Phê duyệt Đề án Phát triển du lịch huyện Cư M’gar đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025
Ngày đăng: 17/09/2017 20:12
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/09/2017 20:12
Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar vừa phê duyệt Đề án Phát triển du lịch huyện Cư M’gar đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.
Mục tiêu của Đề án: Tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; hình thành và phát triển các khu, điểm du lịch; xây dựng các buôn văn hóa du lịch; mở rộng và nâng cấp một số lễ hội truyền thống của đồng bào địa phương. Góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Huyện; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, có sản phẩm du lịch gắn với lợi thế, tiềm năng và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn huyện, giảm nghèo bền vững.
Theo đó, đến năm 2020: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 7,5 -8%/năm và chiếm tỷ trọng khoảng trên 7% trong cơ cấu kinh tế của thương mại dịch vụ; khảo sát, lựa chọn để cải tạo đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ 2 - 3 điểm du lịch sinh thái dã ngoại; xây dựng mới mô hình sản xuất cà phê bền vững; mô hình hoa, rau, củ, quả sạch để phục vụ khách du lịch; phục hồi các nhà dài truyền thống, gắn với xây dựng các đội văn nghệ dân gian, giới thiệu văn hóa ẩm thực… phục vụ du khách tham quan du lịch; phát triển các làng nghề gắn với du lịch: Cụm làng nghề dệt thổ cẩm buôn Pốc A - Thị trấn Ea Rốc, cụm nghề dệt thổ cẩm buôn Kna A - xã Cư M’gar, buôn Brah - xã Ea Tul; đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ các điểm đến du lịch sinh thái, dã ngoại; tổ chức được các gian hàng tại các điểm du lịch để giới thiệu về văn hóa và bán các sản phẩm truyền thống của các dân tộc, sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao; xây dựng được chương trình quảng bá, giới thiệu một số sản phẩm du lịch và tiềm năng phát triển du lịch huyện Cư M’gar để tiếp tục thu hút đầu tư; huy động vốn đầu tư xã hội đầu tư vào du lịch khoảng 100 tỷ đồng vào năm 2020; phấn đấu hàng năm có từ 3.000 đến 5.000 lượt khách đến du lịch; doanh thu từ dịch vụ du lịch bình quân hàng năm từ 3 đến 5 tỷ đồng; đào tạo nghề cho khoảng 190 lao động có nghiệp vụ chuyên môn làm du lịch. Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch từ 1 - 3 sao; phát triển hệ thống cơ sở lưu trú theo hình thức nhà có phòng cho thuê (homestay), đặc biệt phát triển tại một số buôn đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến năm 2025: Mở rộng và nâng cấp các dịch vụ như đã nêu trên, hình thành tuyến du lịch ổn định đến huyện Cư M’gar và hình thành các tuyến du lịch Buôn Ma Thuột - Buôn Đôn - Ea Súp - Cư M’gar; Krông Năng - Buôn Hồ - Ea H'leo - Krông Buk - Cư M’gar - Buôn Ma Thuột; M’Drắk - Krông Pắc - Buôn Ma Thuột - Cư M’gar; Lắk - Cư Kuin - Buôn Ma Thuột - Cư M’gar; hình thành các tuyến du lịch nội huyện, phấn đấu mỗi xã, thị trấn có từ 02 - 03 điểm du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, nông nghiệp, cộng đồng,…; liên kết, kết nối các điểm du lịch tại các xã, thị trấn thành các sản phẩm, các tuyến du lịch phục vụ du khách trong và ngoài huyện; phấn đấu đến năm 2025 có từ 10.000 đến 13.000 lượt khách đến tham quan du lịch; doanh thu từ dịch vụ du lịch đến năm 2025 đạt từ 10 - 15 tỷ đồng; đào tạo nghề cho khoảng 240 lao động có nghiệp vụ chuyên môn về du lịch.
Kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước (Trung ương, tỉnh, huyện), nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác./.
Thụy Phương