BẢO TÀNG TỈNH ĐẮK LẮK KỶ NIỆM 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (02/9/1977 – 02/9/2017)
Ngày đăng: 02/09/2017 13:41
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/09/2017 13:41
Chiều ngày 01/9, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển (02/9/1977 – 02/9/2017). Các đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tuẫn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; H’Lim Niê, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở VHTT&DL cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở; đại diện lãnh đạo Cục Di sản (Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch); đại diện Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Viện Khảo cổ học Việt Nam; lãnh đạo các phòng ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; cán bộ Bảo tàng qua các thời kỳ cùng toàn thể viên chức, người lao động thuộc Bảo tàng tỉnh đã đến dự.
Cách đây vừa tròn 40 năm, ngày 02/9/1977, Bảo tàng Đắk Lắk được thành lập với tên gọi Nhà truyền thống tỉnh Đắk Lắk. Lúc này, Nhà truyền thống được trưng bày giới thiệu thành hai phần: Phần lịch sử tự nhiên và phần lịch sử cách mạng. Từ năm 1982 - 1987, Nhà truyền thống nhận được giúp đỡ của các ban, ngành trong việc xây dựng và hoàn thiện nội dung, bố cục, đặc biệt là sự giúp đỡ của Bảo tàng Quân khu V trong việc sưu tầm và chỉnh lý trưng bày của Nhà truyền thống. Năm 1990, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định nâng cấp Nhà truyền thống tỉnh Đắk Lắk lên thành Bảo tàng tổng hợp tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Bảo tàng Đắk Lắk). Cùng với sự chuyển mình của đất nước nói chung và ngành Bảo tồn - Bảo tàng Việt Nam nói riêng, Bảo tàng Đắk Lắk đã tạo được thế ổn định, đi vào hoạt động chuyên môn quy củ và khoa học hơn.
Năm 1995, Bảo tàng Đắk Lắk được xếp hạng II. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển vượt bậc về sau của Bảo tàng. Tháng 6/1996, UBND tỉnh giao Di tích lịch sử Văn hóa số 04 Nguyễn Du (Biệt điện Bảo Đại) cho Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức trưng bày chuyên đề về các kỳ Đại hội của Đảng. Sau đó, chuyển toàn bộ phần trưng bày văn hóa dân tộc sang cơ sở này. Chính sự thay đổi này đã tạo điều kiện cho Bảo tàng có thêm không gian, cơ sở vật chất thể hiện được đầy đủ, sâu sắc hơn những tiềm năng cũng như bản sắc văn hóa, lịch sử, con người Đắk Lắk.
Năm 2004, khi tách tỉnh, Bảo tàng Đắk Lắk tiến hành chuyển giao nhân lực và tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Đắk Nông, do đó số lượng hiện vật tại Bảo tàng giảm đi đáng kể. Đứng trước thực trạng trên, Bảo tàng Đắk Lắk quyết định tập trung cho công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật trên khắp địa bàn tỉnh. Cũng năm 2004, Dự án FSP “Phát huy di sản Bảo tàng Việt Nam” do Cộng hòa Pháp, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam làm cố vấn chuyên môn bắt đầu khởi động. Năm 2008, công trình Bảo tàng Đắk Lắk được chính thức khởi công xây dựng. Ngày 21/11/2011, Bảo tàng được cắt băng khánh thành, mở đầu thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Bảo tàng Đắk Lắk. Sau ngày khánh thành trụ sở mới, Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, viên chức Bảo tàng đã nỗ lực hết mình trong việc tạo nên những nét mới, nét độc đáo trong quá trình hoạt động. Với diện tích xây dựng trên 9.000m2, bố trí thành 03 phòng trưng bày thường xuyên (Đa dạng sinh học, Văn hóa dân tộc, Lịch sử) và một số hoạt động phụ trợ khác (sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột, trưng bày chuyên đề, không gian trải nghiệm), Bảo tàng Đắk Lắk trở thành bảo tàng địa phương lớn nhất khu vực Tây Nguyên.
Với phong cách trưng bày hiện đại, vốn hiện vật phong phú, đa dạng, sử dụng 04 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Êđê) trong hệ thống chỉ dẫn, bài giới thiệu, chú thích hiện vật, Bảo tàng Đắk Lắk đã thu hút sự quan tâm của công chúng.
Từ ngày khánh thành và đưa vào sử dụng tòa nhà Bảo tàng mới (2011) cho đến nay, mỗi năm Bảo tàng đón tiếp trên 300.000 lượt khách, trong đó có khoảng 3.000 lượt khách quốc tế. Nhiều vị nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã đến tham quan nơi đây. Bảo tàng đã xuất bản được 05 cuốn sách, nhiều bài nghiên cứu khoa học trên các tạp chí chuyên ngành. Trong những năm qua, Bảo tàng không ngừng mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế.
Hiện Bảo tàng đang lưu giữ, trưng bày một số hiện vật độc đáo và chỉ có một phiên bản như: Ly cà phê lớn nhất, ché mẹ bồng con…. Đây là những hiện vật đặc sắc, nổi bật, đặc trưng cho vùng đất, con người Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, tạo nên dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng khi đặt chân đến với Bảo tàng.
Ghi nhận thành quả đó, Bảo tàng đã vinh dự được Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng 3, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Bảo tàng hạng I, là thành viên của tổ chức ICOM (Hội đồng Bảo tàng Quốc tế).
Nhân dịp này, Bảo tàng Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động như Tọa đàm “Bảo tàng Đắk Lắk – 40 năm xây dựng và phát triển”; Trưng bày chuyên đề “Khảo cổ học tiền sử Đắk Lắk”; Trải nghiệm với các nghề thủ công truyền thống…nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh của mình đến với mọi người.
Ghi nhận thành tích đạt được trong thời gian qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tặng Bằng khen cho tập thể và 2 cá nhân là bà Lương Thanh Sơn – nguyên Giám đốc Bảo tàng và bà H’Loan Adrơng – Quyền Giám đốc Bảo tàng. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã tặng Bằng khen cho 8 cá nhân có thành tích trong công tác chuyên môn của Bảo tàng
Hữu Hùng