VỀ 5 HIỆN VẬT TRỐNG ĐỒNG KHAI QUẬT Ở ĐẮK LẮK ĐƯỢC PHỤC DỰNG
Ngày đăng: 02/10/2017 21:54
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/10/2017 21:54
Thời gian qua, với nỗ lực của ngành Bảo tàng, tỉnh Đắk Lắk đã tìm thấy 16 hiện vật trống đồng, là tỉnh tìm thấy hiện vật trống đồng nhiều nhất Tây Nguyên, trong đó phần lớn là trống đồng Đông Sơn. Ngoài các trống đồng tìm thấy ở Đắk Lắk và được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Phú Yên, ở Bảo tàng Đắk Lắk hiện lưu giữ 14 trống. Tuy nhiên, hầu hết các hiện vật trống đồng đều trong tình trạng vỡ nát phần thân, chỉ còn mặt.
Tháng 5/2017, Bảo tàng Đắk Lắk đã chuyển 05 hiện vật trống đồng khai quật được trên địa bàn tỉnh từ năm 1985 đến năm 2011 cho Công ty TNHH đúc đồng Đặng Hân, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa để phục dựng theo phương pháp bảo tàng học: giữ nguyên phần gốc, táp gắn phần thiếu, dựng nguyên hình nhưng để lộ rõ phần gốc và phần táp sửa; đảm bảo tính thẩm mỹ, lịch sử văn hóa của hiện vật sau khi phục chế, tránh tình trạng làm vỡ thêm hiện vật. Việc phục dựng này nhằm chuẩn bị trưng bày phục vụ du khách chiêm ngưỡng và tìm hiểu nghiên cứu khoa học trong thời gian tới. Hội đồng thẩm định 5 hiện vật trống đồng trên với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Viện khảo cổ học Việt Nam, trong đó có PGS.TS Bùi Văn Liêm đã đánh giá: Đây là một hoạt động khoa học lớn của Bảo tàng Đắk Lắk trong năm 2017. Chúng tôi xin giới thiệu sơ lược về 5 hiện vật trống đồng được phục dựng nói trên.
1. Trống Byă (Buôn Giá): Ký hiệu 512/KL 163
Trống được Bảo tàng Đắk Lắk sưu tầm tại gia đình ông Y Pa ở xã Krông Ana, huyện Ea Súp (nay là huyện Buôn Đôn). Trống thuộc loại III Heger, đưa về Bảo tàng tỉnh ngày 07/7/1985 (Lương Thanh Sơn 1995: 174).
Trống hiện chỉ còn mặt. Đường kính 59cm. Chính giữa tâm trống là hình mặt trời với 12 tia. Đầu các tia nhọn, tới chỉ giới hạn. Xen giữa các tia không có hoa văn. Từ trong ra ngoài có 17 vành hoa văn: Vành 1, 2, 7 và 13 là hoa văn vòng tròn có chấm giữa; Vành 3, 8 và 14 là các đường vạch ngắn song song; Vành 4, 9 và 15 là hoa văn trám lồng; Vành 5 và 12 là các đầu chim; Vành 6 và 17 là các bông hoa 6 cánh và 8 cánh được bố trí xen kẽ nhau; Vành 10 và 11 gồm các hình chim, hoa 6 cánh, hoa 8 cánh và các hình bầu dục lồng nhau, bố trí xen kẽ nhau nhưng không theo một thứ tự nào cả; Vành 16 để trơn. Trên mặt trống còn dấu vết chân 4 tượng cóc. Phần tang trống còn lại 3 vành hoa văn, là sự lặp lại hoa văn trên mặt: vành 1 hoa văn là hoa văn vòng tròn có chấm giữa, vành 2 là hoa văn trám lồng, vành 3 là các vạch ngắn song song. (Ảnh 1)
Trống loại III theo phân loại của F. Heger được chia ra làm 2 phụ loại: Một loại có liên quan đến các tộc người thuộc ngữ hệ Môn Khơ Me là chính và một loại có liên quan đến các tộc người nói tiếng Tày Thái là chính. Tác giả cho rằng, loại trống này ra đời từ thế kỷ VI sau Công nguyên. Ở nước ta, so với trống loại I và loại II, trống loại III phát hiện được không nhiều, địa bàn chủ yếu là vùng Tây Bắc. Việc phát hiện loại trống này ở Đắk Lắk cho phép chúng ta đưa ra giả thuyết về sự giao lưu tộc người ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên từ xa xưa.
2. Trống Phú Xuân I và II: Ký hiệu 6105-6106/KL 431 - 432
Hai trống được ông Nguyễn Sĩ Bảy, công nhân Đội 10 Nông trường cà phê 49, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng tìm thấy khi khơi rãnh thoát nước ở vườn cà phê sau vườn nhà vào ngày 08/4/1997. Được đưa về Bảo tàng tỉnh ngày 10/4/1997, được thông báo trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2002.
Cả hai trống đều bị vỡ thân trong lúc đào bới, sau được cán bộ Bảo tàng thu gom về trưng bày ở Bảo tàng tỉnh. Khi phát hiện trống được chôn úp, lồng vào nhau, chiếc nhỏ nằm trong lòng chiếc lớn. Chiếc trống lớn ở ngoài được gọi là trống Phú Xuân I, chiếc trống ở trong là trống Phú Xuân II. Cả hai tiêu bản trống này đều được coi là trống Heger I muộn thuộc nhóm C.
2.1. Trống Phú Xuân I: Ký hiệu 6105/KL 431
Trống bị vỡ thành nhiều mảnh, mặt trống gần như rời khỏi tang bởi chỉ còn lại một đoạn nhỏ của tang là còn liền với mặt. Rìa mặt trống có dấu vết của một khối tượng đã mất. ½ thân và chân trống vỡ thành 3 mảnh, chỉ còn lại một quai kép liền với tang và thân; 3 quai còn lại nằm trên 3 mảnh vỡ khác. Hoa văn nói chung đều bị mòn mờ. Có lớp patine xanh phủ cùng đất đỏ bám vào. Chiều cao của phần trống còn lại đo được 54cm, chờm tang không nhiều, đường kính mặt trống là 77.5cm. U tâm trống nổi, giữa tâm là hình mặt trời 12 tia, xen giữa các tia là hình chữ V lồng, đầu nhọn của chữ hướng vào tâm trống. (Phạm Ngọc Dung, Lương Thanh Sơn 1998 : 316-318)
Mặt trống có 9 vành hoa văn, bao gồm: Vành 1: Chữ N gấp khúc, đệm giữa các chữ là hai hình tam giác. Vành 2 và 8: Hoa văn vòng tròn có chấm giữa. Vành 3, 7 và 9: Hoa văn các vạch ngắn song song. Vành 4: Những đường gấp khúc tạo thành hình thoi nằm liên hoàn. Vành 5: Hình người hóa trang lông chim cách điệu cờ bay. Vành 6: Có 16 con chim mỏ dài, thân và đuôi dài, đầu có mào, bay ngược chiều kim đồng hồ. Chim bố cục cặp đôi, mỏ con sau chờm lên đuôi con trước. Mặt trống còn lại 3 khối tượng cóc 3 chân, dài 7.8cm, rộng 3.1cm, đầu cao so với mặt trống 2.3cm. Cóc thân mập, mắt lồi, đầu hướng ngược chiều kim đồng hồ. Trên lưng cóc được trang trí các đường vạch ngắn và vạch cong, phần mông cóc là hình các vòng xoáy. (Ảnh 2)
Mảnh còn lại của tang trống có 3 vành hoa văn: Vành 1 và 3: Hoa văn các vạch ngắn song song. Vành 2: Vòng tròn có chấm giữa. Thân trống có 4 vành hoa văn: Vành 1: Còn nhận diện được 2 khung chữ nhật đứng có hoạ tiết giống nhau: hai cột dọc trong có hình vạch chéo song song, đệm giữa chúng là hàng vòng tròn có chấm giữa. Vành 2 và 4: Các vạch ngắn song song. Vành 3: Vòng tròn có chấm giữa. Chân trống hơi choãi, không trang trí. Hai đôi quai kép của trống hình dấu hỏi, cách nhau 20cm. Quai dài 7.0cm, cao 4.2cm, bản rộng 5.0cm trang trí văn thừng tết. Trống có dáng cân đối: Tang phình, thân thon, hình trụ, chân hơi choãi. (Ảnh 3)
2.2. Trống Phú Xuân II: Ký hiệu 6106/KL 432
Tuy được đặt trong lòng trống Phú Xuân I nhưng trống Phú Xuân II vẫn bị vỡ thành nhiều mảnh. Mặt trống hơi cong vênh và bị rời khỏi tang, có rỉ xanh xen lẫn rỉ nâu. Tang trống vỡ nát, thân trống chỉ còn lại một phần, chân trống còn khá nguyên vẹn. Toàn bộ phần còn lại của trống cao 38cm, đường kính mặt rộng 67.5cm. Đường kính chân 68.5cm. Độ chờm tang của mặt trống không đáng kể. U tâm trống hơi nổi cao, chính giữa là hoa văn hình mặt trời 10 tia, đầu thon nhọn và chỉ có một tia vượt khỏi chỉ giới hạn. Xen giữa các tia là chữ V lồng, đầu nhọn của chữ hướng vào tâm trống.
Mặt trống được trang trí bởi 8 vành hoa văn: Vành 1: Hoa văn mòn mờ. Vành 2 và 7: Vòng tròn có chấm giữa. Vành 3, 6 và 8: Các vạch ngắn song song. Vành 4: Hình người hoá trang lông chim cách điệu cờ bay. Vành 5: Có 8 chim mỏ dài, thân dài, đuôi dài, đầu có mào, đang sải cánh bay ngược chiều kim đồng hồ. Tang trống chỉ còn lại một mảnh nhỏ song lại quá mòn mờ nên không xác định được hình các họa tiết. Phần thân trống còn lại có 3 vành hoa văn: Vành 1 và 3: Các vạch ngắn song song. Vành 2: Hoa văn vòng tròn có chấm giữa. Tang phình, chân hơi choãi, không trang trí hoa văn. Có hai đôi quai kép hình dấu hỏi dài 7.5cm, cao 3.2cm, bản quai rộng 4.5cm, giữa quai có hai rãnh lõm và hai lỗ thủng nhỏ. (Ảnh 4)
3. Trống Xuân Vĩnh II: Ký hiệu 23592/KL 750
Được những người dò phế liệu phát hiện ngày 17/5/2007 trong rẫy cà phê của gia đình bà Nguyễn Thị Dịu (Thôn Xuân Vĩnh, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng). Cán bộ Bảo tàng Đắk Lắk và Phòng Văn hoá Thông tin huyện Krông Năng đã khai quật chiếc trống này. Trống nằm ngửa, trong có nhiều xương người. Trống được đưa về Bảo tàng tỉnh ngày 24/10/2007 (Nguyễn Khắc Sử, Trần Quý Thịnh, Từ Thị Kim, Đỗ Văn Kiên 2008).
Trống Xuân Vĩnh II còn khá nguyên vẹn, phần tang móp một góc, chân bị vỡ một đoạn, toàn bộ rỉ xanh, hoa văn hơi mờ. Đây là trống nguyên vẹn và đẹp nhất hiện nay ở Bảo tàng Đắk Lắk. Trống có 3 phần: Tang, thân và chân phân biệt nhau khá rõ; mặt chờm khỏi tang, tang phình, thân thẳng, chân choãi, dáng cao. Đường kính mặt rộng 65cm, tang rộng 50cm, chân rộng 70cm, thân cao 52cm. Mặt trống chờm ra khỏi tang 0.5cm, không có tượng cóc. Tâm trống là hoa văn hình mặt trời 12 tia nhọn, tới đúng chỉ giới hạn. Xen giữa các tia được trang trí 2 mô típ khác nhau, xen nhau. Lần lượt là 13 vạch xiên thẳng từ trái sang phải, rồi đến các ô trám lồng, trong có vòng tròn đồng tâm có chấm giữa, ngoài có các vạch thẳng song song, mỗi bên 5 vạch. Tâm trống có u nổi cao, có vết sử dụng.
Mặt trống có 9 vành hoa văn. Ngăn cách hai vòng có một vòng đệm nhỏ, không hoa văn. 9 vòng hoa văn được phối trí cơ bản như sau: Vành 1, 3, 7 và 9: Các vạch thẳng song song, hướng tâm. Mỗi vòng trung bình rộng 1cm. Vành 2 và 8: Trang trí hoa văn vòng tròn có chấm giữa, rộng 0.9 - 1.0cm. Vành 4: Hồi văn hình chữ S gấp khúc, đầu gối và móc vào nhau trong một khung rộng 2.5cm. Vành 5: Rộng 6cm, trang trí hình người hoá trang lông chim cách điệu cờ bay. Vành 6: Rộng 2.7cm, trang trí 12 chim mỏ dài, đuôi dài, có mào, hai cánh xoè rộng, đầu quay ngược chiều kim đồng hồ. (Ảnh 5)
Tang trống: tang phình, chờm ra khỏi thân, có 3 vành hoa văn: Vành 1 và 3: trang trí văn vạch thẳng song song, theo hướng đứng thẳng, mỗi vành rộng 1cm. Vành 2 rộng 1.5cm, trang trí vòng tròn đồng tâm, có chấm giữa và tiếp tuyến.
Thân trống: Thân thẳng, từ trên xuống trang trí như sau: Quanh thân có 4 khung chữ nhật, mỗi khung 2 cặp, mỗi cặp rộng 6cm, cao 15cm và cách nhau 13cm. Trong mỗi khung lại chia thành 3 dọc trang trí: hai dọc ngoài văn vạch ngang song song, dọc giữa hoa văn vòng tròn đồng tâm có chấm giữa. Dưới các khung hình chữ nhật có 3 vành hoa văn: vành 1 và 3 rộng 1cm, vạch thẳng song song; vành 2 rộng 1.5cm là vòng tròn đồng tâm chấm giữa.
Chân trống hơi choãi, không hoa văn. Trống có 4 đôi quai kép, hình bán nguyệt, nối từ tang đến thân. Bản quai rộng 6cm, cao 9.2cm, trang trí văn bông lúa. Trống đúc bằng khuôn hai mang, vết nối giữa mang khuôn rõ. Trên trống còn để vết hàn nhỏ hình gần vuông là dấu vết các con kê trong kỹ thuật đúc trống. (Ảnh 6)
Đây là tiêu bản trống được tìm thấy duy nhất còn khá nguyên vẹn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trống Xuân Vĩnh II được tìm thấy trong di chỉ khảo cổ, trong trống có di cốt người, được xếp vào loại hình trống mộ - làm quan tài. Những đồ gốm và di vật khác thu được xung quanh trống và trong di chỉ cho thấy nó thuộc thời đại kim khí, có niên đại tương đối muộn trong hệ thống các di chỉ tiền sử ở Đắk Lắk. Trống có dáng cao, trên mặt, tang và thân trang trí hoa văn theo phong cách Đông Sơn nhưng cách thể hiện hình người hóa trang, hình chim, hình vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến, các khung chữ nhật trên tang cũng như chân để trơn lại có phần đơn giản. Dựa vào đặc điểm kiểu dáng và hoa văn trang trí, trống Xuân Vĩnh II được xếp vào nhóm B theo cách phân loại của các tác giả Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh. Nhóm B, thân trống chia 3 phần rõ ràng nhưng không cân đối như nhóm A. Hoa văn trang trí đơn giản, ngoài vòng chim bay ở mặt còn lại đều là hoa văn hình học. Nhóm B hiện nay chiếm số lượng nhiều nhất.
4. Trống Điện Bàn 3: Ký hiệu 26287/KL 862
Trống do Đỗ Văn Ninh phát hiện trong lúc làm rẫy, gần ụ mối, tư thế nằm nghiêng tại thôn Điện Bàn 3, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar. Trống được cán bộ Bảo tàng khai quật và xử lý đưa về Bảo tàng tỉnh ngày 05/01/2011. Vị trí phát hiện trống là một hố sâu 140cm, rộng 170cm, mặt nghiêng 175cm. Có tọa độ: cách nhà dân 100m về hướng Bắc, cách cánh đồng 719 khoảng 300m về hướng Đông Nam, cách hồ C9 3500m về hướng Tây Nam (Phạm Bảo Trâm 2015).
Trống bị vỡ, phần thân tách rời với mặt. Đường kính mặt 66cm. Giữa có sao 12 cánh và 7 vành hoa văn, chờm tang 1cm. Tang trống: cao 17cm, có 4 vòng hoa văn. Thân trống: cao 18cm, chia làm 2 phần: phần trên không có hoa văn; phần dưới có 3 vòng hoa văn gồm 2 vòng có hoa văn vạch thẳng song song, vòng ở giữa là hoa văn vòng tròn nhỏ. Quai trống: là dạng quai kép, văn hình bông lúa, có 3 hàng bông lúa. Rộng bản từng quai đơn là 2,5cm, cao 8,5cm; khoảng cách giữa 2 quai đơn là 0,5cm. Chân trống cao 14cm, choãi ra, không có hoa văn. (Ảnh 7)
* Các trống ở đây nằm trong khung niên đại từ 2.500-2.000 năm cách ngày nay. Hiện vẫn chưa xác định được thời điểm các trống này đến Tây Nguyên vì vẫn còn rất nhiều ý kiến trái ngược nhau. Song căn cứ vào một số hiện vật chôn theo trong trống có thể thấy rằng ít nhất chúng đã có mặt ở đây những thế kỷ sau công nguyên. Dù bằng cách nào, thì những ảnh hưởng văn hóa Đông Sơn thông qua trống đồng vào Tây Nguyên là rất rõ. Điều này cho thấy trống đã được sử dụng khá sớm ở đây. Nó góp phần minh chứng cho mối quan hệ giữa các cộng đồng cư dân cổ ở Tây Nguyên với trung tâm văn hóa Đông Sơn từ thời xa xưa.
Các nghiên cứu về khảo cổ học cho thấy các di tích khảo cổ ở Đắk Lắk phân bố tập trung ở 4 tiểu địa hình tự nhiên chính của Đắk Lắk, đó là vùng cao nguyên Buôn Ma Thuột, cao nguyên M’Đrắk, bán bình nguyên Ea Súp và vùng trũng Krông Pắc - Lắk. Riêng các trống đồng phát hiện tập trung chủ yếu ở cao nguyên M’Đrắk với 11 trống, nhiều nhất là ở địa bàn huyện Krông Năng.
Tại địa bàn huyện Krông Năng, người ta đã phát hiện ra cả một “làng trống”. Người ta đã đếm được 89 lỗ chôn trống (dò người phế liệu đào) trong một khu vực, có thể số hiện vật trong các hố đào này đã bị đánh cắp gần hết). Theo ý kiến của PGS.TS Phạm Đức Mạnh thì đó là một “nghĩa địa thủ lĩnh”. Tức những trống mộ được chôn ở đây đều là những thủ lĩnh của tộc người, trống được xem như báu vật thiêng liêng, gắn bó với những người quyền lực, quyền quý, danh vọng, giàu sang và cùng theo họ về “thế giới vĩnh hằng”. Nhưng theo ý kiến của TS. Lương Thanh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk thì đây là một nghĩa địa bình thường chôn người chết, tức mọi cư dân ở đây khi chết đi đều được chôn trong đó. Trống là một hiện vật thường ngày trong đời sống của các cư dân. Qua khảo sát thực địa, chúng tôi thiên về ý kiến của TS. Lương Thanh Sơn. Bởi lẽ nếu là “nghĩa địa thủ lĩnh” tức mọi thủ lĩnh đều chôn ở đây, trong khi mỗi tộc người chỉ có một thủ lĩnh, các đời thủ lĩnh liên tiếp không thể được chôn trong cùng một thời gian - đây là một di chỉ mộ táng thời tiền sử.
Về chức năng cũng như cách thức sử dụng của trống đồng Đông Sơn vẫn chưa thực sự đồng nhất các quan điểm. Có ý kiến cho rằng, đây đơn thuần chỉ là một nhạc khí, nhưng cũng có ý kiến lại cho đây là vật biểu trưng quyền lực hoặc vừa là nhạc khí vừa là biểu trưng quyền lực. Riêng ở Đắk Lắk, trống được cư dân sử dụng làm quan tài chôn người chết - trống mộ, bằng chứng là trong hầu hết các trống phát hiện được đều có di cốt người cùng hiện vật tùy táng. Cho thấy sự đa dạng, phong phú trong táng thức của cư dân cổ Đắk Lắk, ngoài loại mộ huyệt đất, mộ vò, còn có mộ trống.
Việc phục dựng 5 hiện vật trống đồng nói trên mang một ý nghĩa lớn không chỉ với công tác nghiên cứu khoa học, mà còn phục vụ công tác trưng bày, lưu giữ và truyền tải thông điệp văn hóa tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. Việc phục chế hoàn thiện các trống phục vụ trưng bày phần Tiền sử Đắk Lắk giúp du khách cũng như các nhà nghiên cứu phần nào hiểu rõ hơn về lịch sử của con người đã từng cư trú trên mảnh đất Tây Nguyên, cũng như sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời cũng là việc làm mang ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Bảo tàng Đắk Lắk (9/1977-9/2017)./.
TÀI LIỆU DẪN
Đặng Gia Duẩn
Phạm Bảo Trâm