật là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk đã góp phần hình thành nên 3 hệ thống văn hóa chính thống, đó là văn hóa của các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên; văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc; văn hóa của người Việt, mang đậm sắc thái 3 miền Bắc, Trung, Nam. Dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đắk Lắk sở hữu vốn văn hóa truyền thống độc đáo như: Văn hóa mẫu hệ; văn hóa nhà dài (Ê đê) và nhà trệt (M’nông); văn hóa cồng chiêng; văn hóa nghi lễ - lễ hội; văn hóa sử thi; văn hóa thổ cẩm; văn hóa ứng xử... Có thể nói, các giá trị văn hóa truyền thống nơi đây đã trở thành sức mạnh tinh thần để gắn kết cộng đồng, là biểu tượng để ứng xử với thiên nhiên, xã hội, đồng thời khơi dậy tình cảm quê hương và tinh thần đoàn kết cộng đồng. “Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được triển khai tích cực. Hoạt động tổ chức lễ hội đi vào nền nếp, một số lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ được trình diễn phục dựng. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng được đổi mới, phong phú về nội dung, hình thức, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa ngày càng sâu rộng”(1).
Thật vậy, thời gian qua, quán triệt sâu sắc quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”; “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”(2), triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, văn hóa Đắk Lắk đã đạt được những kết quả đáng mừng:
Một là, đã đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 38 di tích đã được xếp hạng (02 Di tích Quốc gia đặc biệt, 17 Di tích cấp quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh) và hơn 30 di tích tiềm năng. Nhiều di tích đã thực hiện tốt vai trò giáo dục văn hóa, lịch sử như: Đình Lạc Giao; Di tích lịch sử văn hóa số 04 Nguyễn Du (Biệt điện Bảo Đại) nằm trong khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk; và đặc biệt là Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Hai là, hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng được chú trọng với việc triển khai Nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng theo từng giai đoạn. Nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với văn hóa cồng chiêng được phục dựng; tổ chức nhiều Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, các cuộc liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc định kỳ; tích cực giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế.
Ba là, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Việc xây dựng gia đình, thôn, buôn, tổ dân phố, cơ quan, trường học văn hóa chuyển biến tích cực. Các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, đã triển khai thí điểm áp dụng quy tắc ứng xử trong gia đình và cộng đồng, xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người. Các hủ tục lạc hậu gây ảnh hưởng xấu đến đời sống và sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được hạn chế và xóa bỏ.
Năm là, đã tích cực mời gọi xã hội hóa các hoạt động văn hóa, trong đó có lễ hội lớn như Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột và nhiều thiết chế văn hóa tư nhân.
Sáu là, đã tinh gọn, sáp nhập bộ máy tổ chức các đơn vị sự nghiệp văn hóa.
Bảy là, hoạt động giao lưu quốc tế về văn hóa được tăng cường; phát triển văn hóa gắn liền với phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh và con người Đắk Lắk đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Tám là, công tác kiểm tra, giám sát luôn được quan tâm, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những sai phạm, biểu hiện lệch lạc về văn hóa...
Tuy nhiên, trong thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, các loại hình văn hóa hiện đại và truyền thống có sự đan xen, thay đổi nhanh chóng, ảnh hưởng đến công tác phát triển văn hóa. Bên cạnh những kết quả đạt được cơ bản như trên, việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong tình hình mới.
Công tác tham mưu xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi cho đội ngũ làm công tác văn hóa chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa còn nhiều khó khăn. Hoạt động văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng mặc dù có sự chuyển biến nhưng chưa đồng bộ giữa sáng tác và phổ biến tác phẩm.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích chưa phát huy hết giá trị tiềm năng vốn có của di tích; các hạng mục của di tích đã và đang xuống cấp; một số công trình đã được trùng tu, tôn tạo nhưng chưa phát huy hết tác dụng và công năng. Việc quan tâm hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác dịch vụ phục vụ khách du lịch tại di tích còn hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn thấp. Công tác đầu tư phát triển lực lượng văn nghệ sĩ, văn học, nghệ thuật của tỉnh chưa thật sự được chú trọng...
Nguyên nhân của tình trạng trên là do tác động mặt trái của kinh tế thị trường, sự giao thoa văn hóa, việc thay đổi phương thức sản xuất đã kéo theo những biến đổi trong nếp sống, sinh hoạt của người dân về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống. Sự phát triển của truyền hình đa phương tiện, điện thoại thông minh đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa truyền thống...
Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh đã xác định nhiệm vụ thứ 4 rất quan trọng về văn hóa, đó là “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số”. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đã nêu rõ: “Khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng Tây Nguyên để thành động lực phát triển của tỉnh trong thời gian tới”. Tỉnh xác định tập trung phát triển du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng. Triển khai hiệu quả Nghị quyết về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025; bảo vệ các di sản văn hóa; phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành quy hoạch, trùng tu, tôn tạo Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, Di tích Quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975) tại huyện Krông Bông, Di tích lịch sử Quốc gia Sở Chỉ huy - Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 tại huyện Ea H’Leo. Tiếp tục tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột định kỳ 2 năm/lần hướng đến mục tiêu “Đắk Lắk là điểm đến của cà phê thế giới”.
Phát huy những giá trị văn hóa bản địa tạo điểm nhấn riêng cho địa phương |
Một là, cần làm thật tốt công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch văn hóa. Hiện đang là thời điểm “vàng” để chỉnh sửa quy hoạch phát triển văn hóa, tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Quy hoạch văn hóa được phê duyệt trước đây có nhiều nội dung không thể thực hiện được, cần chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Để đạt mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên thì không thể thiếu những thiết chế văn hóa lớn, thật sự chất lượng để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân. Trung tâm Văn hóa tỉnh cần được thiết kế và xây dựng lại với kiến trúc đặc trưng riêng, trở thành một công trình điểm nhấn văn hóa của tỉnh ngay trung tâm Ngã Sáu Buôn Ma Thuột. Có thể nâng cấp Đoàn Ca múa Dân tộc của tỉnh hiện nay thành Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc hoặc Nhà hát Đam San; thị xã Buôn Hồ và các trung tâm lớn khác như Phước An, Ea Kar... cần có ít nhất 1 rạp chiếu phim và đến năm 2030 thì tất cả các huyện còn lại cần có thiết chế văn hóa này. Mỗi xã/phường/thị trấn cần có 1 nhà văn hóa cấp xã và mỗi buôn đồng bào dân tộc thiểu số cần có 1 nhà sinh hoạt cộng đồng kèm theo việc đảm bảo các thiết chế bên trong để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân. Hay đơn cử như Quảng trường Buôn Ma Thuột cần được quy hoạch rộng hơn, nên chăng mở rộng quảng trường đến giáp đường Nguyễn Đình Chiểu hiện nay để thời gian tới đủ sức tổ chức các hoạt động của vùng và toàn quốc. Nên chăng, cần có quy định bắt buộc về tiêu chí về bản sắc văn hóa trong xây dựng kiến trúc để tạo nên bản sắc riêng của tỉnh, để vài chục năm nữa, kiến trúc Buôn Ma Thuột sẽ không bị “lẫn” với các nơi khác. Ngoại trừ yếu tố khách quan như dịch bệnh COVID-19, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột nên duy trì “quy hoạch”, đều đặn tổ chức 2 năm/lần, bởi với phương châm “Đắk Lắk – điểm đến của cà phê thế giới”, Lễ hội cà phê không chỉ là câu chuyện kích cầu về du lịch, sản xuất nông nghiệp hay kinh tế, mà nó còn là chiếc cầu nối quan trọng để đưa văn hóa Đắk Lắk ra với thế giới, và ngược lại, thu hút nhiều sắc màu văn hóa đến với Việt Nam, đến với tỉnh thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật của các nước bạn. Và xen kẽ với đó là Ngày hội Văn hóa các dân tộc Đắk Lắk vừa được UBND tỉnh phê duyệt đề án tổ chức, cấp tỉnh định kỳ 5 năm/lần và bắt đầu từ năm 2023.
Hai là, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa. Đắk Lắk là quê hương sản sinh ra không ít nhân tài trong giới văn hóa nghệ thuật. Hiện tại, ngoài 1 nghệ sĩ nhân dân, 4 nghệ sĩ ưu tú, 24 nghệ nhân ưu tú (và dự kiến năm 2022 sẽ có thêm nhiều nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ ưu tú), còn có nhiều tên tuổi trong giới showbiz quê Đắk Lắk: Hoa hậu Phụ nữ Người Việt Quốc tế 2017 Thái Nhiên Phương, quê ở thành phố Buôn Ma Thuột; Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê, quê ở huyện Cư M’gar; Á quân Siêu mẫu quốc tế 2018 H’Ăng Niê, quê ở huyện Buôn Đôn; top 15 Hoa hậu Việt Nam 2018, Người đẹp Du lịch Hà Lương Bảo Hằng, quê ở huyện Krông Năng; hay các diễn viên như Nhã Phương, Lê Bê La, Thùy Trang, Yaya Trương Nhi...; ca sỹ như Hồ Quang Hiếu, Phương Anh Bolero, Phương Ý, Hiền Hồ, Sally Q, Châu Đăng Khoa... Với bề dày và sự đa dạng của văn hóa, Đắk Lắk phải là nơi dồi dào các nghệ nhân dân gian, các nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp để đảm bảo tính kế thừa và phát huy, mà các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú hiện có phải là nòng cốt trong các hoạt động trao truyền. Cần đào tạo, bồi dưỡng những nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa để kịp thời tham vấn cho tỉnh, cho ngành những đề xuất mang tính chiến lược. Về đội ngũ công chức, viên chức của ngành văn hóa, cần tinh gọn và đảm bảo tính chuyên sâu, phù hợp vị trí việc làm. Không nhất thiết phải học về văn hóa mới làm được ngành văn hóa, nhưng trong công tác cán bộ, việc vì lý do nào đó mà sắp xếp những nhân sự trái ngành vào làm văn hóa thì khó có thể phát huy được. Cần tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo, quản lý, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Ba là, cần xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách động viên mạnh mẽ cho các nghệ nhân, nghệ sĩ của tỉnh để họ có những đóng góp tích cực hơn cho sự nghiệp phát triển văn hóa. Ngoài việc triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, Nghị quyết về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng đã và đang được phê duyệt, cần nghiên cứu xây dựng và ban hành Nghị quyết về chế độ, chính sách cho đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân trên địa bàn tỉnh với những quy định hết sức cụ thể, thỏa đáng để họ có động lực và chuyên tâm vào việc phát huy các giá trị văn hóa. Nếu Nghị quyết nói trên được thông qua, thì Đắk Lắk sẽ là số rất ít tỉnh trong cả nước và là tỉnh đầu tiên ở Tây Nguyên làm được điều này. Một vở kịch sâu sắc, một bài hát hay sẽ hơn nghìn lời tuyên truyền, người nghệ sĩ cần được hưởng chính sách thỏa đáng với những giá trị nghệ thuật mà họ mang lại cho đời. Việc tổ chức Gặp mặt văn nghệ sĩ, trí thức, báo giới của tỉnh được thực hiện ngay sau tết nguyên đán hàng năm cũng cần thay đổi về hình thức, nội dung, đối tượng, phải làm sao để thu hút được đông đảo các nghệ sĩ tên tuổi của tỉnh đang ở khắp mọi miền trong cả nước về tham dự và có nhiều hiến kế cho sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh.
Ảnh minh họa |
Bốn là, bên cạnh việc tăng cường đầu tư nguồn lực cho các kế hoạch triển khai các nghị quyết, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, cần tích cực xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nhất là văn hóa cà phê. Đắk Lắk được coi là “Thủ phủ cà phê Việt Nam” không chỉ vì ở đây có diện tích cà phê lớn nhất nước (trên 200 nghìn ha) mà còn là vùng nguyên liệu, là nơi sản xuất, chế biến của nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng, có mặt ở hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và là sản phẩm mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mỗi kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột gần đây với kinh phí hàng chục tỷ đồng nhưng đều được tỉnh cố gắng vận động xã hội hóa chứ không sử dụng ngân sách nhà nước, hay công trình Nhà dài Êđê, một điểm nhấn văn hóa đang được xây dựng trong khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk có 5/6,7 tỷ đồng từ nguồn vận động doanh nghiệp hỗ trợ... Các mô hình xã hội hóa văn hóa cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần có thêm những Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Thế giới Cà phê, Ngôi nhà Chóe Đại Ngàn hay các bảo tàng tư nhân khác... Việc tạo điều kiện thông thoáng để thu hút đầu tư du lịch sẽ là yếu tố quan trọng để phát triển văn hóa. Cùng với những vốn quý sẵn có, Đắk Lắk nên chú trọng phát triển văn hóa voi, văn hóa cà phê để khai thác “mỏ vàng” cho du lịch. Phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay phải dựa trên khoa học công nghệ tiên tiến, khai thác tối đa yếu tố kinh tế của những giá trị văn hóa các dân tộc phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, gắn liền với quảng bá hình ảnh và con người Đắk Lắk đến với bạn bè trong và ngoài nước, điều này, chỉ có xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động, các thiết chế văn hóa thì mới có thể làm được.
Năm là, bên cạnh việc triển khai mạnh mẽ Bộ nhận diện thương hiệu của tỉnh đã được phê duyệt, cần sớm đưa Bộ quy tắc ứng xử “Người Đắk Lắk văn minh, thân thiện, mến khách” đi vào cuộc sống. Thiết nghĩ, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan hữu quan, sự cố gắng tham mưu, tổng hợp của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, sự vào cuộc của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, và đặc biệt là sự góp ý, phản biện của các tầng lớp xã hội và đông đảo người dân thông qua các cuộc hội nghị chuyên đề, hội thảo, góp ý kiến rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng, sẽ góp phần mang lại chất lượng và tính phù hợp thực tiễn cho Bộ quy tắc này. Hy vọng, Bộ quy tắc nói trên sẽ sớm được đi vào cuộc sống, trở thành “thương hiệu” riêng, để khi nói đến Đắk Lắk thì phải nhắc đến Bộ quy tắc này và ngược lại.
Ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, thiết nghĩ việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn nghệ; xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người và phát triển kinh tế, xã hội; chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ các dân tộc trên địa bàn sẽ là những yếu tố quan trọng để phát triển văn hóa ở một tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở Đắk Lắk, phải gắn bó mật thiết với phát triển du lịch để thu hút ngày càng nhiều hơn các nguồn lực và du khách đến với Đắk Lắk, đến với vùng đất nổi tiếng về cà phê và lễ hội với rừng núi, sông hồ và thiên nhiên hùng vĩ hòa cùng Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong thời gian tới, hy vọng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, văn hóa Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”./.
Theo ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nay do chưa có điều kiện nên vẫn thực hiện chỉnh trang Trung tâm Văn hóa tỉnh, còn trong tương lai, khi tỉnh có điều kiện, Trung tâm Văn hóa tỉnh cần được thiết kế và xây dựng lại với kiến trúc đẹp, mang đặc trưng riêng, trở thành một công trình điểm nhấn văn hóa của thành phố Buôn Ma Thuột và của tỉnh. PGS.TS. Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì cho rằng, với tầm vóc, vai trò, vị trí của mình, trong tương lai gần, tỉnh Đắk Lắk cần có ít nhất một Nhà hát chuyên nghiệp để người dân có cơ hội thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao. Theo NSƯT Vũ Lân, nguyên Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk, cấp huyện nên tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc định kỳ 2 năm/lần để các dân tộc trên địa bàn tỉnh có cơ hội giao lưu, gặp gỡ, thể hiện các sắc màu văn hóa của dân tộc mình, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh. Ông Trịnh Dũng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk thì cho rằng, cần xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của người Đắk Lắk theo hướng quy định những quy tắc chung nhất, phù hợp với mọi đối tượng nhưng phải mang cái riêng của Đắk Lắk, và cái gì đã quy định rồi thì không nên lặp lại. |
ĐẶNG GIA DUẨN
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk