1. Dù tuyên bố nội hay ngoại không quan trọng nhưng nếu nhìn vào những tiêu chí mà VFF đặt ra với ông thầy mới của đội tuyển nam quốc gia, thì đó hẳn phải là một HLV nước ngoài.
Cụ thể là với tiêu chí bắt buộc là phải có bằng HLV chuyên nghiệp, thì chưa ông thầy nội nào, kể cả HLV Hoàng Anh Tuấn, đáp ứng được, bởi ông Tuấn “con” đến thời điểm này tuy đã tốt nghiệp khóa học HLV chuyên nghiệp, nhưng vẫn phải hoàn thiện một nội dung nữa trước khi lấy bằng vào tháng 12/2017.
Rồi hiện cũng có một số HLV trong nước theo học bằng này những cũng phải tới cuối năm nay mới thi, mà còn chưa biết đỗ hay không. Đó là chưa kể đến việc LĐBĐ châu Á quy định đến năm 2019, tất cả các HLV trưởng đội tuyển quốc gia phải có bằng chuyên nghiệp.
Đó là với tiêu chí, còn trên thực tế, cũng chẳng có ông thầy nội nào lúc này sẵn sàng ngồi lên ghế HLV trưởng (trừ trường hợp của ông thầy già Mai Đức Chung). Ứng cử viên sáng giá nhất, HLV Hoàng Anh Tuấn, theo nguồn tin riêng của Thể thao & Văn hóa thì sắp tới sẽ về làm việc cho một Trung tâm bóng đá cực quy mô và tham vọng. Cái tên sáng giá thứ hai là Lê Huỳnh Đức vốn đang yên vị tại SHB Đà Nẵng cũng chẳng mặn mà gì... số còn lại, đương nhiên cũng vậy. Thế nên, không chọn ngoại thì chọn ai?
2. Vậy ông thầy ngoại thứ 10 sẽ là ai? Cũ hay mới, đến từ đâu và theo trường trường phái nào?... Có quá nhiều câu hỏi được đặt ra cũng như quá nhiều phương án, mà phương án nào thì cũng thấy có lý, lẫn vô lý!
Sau những thành công với các đội tuyển trẻ, đặc biệt là với lứa U20 dự FIFA U20 World Cup, Jurgen Gede đang nổi nhất. Tuy nhiên, chuyên gia người Đức này lại đang ngồi ghế Giám đốc kỹ thuật của VFF và đang tạo được dấu ấn với bóng đá trẻ. Ông Gede không thể "vừa xay lúa, vừa bế em" bởi hại nhiều hơn là lợi.
Báo chí nước ngoài thì "đề xuất" người cũ HLV Alfred Riedl trở lại, hay gần nhất người hùng Henrique Calisto cũng đánh tiếng sẽ "suy nghĩ" nếu có lời mời chính thức... Vấn đề với 2 người quen này là... quá quen cho những kỳ vọng thay đổi!
Trong khi đó, HLV người Đức Winfried Schafer hay cựu danh thủ Thái Lan Kiatisuk, thậm chí cả HLV trưởng CLB FLC Thanh Hóa Ljupko Petrovic thừa đáp ứng về chuyên môn, lại mắc ở khả năng tài chính, hay chuyện tế nhị ở sân sau của VFF... còn những gương mặt mới khác đương nhiên sẽ mất thời gian chứng tỏ khả năng chuyên môn lẫn thời gian làm quen với bóng đá Việt vốn đang "quá khát" thành tích.
Tất nhiên, câu trả lời chính xác nhất về ông thầy ngoại thứ 10 vẫn đang nằm "trong chân" VFF, tổ chức quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam. Nhưng để không có thêm một "nạn nhân" nữa của căn bệnh thành tích đã ăn sâu, thì VFF phải trả lời được câu hỏi “Chúng ta thuê thầy ngoại để làm gì?".
Nếu chỉ là những bản hợp đồng 1-2 năm chạy theo chu kỳ của SEA Games, AFF Cup, thì chắc chắn sẽ lại dẫn đến mẫu số chung: Thất bại!
Chỉ khi thầy ngoại, nguồn lực ngoại không còn gói gọn trong bản hợp đồng ngắn hạn với những chỉ tiêu thành tích quen thuộc, mà trở thành một chiến dịch thực sự nhằm xây dựng, định hình và nâng tầm cả nền bóng đá, mới có thể hy vọng thành công. Nói một cách hình ảnh, nếu VFF không thay đổi, thì có đến cỡ như Mourinho cũng bó tay với đội tuyển Việt Nam mà thôi.
Trước hàng loạt những sai sót nghiêm trọng của các thủ môn trên mọi sân chơi quốc tế, VFF đang tính đến khả năng mời riêng HLV nước ngoài cho vị trí này. Trả lời báo chí, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn, cho biết: “Thường trực VFF sẽ phải sớm tính toán kế hoạch để có thể mời HLV ngoại chỉ riêng cho thủ môn. Đây là chuyện quan trọng nên phải tính toán kỹ càng. Ngoài ra, VFF sẽ tiếp tục cố gắng tạo ra nhiều cơ hội để các cầu thủ và thủ môn được cọ xát trong nước cũng như quốc tế nhằm khắc phục các nhược điểm về chuyên môn lẫn tâm lý”.
|
Nguồn: Thể thao và Văn hóa