Đắk Lắk tiếp đẩy mạnh cải thiện chỉ tiêu phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 19/08/2021 10:50
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 19/08/2021 10:50
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành văn bản số 7834/UBND-NNMT về việc tiếp tục thực hiện một số giải pháp nhằm cải thiện chỉ tiêu phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh.
Văn bản nêu rõ, thực hiện Kế hoạch hành động số 584/KH-UBND ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Theo đó, để triển khai thực hiện đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn, cụ thể là chỉ tiêu phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các địa phương, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung sau:
(1) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và các địa phương: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Xây dựng vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung áp dụng quy trình sản xuất tốt (GAP) trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp thân thiện môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, quản lý triển khai dự án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và phương pháp tiếp cận, tìm kiếm thị trường; Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, chú trọng phát triển hợp tác xã nông nghiệp; phát triển kinh tế trang trại tại vùng sâu, vùng xa; hướng dẫn, triển khai phát triển hợp tác liên kết sản xuất, gắn tiêu thụ sản 2 phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/8/2018 của Chính phủ. Khắc phục những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp hiện nay như: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản. Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là về hợp tác xã kiểu mới theo phương châm: “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân thụ hưởng”. Từ đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi; nhân rộng các hợp tác xã hoạt động hiệu quả; Tập trung sản xuất lương thực có sản lượng lớn về lúa, gạo, ngô, rau, đậu, cây ăn quả, sản phẩm thủy sản và chăn nuôi để đảm bảo các mục tiêu về an ninh lương thực quốc gia; Tăng cường áp dụng công nghệ sau thu hoạch, phát triển các dự án ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao khoa học công nghệ và giảm tổn thất sau thu hoạch; Chú trọng công tác đào tạo nghề nông nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho lao động nông thôn tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng kết nối sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường nâng cao khả năng nhận thức cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, nhất là các chủ thể kinh doanh nông nghiệp về sản xuất nông nghiệp bền vững; Lựa chọn, tạo, sản xuất và cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng cao, đặc biệt là giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện tự nhiên không thuận lợi để phục vụ nhu cầu sản xuất; áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, xây dựng năng lực ứng phó biến đổi khí hậu nhằm giảm tối đa việc thất thoát sản lượng nông nghiệp.
(2) Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương: Đẩy mạnh công tác hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; Phối hợp, áp dụng linh hoạt chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này; Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, phát triển hệ thống dịch vụ thương mại, hình thành đội ngũ doanh thương nhân, các loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa; Xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm - ngành hàng có lợi thế và cẩm nang hồ sơ các mặt hàng có lợi thế miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; Tăng cường đẩy mạnh liên kết vùng miền nhằm tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Rà soát phát triển và quản lý chợ 3 miền núi, vùng sâu, vùng xa từ đó nghiên cứu, tham mưu đề xuất các cơ chế chính sách đối với quản lý, phát triển chợ; tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, xây dựng phóng sự, các tin, bài cập nhật đầy đủ, thường xuyên các diễn biến, hoạt động thương mại diễn ra tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
(3) Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và địa phương tổ chức đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề phi nông nghiệp nói riêng cho lao động nông thôn tại vùng sâu, vùng xa phù hợp với nhu cầu và việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.
(4) Giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, đảm bảo giao thông kết nối thuận lợi, cơ sở hạ tầng thiết yếu ngày càng phát triển để phục vụ sản xuất, nhất là vùng sâu, vùng xa.
(5) Giao các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp tham mưu lồng ghép vào chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch của tỉnh các hoạt động kết nối, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và dần hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững ở vùng sâu, vùng xa.
(6) Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố: Căn cứ đặc thù từng địa phương, chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Định kỳ trước ngày 25/5 và 25/12 hàng năm, các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp). Báo cáo đánh giá cụ thể tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa; kết quả đạt được, tồn tại, nguyên nhân; hướng khắc phục, giải pháp thực hiện và các kiến nghị, đề xuất.
Dương Nguyễn