Níu giữ nghề truyền thống
Ngày đăng: 11/07/2021 15:07
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/07/2021 15:07
Dệt thổ cẩm và đan gùi là hai nghề thủ công truyền thống gắn bó với đời sống người dân tộc Êđê tại huyện Krông Búk từ bao đời. Dẫu thị hiếu của người tiêu dùng có sự thay đổi, sản phẩm làng nghề đang dần vắng khách, nhưng ở nhiều buôn làng vẫn còn những nghệ nhân nặng lòng níu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại.
Nỗ lực giữ nghề truyền thống
Xã Cư Né được biết đến là nơi có truyền thống dệt thổ cẩm lâu đời với số nghệ nhân nhiều nhất huyện Krông Búk. Với mong muốn khôi phục, phát triển nghề truyền thống của địa phương, đồng thời giải quyết việc làm đối với lao động nông thôn, năm 2017, Hội LHPN huyện Krông Búk phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức lớp tập huấn dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Đây vừa là dịp để khơi dậy “lửa nghề” cũng như trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng dệt những hoa văn, sản phẩm mới phù hợp với xu thế hiện đại. Sau khi hoàn thành lớp tập huấn, Hội LHPN xã Cư Né đã thành lập Tổ dệt thổ cẩm truyền thống tại buôn Mùi 2 với 25 chị em. Mỗi khi có người đặt hàng, tổ sẽ đứng ra nhận rồi khoán lại cho các thành viên với mức tiền công bình quân 300.000 - 500.000 đồng/sản phẩm.
Chị Hoàng Thị Niệm, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Né, Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm truyền thống buôn Mùi 2 cho biết, mặc dù là công việc phụ, làm tranh thủ những lúc nhàn rỗi nhưng cũng giúp các chị em vừa có thêm nguồn thu nhập, vừa gìn giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình. Ngoài những đơn đặt hàng do tổ nhận và khoán, mỗi tháng nhiều chị em còn dệt thêm từ 1- 2 sản phẩm để bán cho người dân trong vùng.
Già làng Y Nguôn Niê ở buôn Drah 1, xã Cư Né (huyện Krông Búk) hoàn thiện chiếc gùi để kịp giao cho khách. |
Cũng tại xã Cư Né, già làng Y Nguôn Niê (SN 1949, ở buôn Drah 1) là một trong số ít những người đến nay còn giữ được nghề đan gùi. Già Y Nguôn biết đan gùi từ năm 13 tuổi, đến nay đã có gần 60 năm kinh nghiệm. “Khoảng hơn 20 năm về trước, nghề đan gùi phát triển khá rầm rộ. Buôn nào cũng có vài ba tổ, nhóm làm nghề, và đồng bào Êđê xem chiếc gùi là vật “bất ly thân” trong lao động sản xuất nên nhà nào cũng có từ 5 - 7 chiếc. Tuy nhiên, ngày nay họ ít mang gùi đi rẫy, chỉ khi nào có lễ của cộng đồng hay ca hát ở địa phương mới sử dụng đến. Vì vậy, nghề này cũng dần mai một. Mỗi tháng trong xã chỉ có 1 - 2 hộ đặt mua gùi của già. Không làm thì mất nghề, mà làm thì thu nhập không bao nhiêu” - già Y Nguôn bộc bạch.
Còn nhiều trăn trở
Xã Cư Né có 21 thôn, buôn với hơn 15.000 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc Êđê chiếm hơn 60% dân số toàn xã. Để lưu giữ nghề truyền thống của cha ông mình, những năm qua, các nghệ nhân dệt thổ cẩm và đan gùi của xã đã nỗ lực truyền dạy lại cho người trẻ ở địa phương. Tuy nhiên, do tính chất là nghề thủ công truyền thống, đòi hỏi tính kiên trì, khéo léo, trong khi sản phẩm làm ra vắng khách nên giới trẻ ít quan tâm, việc truyền dạy nghề chưa thực sự được lan tỏa, nhân rộng. Già Y Nguôn ngậm ngùi: “Mình có 8 người con nhưng không có ai theo học nghề đan gùi của cha. Lớp trẻ ngày nay chủ yếu theo nghề nông, đi học xa, hoặc làm công nhân ở tỉnh ngoài, không ai mặn mà với nghề truyền thống. Muốn truyền dạy cho bà con trong buôn nhưng không ai đến học”.
Một thành viên Tổ dệt thổ cẩm truyền thống buôn Mùi 2 dệt vải. |
Chị Hoàng Thị Niệm tính toán: Để dệt được tấm thổ cẩm (ngang 0,8 m, dài 2 m), mỗi nghệ nhân nếu làm nhanh cũng phải 5 ngày mới xong, bán ra được 1,2 triệu đồng. Trừ chi phí nguyên vật liệu còn khoảng 700.000 đồng, tính ra ngày công lao động chỉ đạt khoảng 140.000 đồng. Trong khi đó, nếu đi làm thuê thì mỗi ngày công cũng được 250.000 - 300.000 đồng. Do vậy, những người trẻ họ không muốn tham gia, còn các nghệ nhân của xã dù có yêu nghề, cố níu giữ nghề thì cũng chỉ coi đây là việc làm thêm lúc rảnh rổi.
Huyện Krông Búk có 14 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào Êđê chiếm khoảng 30% số dân, cư trú tập trung tại 42 buôn. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Anh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Búk, những năm qua, huyện đã phối hợp với ngành chức năng tỉnh thường xuyên triển khai các lớp tập huấn, dạy nghề thủ công cho bà con người dân tộc thiểu số trên địa bàn; tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống, nhằm thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong cộng đồng. Tuy nhiên tình hình vẫn không mấy khả quan, số nghệ nhân hiện còn gắn bó với nghề đan gùi và dệt thổ cẩm chỉ còn thấy ở xã Cư Né, Cư Pơng, các xã khác thì gần như mất hẳn.
Lê Thành
Nguồn: Báo Đắk Lắk