Đắk Lắk ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 16/08/2017 22:29
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 16/08/2017 22:29
Quyền sở hữu trí tuệ là một khái niệm pháp lý nhưng được sử dụng rộng rãi trong cả các lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại, đầu tư, hành chính, hình sự - dùng để chỉ quyền của chủ thể đối với tài sản trí tuệ. Theo Luật Sở hữu trí tuệ thì Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Quyền sở hữu trí tuệ là là một tài sản của tổ chức, cá nhân, thuộc nhóm tài sản vô hình, được tạo nên từ nỗ lực sáng tạo trí tuệ. Quyền sở hữu trí tuệ khi được nhà nước bảo hộ sẽ giúp tổ chức, cá nhân bảo vệ tài sản vô hình (tài sản trí tuệ) trong các hoạt động thương mại, tạo ra lợi thế độc quyền trong cạnh tranh, khai thác, vì nếu các đối thủ lấy đi sản phẩm trí tuệ của mình và thu lợi từ nó sẽ bị nhà nước ngăn chặn, xử lý theo quy định của Pháp luật.
Với tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ như vậy, tỉnh Đắk Lắk đã ban hànhChương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2015 - 2020, nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tạo lập quyền sở hữu trí tuệ cho mình. Các tài sản trí tuệ được nhà nước bảo hộ (đã được cấp văn bằng bảo hộ) kể từ ngày 08/01/2015 trở về đây sẽ được hỗ trợ một lần bằng tiền với hình thức chuyển khoản, cụ thể như sau:
- Đối với nhãn hiệu: Mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ duy nhất một lần 1.000.000 đồng (Một triệu đồng).
- Đối với nhãn hiệu tập thể không mang địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương: Mỗi tập thể được hỗ trợ duy nhất một lần 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).
- Đối với nhãn hiệu chứng nhận không mang địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương: Mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ duy nhất một lần 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng).
- Đối với kiểu dáng công nghiệp: Mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ nhiều lần nếu có nhiều kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Mỗi kiểu dáng công nghiệp đã bảo hộ được hỗ trợ 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).
- Đối với sáng chế/giải pháp hữu ích: Mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ nhiều lần nếu có nhiều sáng chế/giải pháp hữu ích được bảo hộ. Mỗi sáng chế/giải pháp hữu ích đã bảo hộ được hỗ trợ 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng).
- Đối với giống cây trồng: Mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ nhiều lần nếu có nhiều giống cây trồng được bảo hộ. Mỗi giống cây trồng được bảo hộ được hỗ trợ 15.000.000 đồng (Mười lăm triệu đồng).
- Đối với quyền tác giả, quyền liên quan: Mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ duy nhất một lần 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng).
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được gửi về Sở Khoa học và Công nghệ, cụ thể như sau:
- Đơn đề nghị hỗ trợ (theo mẫu);
- Bản sao văn bằng bảo hộ;
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với tổ chức), chứng minh nhân dân (đối với cá nhân);
- Phương án sử dụng và phát triển đối tượng được bảo hộ (theo mẫu).