Bảo tàng Đắk Lắk 40 năm xây dựng và phát triển
Ngày đăng: 31/08/2017 14:53
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 31/08/2017 14:53
Cách đây vừa tròn 40 năm, ngày 02/9/1977, Bảo tàng Đắk Lắk được thành lập với tên gọi Nhà truyền thống tỉnh Đắk Lắk. Lúc này, Nhà truyền thống được trưng bày giới thiệu thành hai phần: Phần lịch sử tự nhiên: Hiện vật còn rất ít, giới thiệu sơ qua một số nét về đất nước, con người Đắk Lắk; Phần lịch sử cách mạng: Trưng bày giới thiệu thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân Đắk Lắk. Đặc biệt, phần trưng bày chống Mỹ cứu nước được kết hợp chặt chẽ với Sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột nên đã tạo ra sức hấp dẫn đối với khách tham quan.
Từ năm 1982 - 1987, Nhà truyền thống nhận được sự giúp đỡ của các ban, ngành trong xây dựng và hoàn thiện nội dung, bố cục, đặc biệt là sự giúp đỡ của Bảo tàng Quân khu V trong việc sưu tầm và chỉnh lý trưng bày của Nhà truyền thống. Trưng bày lần này có quy mô và chất lượng hơn, đã thu hút nhiều lượt khách tham quan, nâng cao tầm vóc của Nhà truyền thống cách mạng tỉnh Đắk Lắk, tạo ra một bước ngoặt mới cả về nội dung, hình thức và trình độ quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, viên chức Bảo tàng.
Năm 1990, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định nâng cấp Nhà truyền thống tỉnh Đắk Lắk lên thành Bảo tàng tổng hợp tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Bảo tàng Đắk Lắk). Cùng với sự chuyển mình của đất nước nói chung và ngành Bảo tồn - Bảo tàng Việt Nam nói riêng, Bảo tàng Đắk Lắk đã tạo được thế ổn định, đi vào hoạt động chuyên môn quy củ và khoa học. Năm 1995, cùng với sự đổi mới của tỉnh nhà, đặc biệt Buôn Ma Thuột được Chính phủ công nhận là thành phố loại 3, Bảo tàng Đắk Lắk cũng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cục Bảo tồn Bảo tàng (nay là Cục Di sản Văn hóa), UBND tỉnh và Sở Văn hóa - Thông tin quan tâm hơn. Ngày 25 tháng 7 năm 1995, trên cơ sở thỏa thuận của Bộ Văn hóa - Thông tin, UBND tỉnh đã ra quyết định xếp hạng II cho Bảo tàng Đắk Lắk. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển vượt bậc về sau của Bảo tàng.
Tháng 6/1996, UBND tỉnh giao Di tích lịch sử Văn hóa số 04 Nguyễn Du (Biệt điện Bảo Đại) cho Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức trưng bày chuyên đề về các kỳ Đại hội của Đảng. Sau đó, chuyển toàn bộ phần trưng bày văn hóa dân tộc sang cơ sở này, phần lịch sử cách mạng được trưng bày tại trụ sở cũ. Chính sự thay đổi trên đã tạo điều kiện cho Bảo tàng có thêm không gian, cơ sở vật chất thể hiện được đầy đủ, sâu sắc những tiềm năng cũng như bản sắc văn hóa, lịch sử, con người Đắk Lắk. Cũng từ thời gian này, lượng khách tham quan biết đến Bảo tàng nhiều hơn.
Năm 2004, tỉnh Đắk Lắk tách ra làm hai, thành lập tỉnh mới Đắk Nông. Do đó, Bảo tàng Đắk Lắk đã tiến hành việc chuyển giao nhân lực và tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Đắk Nông, số lượng hiện vật tại Bảo tàng giảm đi đáng kể. Đứng trước thực trạng trên, Ban Giám đốc Bảo tàng quyết định tập trung cho công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật trên khắp địa bàn tỉnh.
Sau sự kiện Đắk Lắk tròn 100 năm tuổi, tỉnh nhà có sự phát triển vượt bậc trên mọi phương diện, đặc biệt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân ngày càng cao. Trong khi đó, Bảo tàng với cơ sở vật chất cũ kỹ, tận dụng từ những công trình văn hóa, lịch sử giai đoạn 1975 nên không đủ khả năng thể hiện những ý tưởng mới, những sự thay đổi theo hướng hiện đại hóa, vì thế không đem lại được ấn tượng sâu đậm trong mỗi đoàn khách khi đặt chân đến Đắk Lắk. Do đó, UBND tỉnh quyết định triển khai thực hiện Dự án xây dựng Bảo tàng mới. Năm 2004, Dự án FSP “Phát huy di sản Bảo tàng Việt Nam” do Cộng hòa Pháp, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam làm cố vấn chuyên môn bắt đầu khởi động.
Năm 2008, công trình Bảo tàng được chính thức khởi công xây dựng. Sau hơn 3 năm xây dựng, ngày 21/11/2011, Bảo tàng được cắt băng khánh thành – mở đầu một thời kỳ đột phá, phát triển mạnh mẽ của Bảo tàng Đắk Lắk. Sau ngày khánh thành trụ sở mới, Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, viên chức Bảo tàng đã nỗ lực hết mình trong việc tạo nên những nét mới, nét độc đáo trong quá trình hoạt động của mình.
Với diện tích xây dựng trên 9.000 m2, bố trí thành 03 phòng trưng bày thường xuyên (Đa dạng sinh học, Văn hóa dân tộc, Lịch sử) và một số hoạt động phụ trợ khác (sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột, trưng bày chuyên đề, không gian trải nghiệm), Bảo tàng Đắk Lắk trở thành bảo tàng địa phương lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Với phong cách trưng bày hiện đại, vốn hiện vật phong phú, đa dạng, sử dụng 04 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Êđê) trong hệ thống chỉ dẫn, bài giới thiệu, chú thích hiện vật, Bảo tàng đã gây được sự chú ý, quan tâm của công chúng.
Từ năm 2012 cho đến nay, Bảo tàng đã có nhiều hoạt động hướng đến công chúng như: Tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghề thủ công truyền thống, các trò chơi dân gian, gặp mặt giao lưu nhân chứng nhân các ngày lễ, đưa Bảo tàng đến với công chúng (tổ chức các trưng bày lưu động tại các huyện trong tỉnh), xây dựng một số trưng bày chuyên đề đặc sắc, sinh động... Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh nhằm đưa Bảo tàng đến gần hơn với công chúng.
Khi đến với Bảo tàng Đắk Lắk, khách tham quan có thêm nhiều kiến thức, cảm nhận sâu sắc hơn những tiềm năng của tỉnh được ẩn chứa trong mỗi hiện vật, mỗi hình ảnh về vùng đất, con người Đắk Lắk. Mỗi phòng trưng bày thường xuyên của Bảo tàng là một phần giới thiệu ngắn gọn, súc tích mà sinh động về quá trình xây dựng, phát triển của Nhân dân các dân tộc nơi đây. Cùng với quá trình hoạt động của mình, Bảo tàng đã góp phần không nhỏ trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích văn hóa của đất nước. Không những vậy, Bảo tàng còn trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn, là nơi gắn kết hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích với phát triển du lịch. Với những nỗ lực trên, trong 05 năm trở lại đây, Bảo tàng Đắk Lắk trở thành một điểm nhấn du lịch tại thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Hàng năm, có 300.000 lượt khách tham quan đến với Bảo tàng. Riêng 7 tháng đầu năm 2017, Bảo tàng đã thu hút và phục vụ trên 400.000 lượt khách.
Hiện nay, tại Bảo tàng đang trưng bày nhiều hiện vật quý, độc đáo như: Ly cà phê và phin cà phê lớn nhất thế giới, cuốn sách được làm từ gỗ lớn nhất Việt Nam, bộ sưu tập trang phục áo dài độc đáo từ hạt cà phê... Đây là những hiện vật đặc trưng nhất cho tiềm năng kinh tế của tỉnh nhà, giúp Nhân dân trân trọng và tự hào về những nguồn lực được nắm giữ. Đặc biệt, trong năm 2017, Bảo tàng được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp trên trong việc phục dựng 05 trống đồng trong tổng số 14 trống đồng đang được Bảo tàng lưu giữ. Đó chính là động lực giúp cho Bảo tàng có thêm nhiều nét độc đáo, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của Nhân dân.
Hiện Bảo tàng có 59 cán bộ, viên chức và người lao động (21 nam, 38 nữ, 05 người là dân tộc thiểu số), gồm: Ban Giám đốc 03 người và 07 phòng chức năng: Phòng Hành chính - Tổng hợp, phòng Nghiên cứu Sưu tầm, phòng Bảo quản, phòng Trưng bày, phòng Giáo dục và Công chúng, phòng Dịch vụ, phòng Truyền thông (phòng Dịch vụ và Truyền thông được thành lập tháng 5/2015). Các tổ chức đoàn thể cũng được quan tâm phát triển mạnh mẽ, gồm: 01 Chi bộ với 21 đảng viên; 01 Công đoàn bộ phận với 52 đoàn viên, 01 Chi đoàn thanh niên với 22 đoàn viên và 01 tổ cựu chiến binh với 04 thành viên.
Qua quá trình xây dựng và phấn đấu không mệt mỏi, Bảo tàng đã vinh dự được Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng 3, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Bảo tàng hạng I, là thành viên của tổ chức ICOM (Hội đồng Bảo tàng Quốc tế).
Đạt được những thành tựu to lớn như trên là công sức bền bỉ và sự sáng tạo của tất cả các thế hệ cán bộ, viên chức Bảo tàng trong 40 năm qua. Những thành tựu trên của Bảo tàng cũng bắt nguồn từ sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk; sự giúp đỡ của các đơn vị bạn, các đối tác, sự quan tâm của các phương tiện truyền thông đại chúng.
Hiện tại, với vị thế Bảo tàng hạng I, Bảo tàng Đắk Lắk xác định cần tập trung đầu tư, xây dựng Bảo tàng phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tạo dựng và phát triển thương hiệu Bảo tàng Đắk Lắk rộng khắp trong nước và quốc tế, trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của khách tham quan.
Với nền tảng là những kết quả được gầy dựng qua 40 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, viên chức Bảo tàng Đắk Lắk sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy những điểm mạnh của mình, phấn đấu, nỗ lực hơn nữa, đoàn kết và tận tâm với nghề, với sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh nhà nói riêng và đất nước nói chung, nhằm đạt được mục tiêu đưa Bảo tàng Đắk Lắk trở thành điểm nhấn văn hóa nổi bật nhất trong hành trình du lịch của du khách khi đặt chân đến mảnh đất Cao nguyên.
H'Loan Adrơng, Q. Giám đốc Bảo tàng tỉnh