Công tác nghiên cứu sưu tầm ở Bảo tàng Đắk Lắk
Ngày đăng: 31/08/2017 14:07
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 31/08/2017 14:07
Công tác nghiên cứu sưu tầm được coi như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển của Bảo tàng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngay từ khi mới thành lập tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng Bảo tàng Đắk Lắk đã thành lập Tổ nghiên cứu sưu tầm.
Giai đoạn mới thành lập năm 1977 đến 1995
Công tác nghiên cứu, sưu tầm trong giai đoạn này là vô cùng khó khăn vất vả, bởi sau giải phóng 1975, tuy cuộc sống của Nhân dân các dân tộc ở Đắk Lắk đã bình yên trở lại, nhưng tình hình an ninh trật tự vẫn còn phức tạp, một mặt bọn phản động Fulrô vẫn lén lút hoạt động chống phá, các trận địa cũ bom, mìn vẫn còn là mối nguy hiểm đối với các cán bộ sưu tầm, mặt khác cán bộ làm công tác này còn nhiều hạn chế trong chuyên môn, chưa được qua đào tạo bài bản, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác sưu tầm…
Đến năm 1990, khi Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định nâng cấp Nhà truyền thống cách mạng tỉnh Đắk Lắk lên thành Bảo tàng tổng hợp tỉnh, hoạt động Bảo tàng được nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn, việc nghiên cứu sưu tầm cũng dần được cải thiện, các tư liệu hiện vật cũng dần được củng cố bổ sung thêm, số tài liệu hiện vật đưa ra trưng bày ở hai cơ sở lên đến 1.453 đơn vị hiện vật. Những năm tiếp theo, số lượng hiện vật không ngừng tăng theo thời gian, điều này thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như sự nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn của các cán bộ làm công tác sưu tầm.
Giai đoạn năm 1996 đến 2014
Ở giai đoạn này công tác nghiên cứu sưu tầm được nâng lên một bước, các cán bộ làm công tác sưu tầm được bổ sung thêm kiến thức nghiệp vụ, trang thiết bị, nhờ vậy mà bình quân hàng năm đưa về Bảo tàng bảo quản lưu giữ trên 200 hiện vật, tài liệu. Nâng tổng số tài liệu hiện vật lên 2.500 đơn vị, gấp 5 lần so với ngày đầu thành lập. Trong giai đoạn này, Bảo tàng Đắk Lắk đã sưu tầm được một số lượng lớn hiện vật, có giá trị về văn hóa và lịch sử. Nếu như năm 2007 đã sưu tầm được 64 hiện vật, 200 ảnh về văn hóa dân tộc, 01 trống đồng, 254 hiện vật và 18.540 mảnh gốm các loại, 62 ảnh về danh lam thắng cảnh trong toàn tỉnh, 40 ảnh về đa dạng sinh học, thì những năm tiếp theo số lượng hiện vật được sưu tầm và bổ sung vào kho bảo quản đã tăng lên đáng kể, năm 2008 sưu tầm được 3.678 hiện vật khảo cổ, 254 hiện vật, 300 ảnh tư liệu về văn hóa dân tộc và đa dạng sinh học, 30 đơn vị hiện vật về tượng gỗ dân gian, 419 tư liệu, hiện vật lịch sử. Một số hiện vật có giá trị lớn như: Trống đồng; phin cà phê lớn nhất được lập kỷ lục tại Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 năm 2011; trang phục về hầu đồng của người Việt; sưu tập 100 hiện vật khảo cổ tỉnh Kon Tum; trong những năm từ 2012 đến 2014 đã sưu tầm được 553 hiện vật, 29 phim tư liệu, 614 ảnh và 19 file ghi âm… Bên cạnh đó, còn tiến hành khảo sát một số di chỉ khảo cổ tại các địa phương trong tỉnh.
Tài liệu khoa học phụ như phim tư liệu, ảnh về Liên hoan văn hóa cồng chiêng, nghề làm gốm, nghệ nhân kể khan, lễ bỏ mả, lễ cúng bến nước, lễ cúng lúa mới, hình ảnh về tín ngưỡng của người Kinh, Lễ hội tại Buôn Đôn, Festival Cà phê Buôn Ma Thuột… Sưu tầm, biên tập và in xong tập truyện cổ dân gian Êđê “Nữ Tù trưởng Aduôn H'Du”, “Dòng họ Niê Mla”, những tư liệu này đóng vai trò to lớn trong Bảo tàng, ngoài việc làm phong phú thêm cho kho tàng tư liệu còn bổ sung làm sống động hơn cho hiện vật khi trưng bày giới thiệu công chúng.
Giai đoạn năm 2015 đến nay
Phát huy những thành quả đạt được, đặc biệt là sau khi Bảo tàng mới được khánh thành, Bảo tàng Đắk Lắk đã được các cấp đánh giá cao về năng lực chuyên môn, triển vọng phát triển trong tương lai. Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Giám đốc Bảo tàng và đặc biệt là nỗ lực của các cán bộ làm công tác sưu tầm, trong hai năm 2015 – 2016 và nửa đầu năm 2017, Phòng Nghiên cứu Sưu tầm đã không ngừng đổi mới công tác nghiên cứu, sưu tầm hàng năm đã triển khai lập kế hoạch sưu tầm các hiện vật, tư liệu, hình ảnh liên quan đến các chủ đề: Văn hóa, lịch sử - khảo cổ, đa dạng sinh học, nhằm bổ sung cho các sưu tập của Bảo tàng, làm phong phú hơn cho các trưng bày đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của Nhân dân trong tỉnh và khách tham quan. Đã sưu tầm được 920 hiện vật, 59 phim, 566 hình ảnh và 40 file ghi âm. Đặc biệt trong số đó có các hiện vật như ly cà phê lớn nhất Việt Nam, sưu tập bộ trang phục bằng hạt cà phê và một số các sưu tập hiện vật của các dân tộc nhập cư khác như Tày, Nùng, Dao… Bảo tàng đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam triển khai công tác khai quật khảo cổ học và đã mang về kho bảo tàng gần 1.000 hiện vật khảo cổ học. Trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đã triển khai việc thực hiện Dự án “Sưu tầm, biên soạn và dạy chữ Êđê” tại huyện Krông Ana do Văn phòng Hợp tác Thụy Sỹ tại Việt Nam tài trợ đã xuất bản ấn phẩm “Những từ có nguy cơ thất truyền trong đời sống hàng ngày của người Êđê vùng Krông Ana”.
Con số gần 13.000 tư liệu hiện vật tính đến nay tuy chưa nhiều so với hoạt động của Bảo tàng Đắk Lắk 40 năm qua, nhưng để đạt được thành quả này là nhờ có sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo của Ngành, và đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu không ngại gian khổ của các thế hệ cán bộ làm công tác nghiên cứu sưu tầm, góp phần tạo tiền đề và định hình vững chắc của Bảo tàng loại I, khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa của khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Trần Quang Năm