Rất nhiều tác phẩm sân khấu đã khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tôn vinh cái đẹp, đấu tranh với cái xấu
Ngày đăng: 02/10/2017 03:24
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/10/2017 03:24
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Sân khấu Việt Nam, sáng 1/10.
Theo Phó Thủ tướng, trong nền văn hóa Việt Nam đặc sắc, phong phú và đầy tính nhân văn, nghệ thuật sân khấu luôn có vị trí đặc biệt. Đây là nơi khát vọng cùng những giá trị chân - thiện - mỹ của người Việt Nam được thể hiện hết sức sinh động, tinh tế và gần gũi.
Qua 60 năm, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trở thành "mái nhà chung" ấm áp tình người của các thế hệ văn nghệ sĩ. Đến hay Hội đã quy tụ 2.500 hội viên, đại điện cho hơn 1 vạn người làm nghệ thuật sân khấu cả nước.
Bằng tất cả tình yêu và tài năng nghệ thuật, tấm lòng và trách nhiệm, các văn nghệ sĩ sân khấu đã góp phần bảo tồn, phát huy và làm giàu di sản văn hóa vô giá của cha ông trao truyền lại; phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, các hội viên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Lớn hơn cả, quý hơn cả là những ký ức, kỷ niệm về những tác phẩm, nhân vật, nghệ sĩ, điệu nhạc, lời ca, tiếng cười... trong trái tim của triệu, triệu người Việt Nam.
Đó là những giá trị tốt đẹp mà sân khấu, mà các nghệ sĩ đã mang đến, gieo vào trong mỗi tâm hồn Việt. Nhiều bè bạn quốc tế cũng thêm hiểu, thêm yêu đất nước, con người Việt Nam qua cái duyên được tao ngộ với sân khấu Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương, những đóng góp to lớn, vô cùng quý báu của các thế hệ văn nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật sân khấu nước nhà và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Đó là thế hệ nghệ sĩ sân khấu “văn công xung kích” không quản ngại hy sinh, gian khổ có mặt trên các chiến trường ác liệt nhất, “tiếng hát át tiếng bom”, động viên bộ đội, thanh niên xung phong. Đến những "tượng đài" của nền sân khấu cách mạng như Thế Lữ, Học Phi, Ba Du, Sáu Lai, Ái Liên, Bạch Trà, Lộng Chương, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Đào Hồng Cẩm, Chu Nghi, Thanh Hương, Lưu Quang Vũ…
Cùng hàng trăm, hàng ngàn tác giả, nghệ sĩ khác đã làm lên, đã để lại cho sân khấu Việt Nam, cho di sản văn hóa Việt Nam những tác phẩm nghệ thuật hết sức giá trị. Trong đó có nhiều người hết sức bình dị, không ít phần lam lũ, vượt lên những vất vả đời thường, không ngừng sáng tạo, đem nghệ thuật đến với quần chúng cả ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, biên giới, hải đảo...
Rất nhiều tác phẩm sân khấu đã và đang tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tôn vinh cái đẹp, đấu tranh với cái xấu. Đồng thời phản ánh sinh động hơi thở cuộc sống, xu thế thời đại cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân... Qua đó góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam, sự nghiệp xây xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
"Những đóng góp ấy càng giá trị, càng cần thiết khi sự cọ sát, sự đấu tranh đúng - sai, tích cực - tiêu cực trong mọi lĩnh vực, tầng nấc ngày càng đa dạng, nhiều khi không dễ nhận biết; khi những giá trị cốt lõi, giá trị tốt đẹp không hiếm khi bị sao nhãng trước sức ép của vật chất, của thị trường", Phó Thủ tướng đánh giá.
Tuy nhiên, sự vận động của thời cuộc, mong muốn và yêu cầu chính đáng của nhân dân đặt ra những yêu cầu mới đối với sân khấu Việt Nam. Đó là làm sao để mọi người dân, mọi gia đình được tham gia, thụ hưởng các hoạt động nghệ thuật. Trong khi nghệ thuật sân khấu đang phải đối mặt với những vấn đề nghệ thuật, nghề nghiệp và cơ chế hoạt động trong giai đoạn mới.
Đặc biệt là những vướng mắc, thiếu hụt về nguồn lực trong tất cả các khâu từ đào tạo, tuyển dụng, sáng tác, phê bình, biểu diễn, quản lý... đến điều kiện sinh sống, làm việc của văn nghệ sĩ cũng như sự xuống cấp, thậm chí "chuyển mục đích" các thiết chế văn hóa.
Phó Thủ tướng cho rằng những khó khăn, bất cập ấy chỉ có thể được vượt qua, được khắc phục bằng sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự tham gia, ủng hộ của toàn xã hội. Các ngành, các cấp thấm nhuần sâu sắc văn hóa là nền tảng tinh thần trong hoạch định chính sách phát triển. Từ đó có những cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực cho phát triển văn hóa, nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng.
Trong đó đặc biệt phải chú trọng công tác đào tạo nhân lực, nhất là đối với các chuyên ngành khó thu hút người học. Triển khai các chương trình phát triển sân khấu các dân tộc ít người, sân khấu không chuyên.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tự chủ trong các đơn vị nghệ thuật sân khấu. Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng kèm theo nguồn lực để vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị hoạt động nghệ thuật; vừa tạo điều kiện để các nghệ sĩ yên tâm sáng tác, cống hiến, có các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, có tính định hướng tư tưởng sâu sắc.
Phó Thủ tướng tin tưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ để “mái nhà chung” của các thế hệ nghệ sân khấu ngày càng to đẹp, nồng ấm tình người, tình yêu nghệ thuật và ngập tràn khao khát cống hiến, sáng tạo. Nơi tình yêu cùng những giá trị nghệ thuật được lan tỏa trong xã hội, được trao truyền cho các thế hệ mai sau.
"Nền sân khấu Việt Nam sẽ tiếp tục kế thừa những giá trị nghệ thuật truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa nghệ thuật sân khấu thế giới, làm nổi bật những giá trị sân khấu Việt Nam đương đại. Có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, góp phần làm giàu thêm những di sản văn hóa Việt Nam và để nền văn hiến Việt Nam tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại".
Nguồn: Toquoc.vn