Lắng trong giai điệu Tây Nguyên
Ngày đăng: 25/09/2021 16:09
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/09/2021 16:09
Hôm cuối tháng 8 vừa rồi gặp nhạc sĩ Y Phôn Ksor, anh cho hay: ba tác phẩm âm nhạc của mình (Đi tìm lời ru mặt trời, Đôi chân trần, Chim Phí bay về cội nguồn) lọt vào danh sách xét chọn Giải thưởng Nhà nước năm 2020.
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đặng Gia Duẩn chia sẻ thêm: Y Phôn Ksor là nhạc sĩ người dân tộc thiểu số đầu tiên ở Tây Nguyên có vinh dự này. Từ đây, giai điệu Tây Nguyên cất lên trong những ca khúc của Y Phôn Ksor không những làm rung động trái tim người thưởng thức, mà còn đẩy cảm xúc về Tây Nguyên đi xa hơn, chạm đến ý thức và trách nhiệm của không ít nghệ sĩ trên cả nước tìm đến vùng đất này để sáng tác, làm nên “nhật ký âm thanh” đa chiều và giàu cung bậc hơn.
Y Phôn tâm sự: Điều đó là thực tế sinh động khiến giới sáng tác âm nhạc ở đây cảm thấy hạnh phúc, tự hào - và hơn thế, qua đó để công chúng yêu nghệ thuật có rung cảm nhiều hơn về mảnh đất mà mình đang sống.
Có thể nói, bên cạnh những ca khúc đã thành danh của Nguyễn Cường (Ơi M’Drắk, H’Zen lên rẫy, Em hát thương ai, Thềnh thềnh oh ơi, Đôi mắt Pleiku, Còn thương nhau về Buôn Ma Thuột), thì nhiều ca khúc của Đình Nghĩ (Hoa Lang Bian, Say trăng, Tự khúc ban chiều), Krajan Plin (Kbing ơi! Em hãy về); Krajan Dick (Gọi gió), mới đây là những sáng tác của các nhạc sĩ Giáng Son (Mùa nhớ), Lê Minh Sơn (Voi không đuôi), Quang Vinh (Chiều đại ngàn), Vũ Thiết (Tắt mặt trời)… càng làm dày thêm cuốn “nhật ký âm thanh” về Tây Nguyên hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại.
Những nghệ sĩ đặc biệt yêu mến đại ngàn này chia sẻ: Họ đến đây bằng tâm thế và cảm nhận rằng, những sáng tác ấy được cất lên từ khe suối, đất đai, cây cỏ - cũng có khi là chút tâm tình, tự sự về phận đời, phận người trong quá khứ lẫn hiện tại, giúp người yêu âm nhạc hiểu và yêu Tây Nguyên nhiều hơn, nhất là trong việc gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa sâu đậm và giàu bản sắc ở vùng đất này.
Nghệ sĩ Nhân dân Y San Aleô - nguyên Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk nhận xét thêm: Từ những ca khúc của Y Phôn Ksor, cũng như những nhạc sĩ người dân tộc thiểu số nói trên đã dần lan tỏa, lay động mạnh mẽ đến tình cảm và tâm tư của nhiều người, nhất là các nghệ sĩ yêu mến Tây Nguyên.
Và cũng bắt đầu từ đây, Trại sáng tác Âm nhạc và Múa Tây Nguyên được mở ra tại TP. Buôn Ma Thuột vào tháng 7-2020 vừa qua, đã quy tụ gần 40 nghệ sĩ trên cả nước góp mặt với 23 tác phẩm âm nhạc ra đời dưới góc nhìn và cảm nhận mới mẻ: là ký ức, thân phận con người, những suy nghiệm về thời cuộc, những mất còn vốn văn hóa hết sức độc đáo và đặc sắc ở đây.
Nghệ sĩ Y San Aleô - Trưởng Ban tổ chức trại sáng tác trên tin rằng những ca khúc ấy sẽ sớm được tuyển chọn làm một album âm nhạc đặc sắc để chia sẻ tình cảm với vùng đất, con người Tây Nguyên hôm nay.
Đây là sự tiếp nối đáng ghi nhận, góp phần đưa dòng chảy âm nhạc Tây Nguyên đi xa hơn và lan tỏa hơn trong lòng công chúng - bởi trước đó, vào cuối năm 2019, album âm nhạc “Gió bay về ngàn” do nhạc sĩ Nguyễn Cường chủ trì cùng “bộ ba” nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng Thanh Phương, Minh Đạo, Lưu Hà An đã tạo nên sự chú ý đặc biệt trong đời sống âm nhạc đương đại.
Trong đó những ca khúc tiêu biểu của Y Phôn Ksor (Đi tìm lời ru mặt trời, Đôi chân trần, Chim Phí bay về cội nguồn) được xem là “thỏi nam châm” có sức cuốn hút mạnh mẽ công chúng đến với Tây Nguyên bằng giai điệu thiết tha, chân thành và lắng đọng nhất qua gọng hát của Y Zắk, Y Gari, Siu Black, Mai Trang và Tùng Dương.
Nguồn: Báo Đắk Lắk