PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 40 NĂM RA SỨC XÂY DỰNG BẢO TÀNG ĐẮK LẮK PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Ngày đăng: 01/09/2017 07:56
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/09/2017 07:56
Trong không khí toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hân hoan chào mừng kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9, cũng là dịp Bảo tàng Đắk Lắk kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (02/9/1977 - 02/9/2017). Qua 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay Bảo tàng Đắk Lắk đã trở thành một địa chỉ văn hóa có uy tín trong việc giới thiệu, phổ cập tri thức và giáo dục rộng rãi về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Trong suốt quá trình 40 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng Đắk Lắk đã tích cực tổ chức công tác nghiên cứu, sưu tầm và hiện đang lưu giữ gồm 13.000 hiện vật, trong đó có hơn 2.000 hiện vật văn hóa dân tộc, 4.000 phim, ảnh tư liệu và trên 6.000 hiện vật thuộc lĩnh vực khảo cổ học - lịch sử. Đây là những tư liệu quý giá thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau để phục vụ nghiên cứu, tham quan, học tập và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Hàng năm, Bảo tàng Đắk Lắk đã đón tiếp hơn 300.000 lượt khách, trong đó có trên 3.000 lượt khách nước ngoài, đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến nay, Bảo tàng đã tổ chức và phối hợp thực hiện trên 300 cuộc trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động và trình diễn nghề thủ công truyền thống; được tham gia các đợt tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về nghiên cứu – sưu tầm, trưng bày, bảo quản, giáo dục, xây dựng cơ sở dữ liệu, do các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước hướng dẫn; đồng thời hàng năm tổ chức ít nhất 03 buổi sinh hoạt chuyên đề khoa học.
Bảo tàng Đắk Lắk là một bảo tàng cấp tỉnh thử nghiệm trưng bày theo phương pháp tiên tiến, với quan niệm Bảo tàng học hiện đại không dùng cách tiếp cận cũ mà dùng hệ thống etiket, bài text trong trưng bày không cần thuyết minh; sử dụng 4 ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Êđê trong trưng bày. Bảo tàng còn bố trí phần trưng bày về cảnh báo môi trường trong điều kiện thế giới đang nóng lên về việc biến đổi khí hậu của trái đất. Phương pháp trưng bày hiện nay của Bảo tàng Đắk Lắk thật sự đã tạo nên một nét riêng, mới, thu hút khách tham quan. Đó cũng chính là một nỗ lực đáng ghi nhận để vươn tới một Bảo tàng đẳng cấp trong khu vực.
Từ kết quả hoạt động nghiên cứu 40 năm qua, Bảo tàng Đắk Lắk đã công bố, xuất bản 05 cuốn sách, thu hút sự quan tâm của độc giả trong và ngoài nước. Ngoài ra, phải kể đến hàng trăm bài báo đăng trên những tạp chí khoa học chuyên ngành, mà các tác giả là người của Bảo tàng Đắk Lắk. Cán bộ của Bảo tàng còn tham gia nhiều hội thảo khoa học quốc gia và cấp tỉnh. Nguồn nhân lực của Bảo tàng Đắk Lắk không ngừng được nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hiện Bảo tàng có nữ tiến sĩ chuyên ngành mới chỉ ngoài 30 tuổi.
Ngay từ khi Bảo tàng mới được xây dựng, hoạt động đối ngoại là mảng công tác được Bảo tàng Đắk Lắk đặc biệt quan tâm như: Hợp tác với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Giáo sư Tang Chung (Đài Loan) nghiên cứu khảo cổ học (bàn đập vỏ cây) ở Đắk Lắk (năm 1998); hợp tác với chuyên gia Pháp trong Dự án FSP “Phát huy di sản Bảo tàng Việt Nam” (2004 – 2011); hợp tác với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Viện Smithsonian của Mỹ (Smithsonian Institution, Washington, D.C.) nghiên cứu về ché đựng rượu và đồ dùng bằng đất nung ở Tây Nguyên (2006); hợp tác với Viện khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học Hungari, nghiên cứu về người Bru - Vân Kiều ở Đắk Lắk (2007); nghiên cứu sinh người Mỹ Bà Margaret B.Bodemer, đến nghiên cứu Nhân học bảo tàng tại Bảo tàng Đắk Lắk, từ ngày 14/9 đến ngày 20/9/2007. Bà Margaret B.Bodemer đã có buổi nói chuyện về Nhận thức và cách tiếp cận nhân học trong bảo tàng; phối hợp với Giáo sư và sinh viên Nhật Bản nghiên cứu về trống đồng Đông Sơn ở Tây Nguyên (2008); tiếp nhận các tư liệu, hình ảnh, hiện vật do khách tham quan người Mỹ trao tặng năm 2008 và 2012; khách tham quan người Pháp năm 2012…
Có thể nói, dưới sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của ngành, sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành đoàn thể trong và ngoài tỉnh, cán bộ, viên chức và người lao động Bảo tàng Đắk Lắk qua các thời kỳ đã phấn đấu xây dựng Bảo tàng phát triển khang trang như ngày nay. Đánh dấu sự tiến bộ không ngừng của Bảo tàng, góp phần không nhỏ vào công tác giáo dục truyền thống xây dựng con người mới XHCN của tỉnh Đắk Lắk, năm 2011, Bảo tàng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm 2012 Bảo tàng Đắk Lắk vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Bảo tàng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng Bằng khen cho tập thể Bảo tàng và 2 cá nhân; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 8 cá nhân.
Để tiếp tục xây dựng và giữ vững vị thế hiện tại của Bảo tàng Đắk Lắk trong thời gian tới, bên cạnh sự chỉ đạo, quan tâm đầu tư của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của Bảo tàng cần tập trung thực hiện một số nhóm vấn đề cơ bản, đó là:
Thứ nhất, tập trung đầu tư, xây dựng Bảo tàng phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tạo dựng và phát triển thương hiệu Bảo tàng Đắk Lắk rộng khắp trong nước và quốc tế, trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của khách tham quan. Phát huy các nguồn lực, tiềm năng sẵn có phục vụ công chúng với hiệu quả và chất lượng tốt nhất; Tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề và lưu động phục vụ nhân dân các huyện, thành phố và ngoài tỉnh.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sư tầm các hiện vật về văn hóa các dân tộc, nhất là vốn văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một dần. Đẩy mạnh việc phục dựng các hiện vật quý và các nghi lễ, nghi thức văn hóa truyền thống. Muốn vậy, phải tạo dựng và phát triển mạnh mẽ mạng lưới, đội ngũ cộng tác viên Bảo tàng; sẵn sàng phối hợp giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ cho các nhà truyền thống và các ngành khi có nhu cầu xây dựng nhà truyền thống, nhà Bảo tàng.
Thứ ba, củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, giỏi ngoại ngữ, tin học đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc.
Việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực để thương hiệu “Bảo tàng Đắk Lắk” trở thành điểm đến du lịch thú vị, điểm đến văn hóa, lịch sử bổ ích, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung là nhiệm vụ quan trọng, mà toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh cần quan tâm thực hiện.
H'Lim Niê
Giám đốc Sở VHTT&DL