Hà Giang sẵn sàng cho Ngày hội
Ngày đăng: 24/12/2016 09:52
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 24/12/2016 09:52
Việt Nam - dải đất hình chữ S là tổng hòa của 54 dân tộc anh em, từ ngàn đời nay đã chung sống gắn bó, keo sơn. Trong đó, dân tộc Mông là một trong những dân tộc ít bị mai một hơn về bản sắc văn hóa truyền thống. Cùng với 53 dân tộc anh em, người Mông luôn luôn là một phần của sự thống nhất khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú cho nền văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Tiếp nối thành công của năm đầu, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II tại tỉnh Hà Giang năm 2016 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Hà Giang tổ chức từ ngày 18 – 20.11. Với chủ đề: “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước”, ngày hội sẽ diễn ra tại thành phố Hà Giang và trên Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị to lớn nhằm quảng bá hình ảnh con người và cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông; giới thiệu nét đẹp trong văn hóa truyền thống ở địa phương có người Mông sinh sống tới cộng đồng dân tộc anh em và khách du lịch quốc tế. Đặc biệt, còn tô điểm cho vùng đất Hà Giang - tỉnh địa đầu biên giới cực Bắc của Tổ quốc, nơi có cộng đồng người Mông tập trung sinh sống nhiều nhất.
Dệt lanh là một trong những nét văn hóa đẹp có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Mông
Lễ hội có sự tham gia của 13 tỉnh có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, gồm: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An và Đắk Lắk. Trong ngày hội sẽ có các nội dung chủ yếu diễn ra như: Hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng; giải chạy bán Marathon tỉnh Hà Giang lần thứ nhất; trại sáng tác điêu khắc trên Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn; Festival khèn Mông; trình diễn trang phục truyền thống dân tộc; thi hát dân ca dân tộc; thi ẩm thực dân tộc Mông; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, tái hiện cuộc sống sản xuất của người Mông như: cày trên nương đá, xếp tường rào đá, chế biến ẩm thực... Bên cạnh đó còn có một số môn thể thao và trò chơi dân gian truyền thống khác...
Tại Hà Giang – trái tim lễ hội, tỉnh có số đồng bào dân tộc Mông đông nhất trong cả nước, với trên 262 nghìn người cũng đang nỗ lực hết sức mình để Lễ hội diễn ra thành công nhất. Từ công tác chuẩn bị đến tuyên truyền đều được gấp rút hoàn thành. Đến với Ngày hội, đến với Hà Giang, không chỉ thấy được cảnh sắc thiên nhiên tươi mới, mà chắc chắn du khách cũng không thể quên được tình người miền cực Bắc vô cùng mến khách.
Những nét đặc trưng nhất của đồng bào dân tộc Mông sẽ được tái hiện toàn bộ trong ngày hội này. Sẽ tận mắt chứng kiến bà con tỉ mẩn dệt từng sợi lanh, mỗi sợi lanh giống như một câu chuyện về cuộc đời, về con người mà họ đều muốn kể cho con cháu. Chúng ta cũng sẽ cảm nhận được sự sống mãnh liệt trên tửng mỏm đá của cộng đồng dân tộc Mông Hà Giang, họ sống trên cao hun hút, giữa những vách đá tai mèo, họ phát nương, làm rẫy trồng ngô. Từng bộ trang phục họ mặc cũng là cả một câu chuyện mà bạn muốn khám phá. Nó không chỉ đơn thuần là chiếc váy Mông, nó là kết tinh tinh hoa của nhiều thế hệ. Váy Mông, mùa hè mặc mát, mùa đông vẫn đủ độ dầy làm ấm. Thời tiết khắc nghiệt làm cho con người buộc phải có những “đối sách” để kiên cường chống lại. Đến với Ngày hội này, bạn còn cảm nhận nếp sống trong từng ngôi nhà trình tường, những ngôi nhà mái trệt quần tụ với nhau. Đến và tham gia buổi chợ phiên vùng cao, để thấy được cuộc sống của đồng bào ta đang no ấm lên, chợ phiên vừa là nơi trao đổi hàng hoá, vừa là nơi thể hiện nhu cầu giao lưu tình cảm, sinh hoạt. Sau cùng, cùng uống chén rượu ngô thơm lừng, cô gái Mông má đỏ hây hây hát véo von một ca khúc dân ca nào đó. Đó là ca khúc tình yêu say đắm hay một bài ca trên nương ca ngợi quê hương giàu đẹp. Hòa mình vào tiếng khèn rộn ràng của các chàng trai đang yêu say đắm,...
Chúng ta đang xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong xu thế hội nhập và phát triển, văn hoá có vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực để phát triển kinh tế- xã hội. Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số được khẳng định là một trong mười nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng, hiện đại hoá nền văn hoá Việt Nam. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay, để phát triển mà không bị hoà tan, mất bản sắc, thì việc bảo tồn văn hoá dân tộc đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng.