Đắk Lắk ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 – 2025
Ngày đăng: 22/02/2022 10:40
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 22/02/2022 10:40
UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 – 2025
Mục đích của Kế hoạch nhằm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2022 - 2025 và các nội dung đã cam kết trong hồ sơ đệ trình với Tổ chức UNESCO; Đảm bảo tính kế thừa, lâu dài, thường xuyên trong việc thực hiện mục tiêu bảo tồn, gìn giữ, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Giới thiệu rộng rãi giá trị di sản văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk đến với bạn bè trong nước và quốc tế; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Các nhiệm vụ chính của Kế hoạch gồm: 1. Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa cồng chiêng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương, ngày hội, hội thi, hội diễn, liên hoan, trưng bày, triển lãm, thông tin lưu động ở địa phương, khu vực, toàn quốc và quốc tế góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng. 2. Các huyện, thị xã, thành phố mỗi năm tổ chức phục dựng ít nhất 01 nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn gắn với hoạt động bảo tồn văn hóa cồng chiêng; tổ chức các hoạt động như buôn vui chơi, buôn ca hát, tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng, liên hoan dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc từ tỉnh đến cơ sở; nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi, khai thác, truyền dạy và nâng cao hiệu quả sử dụng các bài chiêng cổ của dân tộc Êđê, M’nông trong sinh hoạt cộng đồng. 3. Bảo tồn buôn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch: Xây dựng mô hình điểm buôn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng; Hỗ trợ trang thiết bị bên trong nhà văn hóa cộng đồng buôn đồng bào dân tộc thiểu số (bàn, ghế, âm thanh, ánh sáng, trang trí khánh tiết, cấp chiêng, trang phục, nhạc cụ truyền thống và một số vật dụng có liên quan) để duy trì sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, gắn với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng. 4. Cấp chiêng và trang phục truyền thống cho đội chiêng, đội văn nghệ tiêu biểu ở buôn đồng bào dân tộc thiểu số để duy trì tập luyện, tham gia sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, góp phần bảo tồn di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh. 5. Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng của đội ngũ cán bộ làm văn hóa tại địa phương. 6. Có chế độ thăm hỏi, động viên các nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú và các nghệ nhân tiêu biểu khác vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Tết Nguyên đán. 7. Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với cồng chiêng; Lập hồ sơ khoa học di sản văn phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Từng bước hệ thống hóa tư liệu văn hóa cồng chiêng và hình ảnh các bộ chiêng cổ trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. 8. Tổ chức đưa di sản văn hóa cồng chiêng vào Trường Dân tộc nội trú và bán trú trên địa bàn tỉnh; 9. Tổ chức các hoạt động giao lưu tôn vinh văn hóa cồng chiêng. 10. Tăng cường công tác quản lý nhà nước; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh.
Tổng kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 - 2025 là: 20.300.000.000đ (Hai mươi tỷ ba trăm triệu đồng), đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Khóa X, Kỳ họp thứ Ba thông qua ngày 10/12/2021, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 (Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND).
Dương Nguyễn