Bảo tồn văn hóa dân gian bằng hình thức câu lạc bộ
Ngày đăng: 04/07/2021 09:22
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/07/2021 09:22
Với những chiếc đing tuk có độ dài ngắn khác nhau, năm thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân gian buôn Kdun (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) say mê thổi nên những giai điệu vừa réo rắt vừa trầm mặc, da diết.
Bà H’Ngoc Niê, một trong năm thành viên của nhóm cho hay, bản nhạc này không có tên, không có nhạc lý hay bất cứ tài liệu nào hướng dẫn, chỉ năm người tự tập luyện với nhau dựa trên sự ghi nhớ và cảm nhận riêng của mỗi người.
Khi bà H’Ngoc còn nhỏ, loại nhạc cụ này phổ biến đến mức hầu như đứa trẻ nào cũng biết thổi. Tuy nhiên, càng về sau càng ít người biết sử dụng, chúng chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong một số đám tang, lễ cúng như một cách hồi tưởng ký ức. Chính vì vậy, khi CLB được thành lập, bà tham gia rất nhiệt tình, hướng dẫn cho các thành viên khác cùng tập luyện.
Bà Ksơr H’Bé, Chủ nhiệm CLB Văn hóa dân gian buôn Kdun cho biết, CLB được thành lập từ đầu năm 2021. Chỉ trong thời gian ngắn, CLB đã phát triển lên trên 50 thành viên.
Thành viên CLB Văn hóa dân gian buôn Kdun biểu diễn đing tuk trong Lễ ra mắt các CLB văn hóa dân gian xã Cư Êbur. |
Theo số liệu kiểm kê, phân loại các giá trị văn hóa truyền thống ở các buôn, cụm đồng bào dân tộc thiểu số do Phòng Văn hóa Thông tin TP. Buôn Ma Thuột thực hiện vào năm 2018, toàn thành phố có 467 người biết nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan, tạc tượng; 2.383 người biết hát dân ca, dân vũ, hát then, kể khan; 364 người biết diễn tấu chiêng, 83 người biết chỉnh chiêng; 74 người biết truyền dạy đánh chiêng; 8 người biết chế tác nhạc cụ. So với tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên địa bàn thì số lượng người hiểu biết về các giá trị văn hóa dân gian rất ít, nhiều loại hình có nguy cơ mai một do các nghệ nhân lớn tuổi qua đời mà không có người kế tục. Chính vì vậy, việc thành lập CLB văn hóa dân gian nhằm tạo môi trường cho nghệ nhân và những người am hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống tại các buôn làng có môi trường sinh hoạt, tập luyện, trao đổi những kỹ năng, kinh nghiệm, hiểu biết về văn hóa của dân tộc mình và truyền dạy cho các thế hệ sau.
Đến nay, UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố đã thành lập 34 CLB tại 31/33 buôn và 3 cụm dân cư đồng bào dân tộc thiểu số như: CLB cồng chiêng, CLB hát then - đàn tính, CLB văn hóa dân gian, CLB giảng dạy chữ viết…
Bà H'Ngoc Niê (bìa phải) cùng các thành viên CLB Văn hóa dân gian buôn Kdun biểu diễn Đinh tuk. |
Tuy nhiên, hoạt động của các CLB vẫn chưa thực sự sôi nổi đồng đều ở các địa phương. Theo bà Phạm Thị Hải Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột, chỉ nơi nào cấp ủy, chi bộ, ban tự quản cùng các tổ chức đoàn thể quan tâm, dành nhiều tâm huyết thì hiệu quả của các CLB mới thực sự rõ nét. Ngoài ra, thành phố cũng thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của các CLB. Chính vì vậy, các cấp chính quyền cần có sự quan tâm, động viên về mọi mặt để hoạt động của các CLB không chỉ mang đậm nét đặc sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số mà còn trở thành hạt nhân cho phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của địa phương gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Đinh Nga