CON VOI TRONG ĐỜI SỐNG CÁC DÂN TỘC VÙNG NÚI RỪNG TRƯỜNG SƠN
Ngày đăng: 28/09/2017 09:17
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 28/09/2017 09:17
Trong quá khứ, vùng đất dọc dải Trường Sơn cũng có những đàn voi đông đúc không kém gì vùng Tây Nguyên.
Nhiều địa danh miền núi các tỉnh miền Trung có tên gọi liên quan đến voi như Núi Voi, Vực Voi, Sông Voi... gợi nhớ lại hình ảnh những đàn voi tồn tại nơi đây những ngày chưa xa. Ở vùng đồng bào Cor sinh sống như Trà My (tỉnh Quảng Nam), Trà Bồng, Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) xưa kia có rất nhiều đàn voi rừng, mỗi đàn có từ 50-60 con, đến nỗi người Cor gọi nơi mình cư trú là xứ của voi.
Trong quá khứ, có thể một số tộc người ở núi rừng Trường Sơn đã từng biết săn bắt và thuần dưỡng voi. Bằng chứng là họ không thiếu những chuyện kể về voi như săn bắt voi. Chuyện săn voi có vẻ huyền thoại, nhưng thực tế là đồng bào nơi đây có voi chủ yếu nhờ vào việc trao đổi, buôn bán với người Lào. Trước đây, người Tà Ôi sinh sống ở phía tây tỉnh Thừa Thiên - Huế thường hay mang bạc nén sang Lào đổi voi về nuôi. Bạc nén này do người Tà Ôi tích lũy được khi họ trao đổi hàng hóa với người Kinh. Con voi có giá trị hiện vật rất cao nên một làng hoặc hai - ba làng chung nhau mới đổi được một voi và mang về nuôi chung theo kiểu luân phiên, mùa trăng này là làng thứ nhất nuôi, tháng tiếp theo làng thứ hai và cứ xoay vòng như thế. Mục đích nuôi voi là để chở đồ đạc trong những chuyến xuôi ngược khi trao đổi hàng hóa. Những làng nào chưa có voi thì họ có lễ hẹn mua voi gọi là Tarniem Achieng. Khi nào dồn đủ mấy chục gùi bạc nén thì đi đổi, nếu đời ông bà không tích lũy đủ thì đến đời con cháu phải thực hiện.
Trước đây, nhiều gia đình người Tà Ôi có voi. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân xã Hồng Thủy, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã cống hiến cho cách mạng 4 con voi thồ hàng và vũ khí. Trong thời kháng chiến, voi ở các bản làng vùng Hạ Lào thường được huy động đến vùng Đông Trường Sơn để phục vụ vận chuyển lương thực, vũ khí. Ngoài việc vận chuyển hàng hóa, voi còn hữu dụng vào những việc khác như dùng phân voi để xua đuổi muỗi cho làng, răng voi tán bột để chữa bệnh đau răng, da voi để bịt mặt trống của làng…
Trong kho tàng truyện cổ tích của dân tộc Cơtu có khá nhiều chuyện kể thú vị về voi như chuyện chàng Mười (Đăm Mơzêt) bắt voi. Trên bức vách “ga râm” của nhà làng, như nhà gươl thôn LabơA, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) có 2 bức tượng sống động tái hiện hình ảnh chàng Mười bắt voi (manyh cop ruôih) và chàng Mười cưỡi voi (manyh at ruôih) dựa theo nội dung của câu chuyện cổ dân gian. Nhà gươl thôn Pà Xua, xã Tà Bhing (Nam Giang, Quảng Nam) có tượng tròn khắc họa hình ảnh một nài voi đang ngồi trên lưng voi, tay cầm dụng cụ điều khiển voi với tư thế, động tác rất thuần thục. Một số nhà gươl ở Tây Giang (Quảng Nam) có các bức phù điêu voi khá ấn tượng như voi đực có cặp ngà dài vươn vòi về phía trước, hai chú voi đực đang chầu chiếc ché rồng. Nhà gươl thôn Pơ Ning, xã Lăng, huyện Tây Giang có tấm lan can mặt tiền điêu khắc đẹp mắt với hình ảnh của những chú voi dũng mãnh bên cạnh những con vật khác như ngựa, rồng...
Trong truyện cổ của dân tộc Cor cũng không hiếm truyện đề cập đến voi. Dân tộc Cor có chuyện kể về voi kỵ cau, phản ánh rõ nét tri thức bản địa của tộc người. Theo tập quán cư trú, khu vườn của đồng bào thường trồng nhiều trầu và cau. Có lẽ voi “cảm thức” được rằng nơi nào có dấu vết của con người cư trú thì nơi đó nguồn sống của mình sẽ bị thu hẹp lại, sẽ bị đe dọa nên voi hễ thấy cau, thấy rẫy lúa là giày xéo, thấy chòi lúa là húc đổ cho bằng được, thấy chuối là bẻ ăn.
Mặc dù voi quậy phá, đồng bào vẫn tìm cách bày tỏ tình thân mến với chúng, không bao giờ bắn và tìm cách gây thương tích cho voi rừng. Cau vẫn trồng, lúa rẫy vẫn tỉa ở những nơi ít tranh chấp với voi. Khi vườn cau, rẫy lúa lên xanh là lúc người ta bắt đầu làm chòi canh ở trên cây cao để phòng chim thú, trong đó có voi. Khi nào voi đến, người giữ rẫy la hú thật to, đốt lửa để xua đuổi voi đi. Đặc biệt, trên tấm gu dẹt (vla phol) - tấm ván được khắc vạch, tạo nhiều hoa văn, hình vẽ trang trí trong lễ hội ăn trâu cũng có hình ảnh của voi. Bộ gu và cây nêu của dân tộc Cor đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2015.
Người Cơtu vốn rất giàu có về đồ trang sức, trong đó có những món đồ trang sức quý hiếm làm bằng ngà voi (bha’lưa achiêng). Loại trang sức này đeo vào để làm căng dái tai giống như một số tộc người sinh sống ở Tây Nguyên như M’nông, Mạ, Xtiêng, Brâu, Rmăm, J’Rai... Ngà voi được các nghệ nhân chế tác thành hình chiếc khuy áo dạng tròn và lấy dây (angôxiết) xâu lại với nhau, đeo sát cổ. Vòng cổ bằng ngà voi là loại vòng rất quý, chỉ có ở những nhà giàu. Đối với người già thì ngà voi lại là thứ trang sức đặc biệt, họ tạo hình trên những khúc ngà voi rồi làm thành những chiếc hoa tai to, đẹp và láng bóng nhằm thể hiện quyền uy trong cộng đồng. Hoặc trên trang phục mà nhất là khố của già làng, thay vì trang trí những hoa văn bằng chì, bằng cườm thì họ còn lấy xương voi đã gọt dũa, mài nhẵn, nhỏ li ti tạo ra một loại hạt tròn hoặc dài bằng que tăm xỉa răng để đan lồng ghép vào vải.
Có thể nói, loài voi đã để lại lưu ảnh, dấu ấn khá sâu đậm, làm giàu có, phong phú kho tàng di sản văn hóa tộc người ở tiểu vùng văn hóa Trường Sơn.
Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử