Đột phá để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Ngày đăng: 01/10/2017 03:53
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/10/2017 03:53
Dù đã có những bước phát triển đáng kể trong thời gian gần đây, hình thành một diện mạo mới và mang lại nhiều nguồn lợi đáng kể cho đất nước, nhưng “ngành công nghiệp không khói” của Việt Nam cũng đang đối diện với những cảnh báo về nguy cơ phát triển thiếu bền vững, tụt hậu và lãng phí tài nguyên. Thiếu điểm đến nổi trội, khác biệt, việc phát triển sản phẩm du lịch ở nhiều nơi còn mang tính tự phát, chưa thật sự dựa trên nhu cầu thị trường… đang là “điểm nghẽn” trên con đường tự nâng cấp chất lượng của du lịch Việt Nam. Có nên định vị thương hiệu “điểm đến giá rẻ”? Nhiều năm nay, “ngày thăm bản - tối ngủ nhà sàn” trở thành trải nghiệm quen thuộc cho du khách ở hầu hết các bản làng du lịch cộng đồng Tây Bắc. Nhìn vào hệ thống tuyến điểm du lịch khu vực các tỉnh miền núi phía bắc có thể thấy, từ những điểm đầu tiên trong cả nước làm du lịch cộng đồng như Mai Châu rồi lan ra nhiều địa phương khác của Hòa Bình, Ba Bể (Bắc Cạn), Điện Biên, Sơn La, Hà Giang… đều có chung một công thức triển khai phát triển sản phẩm như vậy. Hầu hết thời gian lưu trú của khách du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng này chỉ từ một tới hai đêm, với mức chi trả thấp. Những sản phẩm vùng miền na ná nhau cũng là cái khó để khu vực đồng bằng sông Cửu Long thu hút du khách kéo dài thời gian lưu trú hay muốn quay trở lại lần hai. Các sản phẩm du lịch đi vào lối mòn truyền thống, thiếu tính đột phá đã làm giảm đáng kể sự hấp dẫn của điểm đến. Trong Báo cáo năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành của Việt Nam tăng tám bậc so với trước, đứng thứ 67/136 quốc gia, được 3.78 điểm. Trong khu vực ASEAN, Xin-ga-po vẫn dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh, được 4.85 điểm. So với năm 2015, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 75/141 quốc gia trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên, Báo cáo này cũng chỉ ra, thế mạnh cạnh tranh thật sự của du lịch Việt Nam đều do sự nổi trội của tài nguyên văn hóa và tài nguyên thiên nhiên. Trong khi, sản phẩm du lịch và dịch vụ nghèo nàn vẫn là những ấn tượng không tốt đẹp đối với phần đông khách du lịch. Năm 2016, thống kê về lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thì dòng khách châu Á, đặc biệt là khách Trung Quốc (gần 2,7 triệu lượt) và Hàn Quốc (hơn 1,54 triệu lượt) chiếm ưu thế, lên tới hơn 40% lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam. Lượng khách từ thị trường tiềm năng dù có tăng trưởng nhưng vẫn chưa chiếm số lượng lớn, như khách du lịch Mỹ đến Việt Nam chỉ đạt hơn 552 nghìn lượt, khách Nhật Bản là 740 nghìn lượt và khách Nga đạt gần 434 nghìn lượt. Ngay tại Hà Nội, trung tâm du lịch lớn phía bắc, mức chi tiêu bình quân của khách quốc tế khoảng 110 USD/ngày và khách nội địa khoảng 55 USD/ngày. Vào mùa thấp điểm khách quốc tế như tháng 8 vừa qua, ngày lưu trú bình quân của khách du lịch tại Hà Nội chỉ đạt 1,45 ngày/khách. Tại Nha Trang, số ngày khách quốc tế lưu trú trung bình đạt khoảng 4 ngày/khách. Trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn duy trì bền vững thương hiệu điểm đến giá rẻ của khu vực. Tổng cục Thống kê từng đưa ra kết quả đánh giá của du khách quốc tế về du lịch Việt Nam, yếu tố tạo ấn tượng tốt là Việt Nam là điểm du lịch hấp dẫn về cảnh quan thiên nhiên, người dân có thái độ thân thiện, chất lượng dịch vụ và giá cả rẻ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố tạo ấn tượng không tốt như độ an toàn khi tham gia giao thông, bị gian lận khi mua hàng và dịch vụ, bị hàng rong chèo kéo, xả rác bừa bãi. Những điểm này thường khó hấp dẫn phân khúc thị trường chất lượng cao - dòng khách vốn khó tính, chấp nhận mức chi trả cao để đổi lấy sự tiện nghi, thoải mái. Chú trọng phát triển các sản phẩm giá rẻ và trung cấp sẽ thu hút đông du khách, bảo đảm mức tăng trưởng về lượng nhưng lại không bảo đảm sự gia tăng bền vững, thiếu sự đầu tư về chất. Điều này đã được ông Trần Trọng Kiên (Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh) nhận định, “một trong những vấn đề bất cập là sản phẩm du lịch chưa đặc trưng hay tạo được nhiều đột phá mang tính sáng tạo và giá trị gia tăng cao, chưa nghiên cứu kỹ lưỡng để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường khách hàng tiềm năng”. Cao không tới, thấp... không đành Trong Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Du lịch xác định đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mang tính đẳng cấp, thu hút thị trường ngách với khả năng chi tiêu cao. Phân khúc thị trường mục tiêu đặt ra là thu hút phân khúc thị trường khách có khả năng chi trả cao; các thị trường có nhu cầu nghỉ dưỡng, tìm hiểu, trải nghiệm dài ngày, trong đó tập trung thu hút thị trường khách Đông Bắc Á, châu Âu (gồm cả Tây Âu, Bắc Âu và Đông Âu), châu Mỹ, châu Úc, Đông - Nam Á. Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: “Việc phát triển dòng sản phẩm cao cấp có hai hướng tiếp cận: Một mặt là nâng cấp và tạo ra sản phẩm mới có chất lượng trên cơ sở tài nguyên và điểm đến truyền thống. Hoặc là tạo ra sản phẩm du lịch mới”. Dẫn chứng về vấn đề này, ông cho rằng, các địa phương có sản phẩm giống nhau từ tiềm năng du lịch, tài nguyên du lịch nhưng vẫn có thể tạo sự khác biệt dựa trên nền tảng có sẵn. “Như nhiều thành phố có du lịch biển, tập trung phát triển du lịch biển đảo nhưng có thể tạo ra sự khác biệt. Như Nha Trang có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng và giải trí, Đà Nẵng kết hợp du lịch nghỉ dưỡng - kết nối di sản thế giới như Hội An - Mỹ Sơn, Hạ Long vừa là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, giải trí…”, ông Nguyễn Văn Tuấn phân tích. “Trải thảm đỏ” thu hút đầu tư đang là cách mà nhiều địa phương thực hiện để phát triển du lịch chất lượng cao, với việc hình thành hệ thống các khu du lịch - dịch vụ cao cấp với các tổ hợp giải trí, các khu nghỉ dưỡng biển cao cấp nhiều tiện nghi, khu vui chơi giải trí tổng hợp. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch chồng chéo, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại đang là những điểm nghẽn không dễ tháo gỡ, chứ không nói đến việc nâng cấp và chuyên nghiệp hóa. Năm 2016 cả nước có khoảng 41 khách sạn được xây mới từ 3 đến 5 sao, nâng tổng số phòng dịch vụ lưu trú của cả nước lên 420.000 phòng. Bà Nguyễn Thanh Bình - Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch thừa nhận, vẫn có tình trạng thiếu phòng chất lượng cao ở các khu du lịch biển trong mùa cao điểm. Với những loại hình du lịch đặc thù như du lịch hội thảo (Du lịch MICE), tại nhiều trung tâm du lịch lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đáp ứng đủ năng lực để phục vụ những đoàn khách lớn. Chưa kể tới một số điểm du lịch vẫn còn thiếu những khu giải trí, dịch vụ hạng sang phục vụ khách. Để bảo đảm tính bền vững, cũng như duy trì thương hiệu cho điểm đến, nâng cao sức thu hút, cạnh tranh của du lịch Việt Nam, bên cạnh việc tháo gỡ những khó khăn về hạ tầng, chính sách thị thực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và các địa phương cần thực hiện đồng bộ việc phát triển sản phẩm du lịch đi kèm với kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch. Với những địa phương có thế mạnh, cần chủ động và tăng cường quảng bá tới các thị trường mục tiêu, thay vì chờ phương án xúc tiến chung của Tổng cục Du lịch. |
Nguồn:ĐCSVN