Tiếng của thần linh
Ngày đăng: 25/09/2021 16:05
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/09/2021 16:05
Mây mời tôi đến một quán cà phê mà theo bạn ấy giới thiệu là “bản địa” nhất thị xã Buôn Hồ. Tới nơi, tôi như lạc vào một không gian sinh thái của người Ba Na xưa.
Cầu thang lên nhà sàn, cồng chiêng Tây Nguyên... trong một khuôn viên xanh, mê hoặc. Chủ quán đích thị là người nâng niu văn hóa dân tộc. Tầng 2 của căn nhà dài treo đầy cồng. Những chiếc cồng, hình tròn như trời, như đất, như nón quai thao của miền quan họ, giữa có núm nhô lên, im lặng. Những tia nắng ban mai, xuyên qua phía cửa nhìn tôi ngờ vực. Thật đẹp và bản sắc.
Tôi đã từng được dự những lễ hội Tây Bắc của bà con người Thái, có cồng chiêng. Những cô gái Thái trắng xinh đẹp vùng Nghĩa Lộ (Yên Bái), những cô gái Mường vùng Lạc Sơn (Hòa Bình) tay trái cầm cồng, tay phải cầm dùi gỗ có quấn vải mềm đánh cồng. Giữa thung rừng, tiếng cồng chiêng cất lên, dội vào lồng ngực, lay thức đủ để suy tưởng, mang đến những dư vị bồi hồi. Nghe nói, gõ bằng nắm tay âm thanh sẽ trầm hơn, tròn trịa hơn.
Không chỉ đồng bào dân tộc Tây Nguyên có cồng chiêng. Phía Bắc, miền Trung dằng dặc có cả. Tuy nhiên, cồng chiêng Tây Nguyên chính là “không gian” của tâm linh, từ lễ nghi bước ra văn hóa đại chúng.
Không gian ấy trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này, chắc chắn là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, M’nông, K’ho, Rơmăm, Êđê, J’rai... Cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người. Cũng đã 16 năm “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ít gì đâu.
Thời còn sống, nhà sử học Mai Khắc Ứng từng giải thích cho tôi cặn kẽ về cồng chiêng nhưng gốc gác cồng chiêng từ đâu đến thì ông bảo các nhà nghiên cứu văn hóa còn chưa thuận lắm. Có giả thiết từ đẩu đâu tận Tây Vực (Tân Cương – Trung Quốc) xa xưa du nhập xuống Đông Nam Á, nhưng cũng có giả thiết, cồng chiêng là “hậu duệ” của đàn đá, nguyên sơ từ trong sở hữu vùng đất cận nam này.
Vì sao gọi là “cồng chiêng”? “Cồng” cũng là “chiêng” nhưng có núm ở giữa, “chiêng” thì không núm, còn gọi là chiêng bằng. Tất nhiên, núm hay phẳng, to hay nhỏ sẽ tạo ra các loại âm thanh riêng biệt. Cồng chiêng càng to tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Cồng chiêng, hẳn nhiên là loại nhạc cụ chủ yếu dùng trong nghi lễ của bà con Tây Nguyên. Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng sự giàu có.
“Chảy máu” cồng chiêng rất xa xót. Thật may, tôi nghe lõm bõm rằng, trong các buôn làng Tây Nguyên hiện vẫn giữ được hàng nghìn bộ cồng chiêng, nhiều bộ quý hiếm. Nhiều người chỉnh chiêng nổi tiếng vùng đất này còn sống, được tôn vinh nghệ nhân.
Giữa Tây Nguyên, tôi nghe tiếng ngàn năm, tiếng của thần linh, tiếng của người đã khuất, dù hai dãy cồng chiêng trong khu sinh thái cà phê này có nỗi niềm gì đó? Những người khách trong quán vừa nhâm nhi cà phê vừa tán chuyện mánh mung, buôn bán lời lỗ. Chắc thần linh đã chứng kiến, đang chứng kiến và sẽ còn chứng kiến nhiều nỗi nhức buồn.
Tôi nghe từ vô thức mấy câu thơ trong trường ca Sa Mộc của của nhà văn Phạm Vân Anh: “Trai gái hòa tiếng rừng trong nhịp đấm/ Chiêng ông bà dặn Tổ quốc là gốc/ Chiêng bố mẹ khuyên quê hương là nền/ Chiêng cháu con say bước chân mở đất”. Tôi nghĩ mãi, cồng chiêng Tây Nguyên cũng chính là “sa mộc” văn hóa. Cồng chiêng với tư cách là vật thể có thể “chảy máu” nhưng tiếng cồng chiêng phi vật thể thì trường tồn. Nếu cho tôi một điều ước, tôi chỉ ước ao thế hệ này tiếp nối thế hệ kia trong buôn, trong làng luôn nâng niu, thổn thức cồng chiêng. Cồng chiêng còn, Tây Nguyên còn.
Mãi lang thang cùng gió núi, tôi quên mất cả ly cà phê mà Mây đã gọi. Đắk Lắk mùa nối mùa thật đẹp, bầu trời trong xanh nắng nhẹ, mây trắng bồng bềnh, lơ đãng và tinh khiết. Trái tim Mây chắc chắn có nhịp đập của cồng chiêng? Vì thế chăng, mà Mây đắm say với mảnh đất này. Yêu đến đầy năm tháng…
Ngô Đức Hành
Nguồn: Báo Đắk Lắk