HIỆN ĐẠI HÓA CÔNG TÁC TRƯNG BÀY, PHÁT TRIỂN CÁC HOẠT ĐỘNG SỐNG Ở BẢO TÀNG ĐẮK LẮK
Ngày đăng: 30/08/2017 14:24
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 30/08/2017 14:24
Năm 2011, tòa nhà mới của Bảo tàng Đắk Lắk được khánh thành. Với tổng diện tích trưng bày 2.500 m2, gồm 03 không gian trưng bày thường xuyên là Đa dạng sinh học, Văn hóa dân tộc, Lịch sử. Cùng với Sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột và không gian kết nối các phần trưng bày, Bảo tàng Đắk Lắk đã đáp ứng được nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu và thưởng thức các giá trị di sản văn hóa của công chúng.
Không gian trưng bày Đa dạng sinh học được thiết kế màu chủ đạo xanh lá cây. Phòng trưng bày có diện tích 350m2 với 134 đơn vị hiện vật và 38 hình ảnh được sử dụng, giới thiệu đến công chúng tổng quan về tài nguyên thiên nhiên, thổ nhưỡng, tiềm năng sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp của Đắk Lắk. Không gian trưng bày Đa dạng sinh học được trưng bày 3 chủ đề chính: Rừng và động vật rừng; Tài nguyên thiên nhiên và sản xuất; Một góc không gian chợ. Ngoài ra, Bảo tàng Đắk Lắk đã mạnh dạn đưa vào phần trưng bày cảnh báo môi trường, gửi đến khách tham quan thông điệp hãy trân trọng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Không gian trưng bày Văn hóa dân tộc được thiết kế màu chủ đạo nâu đỏ. Phòng có diện tích 700m2 với 650 đơn vị hiện vật, 112 hình ảnh, 27 bài viết các loại và 12 màn hình video. Văn hóa dân tộc được xây dựng trên cơ sở phong phú về hiện vật cũng như thông tin và tư liệu nghe nhìn. Qua đó, làm nổi bật lên bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Đắk Lắk với những sắc thái riêng và chung. Phòng được trưng bày với các chủ đề chính: Nông nghiệp; Săn bắt, hái lượm; Voi; Nhà ở; Nghề thủ công; Âm nhạc; Nghi lễ; Tang lễ; Các dân tộc nhập cư. Đặc biệt, Bảo tàng Đắk Lắk đã dành một phòng trang trọng nhất với diện tích gần 40m2 để tôn vinhKhông gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Không gian trưng bày Lịch sử được thiết kế theo chiều dọc với màu chủ đạo là tím, thể hiện quá trình lịch sử xuyên suốt hình thành Đắk Lắk từ thời tiền sử cho đến hiện đại. Phòng có diện tích 700m2 với 439 đơn vị hiện vật và 80 hình ảnh, được trưng bày với 04 chủ đề chính:Thời tiền sử; Giai đoạn 1930 - 1954; Giai đoạn 1954 - 1975; Giai đoạn 1975 đến nay.Đặc biệt, tại phòng trưng bày lịch sử, Bảo tàng có một không gian giới thiệu về khảo cổ Đắk Lắk. Đây là không gian trưng bày về các hiện vật khảo cổ đặc trưng của Đắk Lắk như rìu đá, trống đồng và trưng bày về mộ cổ của Tù trưởng Ama Sô.
Sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột có diện tích 350m2, với sức chứa 90 người, gồm 02 phần: mô hình và phim tài liệu có độ dài 15phút do Xưởng phim Quân đội thực hiện. Sa bàn là một điểm nhấn quan trọng và riêng biệt của Bảo tàng, là một thước phim tái hiện lại trận đánh Buôn Ma Thuột 10/3/1975 của quân và dân Đắk Lắk.
Không gian kết nối các phần trưng bày có diện tích 400m2, trưng bày chiếc ghế Kpan dài 11.5m, một đặc trưng riêng biệt của người Êđê. Đây là nơi các nghệ nhân đồng bào dân tộc tại chỗ trình diễn các nghề thủ công truyền thống như: dệt chiếu, đan lát, dệt thổ cẩm, làm gốm, chế tác nhạc cụ và biểu diễn một số loại hình văn nghệ dân gian như: hát arei, biểu diễn nhạc cụ dân tộc…
Phòng trưng bày chuyên đề có diện tích 700m2, là nơi tổ chức các trưng bày chuyên đề nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá cái mới của công chúng trong và ngoài nước. Tại đây đã trưng bày một số chuyên đề đặc sắc và tạo được ấn tượng trong công chúng như: Chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”; Chuyên đề “Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ XX”; Chuyên đề “Lịch sử cồng chiêng Tây Nguyên”.v.v.
Ngoài các không gian trưng bày trên, Bảo tàng còn có kho bảo quản với diện tích 2.000 m2, là nơi bảo quản, lưu giữ hiện vật. Hiện nay, Bảo tàng đang từng bước xây dựng hệ thống kho mở - một phong cách của bảo tàng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu cho khách tham quan, nhất là đối với đối tượng sinh viên, các nhà nghiên cứu và các nhà khoa học.
Đặc biệt, Bảo tàng Đắk Lắk là Bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng 4 ngôn ngữ trong trưng bày: cùng với tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, còn có tiếng Êđê - ngôn ngữ của cư dân tại chỗ đông nhất trên địa bàn tỉnh. Không phải ngẫu nhiên mà Bảo tàng Đắk Lắk thường xuyên được đánh giá nằm trong tốp đầu của hệ thống bảo tàng chuyên ngành ở Việt Nam. Du khách DoManh (Hà Nội) đã nhận xét trên chuyên trang du lịch uy tín hàng đầu thế giới phiên bản Việt (www.tripadvisor.com.vn): “Bảo tàng thiết kế bên ngoài đẹp, nhìn đã thấy chất Cao nguyên. Bài trí hiện vật bên trong rất khoa học. Một nơi xa xôi mà có được Bảo tàng thế này thật đáng khâm phục”. Còn du khách tzvan (Tp.HCM) thì viết: “...Thật sự tôi rất thích. Ngắm nhìn những vật dụng, những ngôi nhà thu nhỏ, những bộ quần áo của người dân tộc ở đây..., thật là thích thú. Thích nhất là đến chỗ của những người phụ nữ đang nhào nắn đất sét để cho ra những bình lọ nhỏ nhắn xinh xinh. Thật là có ích cho một ngày tham quan...”.
Tuy nhiên, đa số các bảo tàng tại Việt Nam hiện nay nói chung và Bảo tàng Đắk Lắk nói riêng không gian trưng bày còn hạn chế, số lượng hiện vật được trưng bày ít, việc bảo quản các hiện vật khi trưng bày gặp khó khăn, các hiện vật quý hiếm thường ít được trưng bày; kịch bản trưng bày thường cố định và ít hấp dẫn đối với người tham quan, chưa thu hút được nhiều khách tham quan, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Bằng chứng là rất ít bảo tàng tại Việt Nam có thể hoạt động tự chủ mà không phụ thuộc và ngân sách Nhà nước.
Bảo tàng Đắk Lắk là Bảo tàng hạng I quốc gia, có bề dày 40 năm xây dựng và phát triển. Để giữ hạng và phấn đấu trở thành một trong những Bảo tàng hàng đầu Việt Nam, bên cạnh phát huy những kết quả và lợi thế sẵn có,thiết nghĩ, Bảo tàng cần có kế hoạch tập trung vào một số vấn đề cơ bản của công tác trưng bày:
Thứ nhất, cần hiện đại hóa công tác trưng bày. Trong khi các bảo tàng trên thế giới và một số bảo tàng tại Việt Nam đã sử dụng công nghệ trợ giúp trưng bày thì Bảo Đắk Lắk hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng hệ thống trưng bày theo phương pháp truyền thống: Các hiện vật được đặt trong hệ thống tủ kính bảo vệ, hạn chế tương tác với người tham quan vì mục tiêu bảo vệ hiện vật. Đối với các khung cảnh, tập tục văn hóa của các dân tộc được dựng hình nộm trưng bày.v.v. Để nâng cao tính tương tác giữa người tham quan và hiện vật, tái tạo lại các hình ảnh sinh hoạt, văn hóa truyền thống, thay đổi phương pháp tiếp xúc với văn hóa hiện đại nhằm nâng cao sự hứng thú và lượng thông tin được truyền tải cho khách tham quan thì cần sớm nghiên cứu và xây dựng một hệ thống hỗ trợ trưng bày cho Bảo tàng Đắk Lắk theo công nghệ thực tế ảo, công nghệ 3D, 4D. Với công nghệ này, có thể bổ sung thêm các thông tin khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video cho mỗi hiện vật, đặc biệt là bổ sung thêm các hiện vật ảo vào trong không gian trưng bày thật. Qua đó số lượng hiện vật được trưng bày sẽ phong phú và đa dạng hơn, các hiện vật trong Bảo tàng cũng trở lên sống động và cung cấp được nhiều thông tin hơn đến người tham quan, kịch bản trưng bày cũng dễ dàng thay đổi và hấp dẫn hơn do người tham quan có thể tương tác với hiện vật. Do đó việc nghiên cứu và xây dựng một hệ thống hỗ trợ trưng bày cho hơn 12.000 hiện vật hiện nay của Bảo tàng Đắk Lắk là một nhu cầu thiết yếu.
Thứ hai, trưng bày bảo tàng cần hướng đến công chúng và cộng đồng. Nếu như trước đây nghiên cứu chủ yếu chỉ hướng đến cộng đồng để lấy thông tin thì nay nghiên cứu lại chú trọng nhiều đến sự hợp tác, cộng tác của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Đa số các trưng bày thời kỳ trước thiên về mục đích tuyên truyền thuần tuý, đơn giản, nên thường khô cứng và kém hấp dẫn, thường thiếu những chương trình giáo dục riêng phù hợp với từng đối tượng, nhất là học sinh. Không những thế, do đơn giản coi trưng bày là hoạt động trung tâm của Bảo tàng, nên sau khi cắt băng khai mạc, thì các cuộc trưng bày đều được coi như đã hoàn thành, mà không thấy phải có các hoạt động đa dạng để lôi cuốn khách đến tham quan kể từ khi khai mạc cho đến lúc kết thúc cuộc trưng bày, đó là các hoạt động trình diễn, biểu diễn, hội thảo, toạ đàm, chiếu phim và nhiều hoạt động khác.
Bên cạnh đó, cần quan tâm chú trọng phát triển các hoạt động sống của Bảo tàng mang tính chuyên môn như sự hợp tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản cho đến phục dựng, trưng bày..., với các đơn vị, cơ quan ngoài Bảo tàng. Một Bảo tàng lớn không thể thiếu được những hoạt động nghiên cứu khoa học lớn, mở rộng hợp tác, liên kết chuyên môn trong và ngoài nước,tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo cho du khách; tăng cường hiệu quả truyền thông để thu hút khách tham quan. Việc phục dựng thành công 5 hiện vật trống đồng trong năm 2017 là một ví dụ điển hình cho các hoạt động sống của Bảo tàng.
Vừa qua, các nhà khoa học của trường Đại học Quy Nhơn đã trúng gói thầu triển khai đề tài khoa học nghiên cứu các phương pháp trợ giúp trưng bày dựa trên công nghệ thực tế ảo; thiết kế, phát triển xây dựng hệ thống hỗ trợ trưng bày và quản lý các hiện vật tại Bảo tàng Đắk Lắk với các mục tiêu mô hình hóa 3D các hiện vật tại Bảo tàng; phân tích, thiết kế và phát triển hệ thống phần mềm bao gồm phần mềm hiển thị, trình diễn 3D; phần mềm quản lý hiện vật và các module phần mềm kết nối giữa chúng. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi trong tương lai gần, khi áp dụng chuyển giao công trình này thì Bảo tàng Đắk Lắk sẽ trở thành một điểm đến văn hóa trên Cao nguyên, thật sự hấp dẫn du khách trong và ngoài nước./.
ĐẶNG GIA DUẨN - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Đắk Lắk