5 Góp ý với Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030
Ngày đăng: 12/07/2021 15:10
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 12/07/2021 15:10
Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đã được chuẩn bị chặt chẽ, trách nhiệm bởi các cơ quan tham mưu. Tuy nhiên tôi xin được đóng góp thêm một số nội dung sau.
Thứ nhất, Dự thảo Chiến lược có nêu, “80% các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi được nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; Tập trung ưu tiên xây dựng các đề án, dự án và triển khai thực hiện bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS có dân số dưới 10.000 người”. Đây chính là điểm thể hiện sự quan tâm cụ thể của Đảng và Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Nhưng trong phần giải pháp lại chưa có nội dung xây dựng kế hoạch cụ thể để hưởng thụ văn hóa miền núi tiệm cận dần lộ trình theo kịp miền xuôi.
Trong Dự thảo Chiến lược cũng nên có nội dung xây dựng một đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy mang tính dài hơi đối với các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh. Đắk Lắk là nơi hội tụ của 49 dân tộc anh em với nhiều tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú, nổi bật là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh đã 15 năm nhưng cho đến nay vẫn chưa có một đề án tổng thể, quy hoạch văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cho bài bản, chiến lược. Các cấp chính quyền, cơ quan quản lý các tỉnh Tây Nguyên đã vào cuộc nhưng chưa đồng bộ về đầu tư kinh phí, về các biện pháp, phương pháp thực hiện.
Thứ hai, về giải pháp chỉnh sửa các quy định của pháp luật cho phù hợp thực tiễn, nên có nội dung đề cập nếu như không có trong quy định của pháp luật, mà chưa sửa được luật thì sẽ xử lý như thế nào? Chắc chắn trong 10 năm tới sẽ phát sinh nhiều nội dung trong thực tiễn và chưa có trong quy định của pháp luật, cần phải đề xuất chỉnh sửa, bổ sung hoặc có cơ chế riêng để giải quyết.
Thứ ba, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến việc đổi mới mạnh mẽ sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với xác định rõ trách nhiệm và tăng cường hiệu lực, hiệu quả phối hợp, giám sát, kiểm tra việc thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển. Về phần giải pháp, Dự thảo Chiến lược văn hóa đã nêu: “Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chấn chỉnh lề lối, siết chặt kỷ cương, đổi mới phương thức làm việc hướng tới cung cấp dịch vụ quản lý hiệu quả; Phân cấp cụ thể trách nhiệm quản lý về văn hóa cho các địa phương”, nhưng theo người viết cần phải thể hiện nội dung phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn trong quản lý văn hóa cho các địa phương, ví dụ như Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn chẳng hạn. Bởi trên thực tế hiện nay, Bộ VHTTDL vẫn còn đang quản lý một số việc, nhất là về quản lý di sản mà đáng lẽ ra phải phân cấp cho địa phương quản lý. Có như vậy, công tác quản lý văn hóa mới có thể sát thực hơn, hiệu quả hơn.
Thứ tư, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 861 QĐ-TTg, ngày 4.6.2021 phê duyệt danh sách 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II, 1.551 xã khu vực III. Trong đó, Đắk Lắk có 130 xã, gồm 69 xã khu vực I, 7 xã khu vực II và 54 xã khu vực III. Chỉ tiêu “100% đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 100% đơn vị hành chính cấp xã có Nhà Văn hóa” của Dự thảo Chiến lược văn hóa nên xem xét sửa thành: “100% đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp xã có Nhà Văn hóa”.
Bởi những địa phương vùng III không dễ gì có thể thực hiện chỉ tiêu này mà cần có lộ trình cụ thể. Bên cạnh đó, nên chăng, nghiên cứu, bổ sung thêm chỉ tiêu về “Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng” cho phù hợp với mục tiêu của Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18.11.2019 của Quốc hội về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Có như vậy, những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS mới có thể hưởng thụ văn hóa dần tiệm cận với những vùng khác.
Thứ năm, ngày 16.12.2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết luận 67-KL/TW đã đề ra phương hướng xây dựng kinh tế-xã hội TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và phát triển theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng của vùng. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động triển khai kết luận 67-KL/TW, đề ra giải pháp, nhiệm vụ cụ thể làm cơ sở cho các Bộ, ngành, Đắk Lắk và TP Buôn Ma Thuột thực hiện. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội Đảng bộ TP Buôn Ma Thuột lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ tập trung nguồn lực xây dựng thành phố trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên theo hướng hiện đại nhưng phải giữ được bản sắc văn hóa vùng.
Trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn vào chiều 30.6.2021, Đắk Lắk đã đề xuất với Quốc hội nhiều nhóm vấn đề, trong đó có những vấn đề là nền tảng để phát triển mạnh mẽ văn hóa, du lịch: Đề xuất đầu tư tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang vào Quy hoạch đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2050, với chiều dài 113 km, tổng mức đầu tư 19.500 tỷ đồng. Đề nghị bổ sung thêm vào danh mục dự án thực hiện giai đoạn 2026-2030 gồm: Cao tốc nối các tỉnh Tây Nguyên; Cao tốc Buôn Ma Thuột - Liên Khương; Buôn Ma Thuột - Phú Yên. Đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng Hàng không quốc tế. Đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa cửa khẩu Đắk Ruê- Chi Miết vào hoạt động đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, nhất là Quốc lộ 29 nối Cảng Vũng Rô - Phú Yên đến Cửa khẩu Đắk Ruê nhằm kết nối giao thương với Campuchia...
Có thể thấy, mục tiêu xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên là chủ trương lớn của cả Trung ương và địa phương. Để đạt mục tiêu đó thì không thể thiếu những thiết chế văn hóa lớn, thật sự chất lượng để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân. TP Buôn Ma Thuột có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng, an ninh, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Vì vậy, nên chăng, thử đặt vấn đề chỉnh sửa các quy định của pháp luật và định hướng đầu xây dựng các thiết chế văn hóa vùng như: Nhà hát Tây Nguyên, Thư viện Tây Nguyên, Bảo tàng Tây Nguyên... hay chí ít cũng là Bảo tàng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chẳng hạn.
Thiết nghĩ, với bề dày văn hóa và vị trí mang tầm chiến lược của mình, Tây Nguyên xứng đáng được “nhắc tên” trong dự thảo một văn bản quan trọng như Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.
ĐẶNG GIA DUẨN