Phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ 4.0 ở Đắk Lắk
Ngày đăng: 15/11/2021 19:25
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/11/2021 19:25
Trong thời kỳ 4.0, việc linh hoạt tìm hướng đi mới để phục vụ bạn đọc, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin để đưa thư viện trở thành một địa chỉ tìm kiếm quen thuộc là kỳ vọng của nhiều người. Chuyển đổi số là giải pháp tất yếu để ngành thư viện phát triển hiện nay, tiếp cận với bạn đọc nhiều hơn bằng cách xây dựng những dịch vụ số, dữ liệu mở, cung ứng hiệu quả dịch vụ cho mọi người, để “quên” dần việc cứ phải có đông người đến thư viện thì văn hóa đọc mới phát triển.
NHỮNG ĐIỂM SÁNG
Ở Đắk Lắk, thư viện tỉnh hoạt động ổn định và có bước phát triển khá toàn diện. Tổ chức hoạt động nghiệp vụ của thư viện đi vào chuyên môn hóa; đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện, chuẩn hóa các khâu nghiệp vụ thư viện theo quy định để từng bước hội nhập. Hàng năm, bổ sung từ 2.000 - 3.000 bản sách mới vào các kho sách, 300 - 350 tài liệu điện tử, 100 loại báo, tạp chí. Đến nay, Thư viện tỉnh có 169.600 bản sách/54.066 tên, trong đó đặc biệt có 6.194 bản (tài liệu) địa chí, 43.483 bản thuộc kho sách luân chuyển và lưu động; 22.700 tài liệu điện tử, gần 5.000 đơn vị báo, tạp chí...
Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh còn tiếp nhận nguồn sách tài trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia, của các nhà sách, nhà xuất bản, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Kho sách luân chuyển của Thư viện tỉnh hiện có 43.483 bản được bổ sung, tăng cường hàng năm để luân chuyển, phục vụ lưu động tại các huyện, xã, điểm Bưu điện - Văn hóa xã, các đồn Biên phòng, các trường học, các trại giam… trên địa bàn tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện đã được quan tâm, chú trọng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần thu hút bạn đọc tiếp cận, tra cứu thông tin, với tổng lượt truy cập internet là 34.380 người, trung bình khoảng hơn 500 người/điểm/tháng, thời gian là 468.744 giờ, trung bình 17.861giờ/điểm/tháng.
Luật Thư viện được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Hiệnnước ta đã có một mạng lưới thư viện rộng khắp bao gồm nhiều loại hình, có nhiều thư viện do Nhà nước thành lập, nhưng cũng có khoảng 20.000 thư viện cộng đồng và 200 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng. Các thư viện đang từng bước hiện đại hóa và tạo môi trường đọc thuận lợi với nhiều tiện ích cho người đọc. Mạng lưới thư viện công cộng đang từng bước được xây dựng; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các thư viện đã đáp ứng được phần nào nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của các đối tượng bạn đọc và tầng lớp nhân dân. |
VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN...
Hiện ở Đắk Lắk có 2/15 huyện, thị xã, thành phố là huyện Cư Kuin chưa có thiết chế thư viện (đang xây dựng đề án thành lập thư viện), và thành phố Buôn Ma Thuột không xây dựng thư viện mà bạn đọc sử dụng Thư viện tỉnh.
Thiết chế tổ chức thư viện cấp huyện trong toàn tỉnh chưa đồng nhất, có 2 mô hình tổ chức, quản lý: Trực thuộc Phòng Văn hóa và Thông tin và trực thuộc Trung tâm Văn hóa. Có 15 cán bộ phụ trách thư viện cấp huyện, mỗi thư viện bình quân chỉ có 1 cán bộ. Một số thư viện không đảm bảo số lượng cán bộ phục vụ, biên chế không ổn định, kiêm nhiệm nhiều việc tại các phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa và Thông tin, do đó chưa đáp ứng yêu cầu, quy mô tổ chức, hoạt động của một thư viện cấp huyện.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các thư viện huyện, thị xã hầu hết không có trụ sở riêng mà được xây dựng hoặc bố trí một số phòng trong phòng Văn hóa Thông tin hoặc Trung tâm Văn hóa Thông tin, hoặc mượn 1 phòng tại trường phổ thông trung học. Do vậy, diện tích các thư viện nhỏ hẹp, chưa phù hợp với hoạt động đặc thù của thư viện. Một số thư viện huyện, thị xã được đầu tư trang bị máy tính, kết nối internet để khai thác thông tin, phục vụ công tác chuyên môn và bạn đọc nhưng số lượng còn ít (chỉ 1 máy/thư viện) và công nghệ lạc hậu nên hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện.
Trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ có 15/184 xã, phường có thư viện và 141 điểm Bưu điện - Văn hóa xã. Thư viện các xã có số lượng sách khoảng 7.000 bản, bình quân mỗi thư viện có gần 250 bản sách; vốn sách, tài liệu bổ sung hàng năm chủ yếu là nguồn sách tài trợ chương trình nông thôn mới, sách từ Thư viện tỉnh. Đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng và chuyên môn nghiệp vụ, chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi.
Thiết nghĩ, trong thời kỳ 4.0 hiện nay mà còn tư duy mở rộng trụ sở các thư viện để lưu trữ hoặc trưng bày sách là đã “xưa như trái đất”. Nhiều thư viện hiện nay vẫn hoặc mới chỉ là kho chứa sách, số lượng đầu sách hay và bổ ích rất hạn chế. Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, có nơi thư viện còn thường xuyên đóng cửa, có nơi còn đưa thư viện lên tầng cao để tận dụng mặt bằng phía dưới làm việc khác…
ĐỂ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG THỜI KỲ 4.0
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Đảng đã xác định:“Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số”.
Thực hiện Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngày 2/11/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 10741/KH-UBND Triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk với mục đích đưa Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện trở thành một trong những nội dung quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện; đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu chung là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện; góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Tỉnh Đắk Lắk đã xác định mục tiêu chủ yếu đến năm 2025, hệ thống thư viện công cộng toàn tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất; ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ thư viện, tiến đến hiện đại hóa thư viện. Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật; Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của ngành thư viện; Phát triển dữ liệu số các thư viện; Xây dựng và phát triển nền tảng số; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ là những giải pháp được triển khai thực hiện đồng bộ trong thời gian tới. |
Để phát triển văn hóa đọc trong thời đại số hiện nay, cần quan tâm tới một số nội dung như sau:
Một là, phục vụ mượn sách online.
Chính phủ điện tử, hiểu một cách đơn giản, là "4 không", có khả năng họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ số là Chính phủ điện tử, thêm "4 có", có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.
Vậy nên hiện tại để độc giả phải đến Thư viện để mượn sách là “xưa như trái đất”, mà cần chuẩn bị các điều kiện liên quan về cơ sở hạ tầng, nội dung để độc giả có thể mượn sách online, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Muốn vậy, phải bắt tay vào ngay việc phát triển thư viện điện tử, thư viện kỹ thuật số tiên tiến, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu đọc và thông tin đa dạng của nhân dân trong tỉnh. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện với Thư viện Quốc gia và các thư viện trong và ngoài nước.
Nâng cấp, hoàn thiện Trang thông tin điện tử Thư viện tỉnh theo hướng hiện đại gắn với triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến tích hợp với thành phần dữ liệu mở là việc khẩn trương cần phải làm.
Hai là, phục vụ đọc sách online. Trong Luật Thư viện đã có nhiều quy định đón trước để các thư viện phát triển và bắt kịp với những yêu cầu đặt ra trong thời đại 4.0: Từ những quy định về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của thư viện, đến những quy định cụ thể về hoạt động thư viện, hiện đại hóa thư viện, phát triển thư viện số, phát triển văn hóa đọc. Đại dịch COVID-19 là khó khăn, là thách thức nhưng cũng là cơ hội để chuyển đổi số. Để linh hoạt, thích ứng với đại dịch COVID-19, Thư viện cần linh hoạt mở không gian đọc sách online. Việc tận dung sự phát triển văn hóa đọc trên nền tảng các mạng xã hội như facebook, youtube..., là một giải pháp cực kỳ hiệu quả, ít tốn kém và dễ vận hành. Nếu tích cực thì có thể “Mỗi tuần một cuốn sách", còn nếu điều kiện chưa cho phép thì ít nhất “Mỗi tháng một cuốn sách” nhằm để không gián đoạn thói quen đọc sách của bạn đọc. Chương trình được thực hiện bằng cách quay video, phát trên kênh youtube và facebook của Thư viện tỉnh.
Cần sớm đưa vào thử nghiệm ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo như công nghệ người ảo (Vbee AI voice solutions... ), chuyển văn bản thành giọng nói (text-to-speech) với giọng đọc trí tuệ nhân tạo có cảm xúc như người thật để giới thiệu, thuyết minh, thuyết trình, rewiew sách tự động; tiến tới ứng dụng chính thức một cách hợp lý, hài hòa, góp phần giảm công sức nhân lực thực hiện các video clip giới thiệu sách cho bạn đọc. Việc tương tác trực tiếp với các kênh trực tuyến này cũng là cách để thư viện nắm bắt nhu cầu của bạn đọc để bổ sung và hoàn thiện các video ngày càng hấp dẫn hơn.
Ba là, xây dựng cơ sở dữ liệu mở. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số trong ngành thư viện chính là để xây dựng dữ liệu mở cho người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng cùng tham gia. Người đọc có thể tham khảo miễn phí những nội dung cơ bản, nhưng khi cần thì các tư liệu quý, tài liệu chuyên sâu thì phải mua. Nhiều đơn vị xuất bản đã nhận ra ý nghĩa quan trọng của chuyển đổi số như vậy nên tích cực tham gia thay đổi cả quy trình xuất bản cũng như hoạt động quản lý, giúp độc giả dễ dàng tiếp cận và lan tỏa phong trào đọc sách mạnh mẽ hơn.
Cần khẩn trương xây dựng tài nguyên thông tin số trên cơ sở thu thập tài liệu số, số hóa tài liệu của thư viện. Xử lý, lưu giữ, bảo quản tài nguyên thông tin số phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin, chuyên môn, nghiệp vụ thư viện. Các tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các sở, ban, ngành và Thư viện tỉnh thu thập, quản lý phải được số hóa; các tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn tỉnh được thu thập và quản lý được số hóa.
Bốn là, tích cực xã hội hóa văn hóa đọc. Nếu chỉ Thư viện nhà nước thôi thì không đủ, cần đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa đọc thông qua các không gian phù hợp như Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột, các quán cà phê sách, các thư viện tư nhân hay kể cả các chương trình thiện nguyện như “Thư viện về buôn” cũng rất cần được khuyến khích, tạo điều kiện để thường xuyên triển khai thực hiện. Trong thời đại 4.0, không thể không liên kết để cùng phát triển, việc phối hợp với hệ thống thư viện trong vùng hay toàn quốc cũng như các lực lượng xã hội khác là không thể thiếu để tận dụng nguồn tài nguyên số phục vụ văn hóa đọc. Tuy nhiên, việc xã hội hóa văn hóa đọc cần hết sức lưu ý thực hiện nội dung đã được văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, thiết nghĩ, phải có quyết tâm chính trị rất cao cùng với huy động tổng lực các nguồn lực để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp nêu trên thì văn hóa đọc mới có thể phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ 4.0, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Đặng Gia Duẩn
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk