Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững
Ngày đăng: 16/07/2021 15:11
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 16/07/2021 15:11
Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống cho các thành viên. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hài hòa, phát triển bền vững.
Mỗi năm ở tỉnh Đắk Lắk có hơn 5.400 cặp vợ chồng ly hôn, trong đó 33,7% là những gia đình trẻ, ở độ tuổi 18 - 30 tuổi... Đây là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ xây dựng gia đình hạnh phúc.
Áp lực đè nặng
Quá trình phát triển và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Điều này đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ trong Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21-2-2005 “Về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Và mới đây, Ban Bí thư tiếp tục khẳng định những thuận lợi cũng như thách thức trong xây dựng gia đình trong Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 24-6-2021 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới".
Từ thực tế trong công tác quản lý về gia đình, ông Lê Phúc Long, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, thách thức nảy sinh lớn nhất là sự thay đổi về cấu trúc gia đình. Hiện nay, còn rất ít gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Đa số các cặp vợ chồng trẻ ở riêng để chủ động và thuận lợi tổ chức cuộc sống. Sự thay đổi trong cấu trúc gia đình có mặt tích cực, song ít nhiều ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, các giá trị đạo đức chuẩn mực, tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Cùng với đó, trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, không ít ông bố, bà mẹ chỉ mải miết kiếm tiền, ít có thời gian dành cho gia đình, đến khi tổ ấm tan vỡ, con cái hư hỏng… nhận ra thì đã quá muộn.
Trang bị kỹ năng sống giúp trẻ phòng, chống các hành vi phạm tội. Trong ảnh: Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Buôn Đôn tham gia lớp kỹ năng sống. |
Mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng cũng đã tác động không nhỏ đến giá trị truyền thống gia đình Việt Nam. Các tệ nạn xã hội như: ma túy, rượu chè, cờ bạc... đang từng ngày, từng giờ len lỏi vào trong mỗi gia đình. Hiện tượng yêu sớm, sống thử, nạo phá thai, sống vô cảm ở lứa tuổi vị thành niên ngày một gia tăng dẫn đến bạo lực, ly thân, ly hôn...
Khó có thể nhận diện hết những thách thức mà gia đình đang đối mặt. Nếu như mỗi thành viên trong gia đình thiếu tình thương, sự đồng cảm, đặc biệt là hy sinh cái tôi cá nhân để hướng đến cái chung bền vững thì sẽ khó chèo lái con thuyền gia đình đi đến bến bờ hạnh phúc, bền vững.
Hạnh phúc gia đình là vô giá
Cuộc sống hiện đại tạo áp lực không nhỏ đối với mỗi thành viên trong gia đình. Song xét cho cùng ở thời kỳ nào thì một gia đình hạnh phúc đều được xây dựng trên các tiêu chí: hoàn thành tốt trách nhiệm với gia đình; tôn trọng và bình đẳng; bảo đảm nguồn tài chính; quan tâm, chia sẻ, sẵn sàng đối diện với khó khăn.
Nhìn lại các vụ án ly hôn của nhiều gia đình trẻ, có nguyên nhân xuất phát từ việc vợ chồng không biết tổ chức cuộc sống; cả vợ lẫn chồng chưa có sự chuẩn bị tâm lý về sống chung, thường xuyên mâu thuẫn, xung đột dẫn đến không giữ được "lửa" tình yêu, hạnh phúc gia đình. Theo Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Duy Hữu, ngoài việc từng cá nhân tự trang bị kiến thức tiền hôn nhân, các tổ chức đoàn thể phải vào cuộc bằng cách tổ chức các lớp tập huấn, thành lập câu lạc bộ tiền hôn nhân để chia sẻ, giúp thành viên sống lành mạnh, an toàn, góp phần bảo vệ hôn nhân bền vững.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, Ban Bí thư yêu cầu đẩy mạnh, đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; các rủi ro đối với gia đình, giúp người dân chủ động phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình..." (Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư). |
Ở góc nhìn khác, thạc sĩ Mai Quang Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục (Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk) chia sẻ, để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, các cặp vợ chồng cần có sự quan tâm, đồng cảm, thấu hiểu lẫn nhau; cùng nhau sẻ chia, giải quyết những áp lực, khó khăn về điều kiện kinh tế, công việc; biết dung hòa mối quan hệ vợ chồng, nhất là khi xuất hiện những va chạm, xung đột. Đặc biệt đối với các cặp vợ chồng trẻ, hơn hết cần biết tiết chế bản thân, không vì cái tôi mà có những lời nói và hành động mù quáng, không vì cám dỗ của cuộc sống mà xem nhẹ hạnh phúc gia đình.
Hội thi Gia đình hạnh phúc huyện Buôn Đôn năm 2018. |
Để ngăn chặn, hạn chế những tác động tiêu cực đến hạnh phúc gia đình, trong những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Nếu như năm 2000, toàn tỉnh có 210 nghìn hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm 60% tổng số hộ, thì đến năm 2020 tỷ lệ này là 83,3%, với gần 376 nghìn hộ đạt gia đình văn hóa.
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Phúc Long, ngẫm cho cùng, thành công của một con người chính là gia đình hạnh phúc, con cái trưởng thành. Trong mỗi gia đình có những thời điểm vợ chồng khúc mắc, mâu thuẫn vì những nguyên nhân khác nhau, nhưng khi mỗi người biết đặt cái tôi xuống, nghĩ về con cái để cùng nhau vun đắp tổ ấm thì gia đình sẽ ấm êm. Các gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc chắc chắn sẽ giảm được tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, ly thân, ly hôn.
Nguyên Hoa - Hoàng Ân