Bảo tàng Đắk Lắk những năm 1975 - 1990
Ngày đăng: 31/08/2017 13:57
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 31/08/2017 13:57
Những hoạt động Bảo tồn - Bảo tàng chính thức được ghi nhận ở Đắk Lắk vào cuối năm 1975. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định thành lập Ty Thông tin - Văn hóa tỉnh (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong đó có phòng Bảo tồn - Bảo tàng. Tuy nhiên, những năm mới giải phóng, cùng với cả nước, Đắk Lắk đứng trước rất nhiều khó khăn về cả kinh tế, an ninh quốc phòng và tuyến biên giới với Campuchia luôn bị bọn Pôn Pốt tấn công lấn chiếm. Bọn tàn quân của chế độ cũ trà trộn trong Nhân dân tuyên truyền chống phá chính quyền cách mạng, kích động xúi giục các buôn làng xây dựng lực lượng phản cách mạng, trao giải thưởng cho những ai thủ tiêu được cán bộ văn hóa…
Trong bối cảnh an ninh như thế, hoạt động Bảo tồn- Bảo tàng hết sức khó khăn: Công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản cho đến công tác tuyên truyền giáo dục cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo có hệ thống về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Được sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các đơn vị liên quan, đặc biệt, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VII năm 1977 đã đề ra: “Có kế hoạch xúc tiến công tác Bảo tồn, Bảo tàng, trước mắt cần ra sức sưu tầm, bảo quản những hiện vật, tài liệu, những di tích cách mạng và lịch sử để chuẩn bị cho việc xây dựng các Nhà bảo tàng, Nhà truyền thống ở tỉnh, huyện, xã…”. Triển khai Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, công tác Bảo tồn - Bảo tàng được khích lệ, cán bộ nhân viên bảo tàng được động viên, mạnh dạn liên hệ, xin tăng cường cán bộ các tỉnh phía Bắc, cử cán bộ đi học chính quy, tiếp thu nghiệp vụ về để hoạt động lâu dài. Mặt khác, tranh thủ sự giúp đỡ về chuyên môn của các Bảo tàng bạn, tiếp nhận hỗ trợ của các Bảo tàng Trung ương về nguồn tư liệu, hiện vật liên quan đến các sự kiện lịch sử ở Đắk Lắk. Đồng thời, đẩy mạnh công tác sưu tầm, kiểm kê di tích lịch sử văn hóa ở những địa bàn có điều kiện tương đối an toàn về an ninh trong tỉnh. Nhiều tài liệu, hiện vật quý hiếm, nhất là những hiện vật về lịch sử văn hóa các dân tộc đã được đưa về kho bảo quản và nhanh chóng được phân loại, nghiên cứu, giữ gìn làm cơ sở cho việc ra đời Nhà truyền thống của tỉnh, là tiền thân của Bảo tàng Đắk Lắk hiện nay.
Ngày 02/9/1977, Nhà truyền thống của tỉnh khánh thành, đây là ngày hội của ngành Văn hóa Đắk Lắk. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh được xem, được chứng kiến kết quả bước đầu của công tác Bảo tồn - Bảo tàng ở tỉnh nhà, được ngắm nhìn, tìm hiểu những kỷ vật lịch sử, những dụng cụ lao động, những sản phẩm văn hóa do chính tay họ là tác giả và là chủ nhân được trưng bày, giới thiệu một cách trang trọng ngay trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Thông qua hiện vật trưng bày, người xem hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa Đắk Lắk, từ đó niềm tự hào về truyền thống anh dũng chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, ý thức gìn giữ truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc được khơi dậy, tình đoàn kết các dân tộc được củng cố, niềm tin yêu với Đảng với Bác Hồ, với chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố.
Có thể nói, sự ra đời của Nhà truyền thống Đắk Lắk lúc đó đã khẳng định một lần nữa Nghị quyết Đại hội khóa VII của tỉnh là đúng đắn và kịp thời, hợp lòng dân, được Nhân dân ủng hộ. Lượng khách tới tham quan Nhà truyền thống không chỉ đông về số lượng mà còn đa dạng về thành phần xã hội, lứa tuổi và nghề nghiệp. Mặc dù chưa đầy đủ tư cách của một Bảo tàng khảo cứu địa phương, nhưng sự hiện diện của Nhà truyền thống tỉnh Đắk Lắk đã thể hiện một bước phát triển lớn của hoạt động văn hóa nói chung và công tác bảo tồn, bảo tàng nói riêng.
Ngày 07/02/1990, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định đổi tên Nhà truyền thống thành Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, điều này vừa thể hiện sự phát triển bền vững của nền văn hóa truyền thống, vừa thể hiện sự hoàn thiện thiết chế văn hóa của địa phương. Từ đây, Bảo tàng Đắk Lắk mới thật sự là cơ quan không chỉ là tiếp nhận, sưu tầm tư liệu, mà còn là một cơ quan nghiên cứu, phát hiện, thu thập, gìn giữ lâu dài những hiện vật mang dấu ấn lịch sử. Đồng thời, thông qua hệ thống trưng bày bảo tàng là phương tiện làm “Sáng tỏ tất cả những quá trình phát triển tự nhiên và xã hội đã xảy ra ở địa phương để từ đó nêu lên biệt tính tất yếu, khách quan của những yếu tố riêng, những quá trình phát triển riêng. Nó giúp các nhà nghiên cứu và khách tham quan những yếu tố cơ bản để nhận thức quá khứ, hiện tại và cả phương hướng tương lai của mỗi địa phương”, trích trong kỷ yếu Hội nghị Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, 1984
Nguyễn Văn Thanh (Nguyên PGĐ Bảo tàng tỉnh)