Tái cơ cấu nền kinh tế, du lịch phải được đặc biệt chú trọng
Ngày đăng: 23/12/2016 16:43
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/12/2016 16:43
Chiều 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 -2020 và Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tại nghị trường,
trong phiên thảo luận về kinh tế- xã hội (ảnh: Hà Giang)
Du lịch là ngành có sức lan toả nên phải được ưu tiên
Trong nhiều nội dung mà các đại biểu đưa ra nhằm “hiến kế” để thúc đẩy tăng trưởng có ngành du lịch – được nhận định là một trong những lĩnh vực đầy tiềm năng.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, tiềm năng của ngành du lịch thể hiện ở số lượng khách quốc tế và nội địa ngày càng tăng, đồng thời đưa ra những con số cụ thể như: năm 2015, tốc độ tăng trưởng du lịch đạt 48%, đóng góp 6,6% GDP và tạo ra 750.000 việc làm trực tiếp.
Dù vậy, đại biểu Yến cũng thừa nhận, phát triển ngành du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, trong đó công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút du lịch còn hạn chế, sản phẩm du lịch đơn điệu, dịch vụ du lịch chưa có kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, du khách đến Việt Nam du lịch nhưng chỉ có 6% là trở lại.
Theo đại biểu Yến, phát triển du lịch là vị trí rất quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thúc đẩy bảo tồn và phát triển nền văn hoá. Du lịch cũng chính là cầu nối giao lưu văn hoá, ý thức trách nhiệm cộng đồng đối với công tác gìn giữ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường...
“Tôi đề nghị cần có giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch, phát triển các khu du lịch phức hợp có quy mô và giá trị cao...”, đại biểu đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu nêu ý kiến.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: “Tôi sẽ có ý kiến phát biểu về nông nghiệp và du lịch, đó là hai thế mạnh cần phải được đầu tư thích đáng để đóng góp nhiều hơn vào GDP (ảnh: Hà Giang)
Tái cơ cấu nền kinh tế, du lịch phải được đặc biệt chú trọng
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, du lịch phải được đặc biệt chú trọng bởi những tiềm năng sẵn có. Không những thế, du lịch là ngành công nghiệp xanh, ngành công nghiệp hỗ trợ môi trường.
“Tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam còn rất lớn. Đặc biệt là Việt Nam nhiều danh lam thắng cảnh, các món ăn Việt Nam cũng rất hấp dẫn khách du lịch. Đây chính là dư địa để kinh tế thúc đẩy tăng trưởng. Vấn đề là Chính phủ phải có chiến lược đầu tư về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… để cho hoạt động du lịch phát triển”, đại biểu Ngân nói.
Theo đại biểu Ngân, mặc dù tiềm năng rất lớn, song ngành du lịch mới chỉ góp 6,6% vào GDP là còn khiêm tốn.
“Du lịch là ngành có sức lan toả đối với các ngành khác. Đầu tư cho du lịch là đầu tư cho cả hệ thống các ngành nghề khác như: nông nghiệp. giao thông… Vì thế, tôi cho rằng lĩnh vực này phải được ưu tiên”, vị đại biểu đoàn TP HCM nhấn mạnh.
Còn đại biểu Phạm Quang Thanh, người đang đảm nhận trọng trách giám đốc một doanh nghiệp du lịch cũng đã có ý kiến đề xuất Quốc hội và Chính phủ tính tới phương án tăng nguồn chi cho ngành du lịch.
Đại biểu Thanh cho hay, trong báo cáo của Chính phủ năm 2016, du lịch là một trong những điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế với mức tăng trưởng là 25,7% và năm 2015, đóng góp của ngành du lịch cho GDP Việt Nam khoảng 20 tỷ USD tương đương với khoảng 330.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2016, du lịch sẽ đóng góp cho GDP khoảng 370.000 tỷ đồng và với tình hình thực tế hiện nay, con số này có thể tăng cao hơn nữa.
“Tại sao lại đầu tư cho du lịch? Bởi vì tăng chi cho du lịch là phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ coi ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Chi cho du lịch là hoàn toàn không lớn, trong khi những hiệu quả đem lại rất lớn và chúng ta có thể nhìn thấy ngay trước mắt. Du lịch có tính chất là ngành dịch vụ tổng hợp, có tính lan tỏa cao, liên ngành, liên vùng và chúng ta gọi là "ngành công nghiệp không khói". Chính vì vậy, ưu tiên tập trung đầu tư cho du lịch, tôi nghĩ là phù hợp với định hướng của chi ngân sách cũng như định hướng đầu tư trong giai đoạn tới”, đại biểu Thanh nêu tầm quan trọng của ngành du lịch.
Vị đại biểu này cũng đề xuất tăng chi cho ngành du lịch để nhằm tập trung cho công tác quảng bá, xúc tiến..., thay vì khoản ngân sách rất hạn hẹp trong năm 2016 là 2 triệu USD.
Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: “Tôi sẽ có ý kiến phát biểu về nông nghiệp và du lịch, đó là hai thế mạnh cần phải được đầu tư thích đáng để đóng góp nhiều hơn vào GDP. Mong rằng các quan điểm về các lĩnh vực này trong tái cơ cấu phải được sửa đổi và bổ sung”.