GÌN GIỮ MẠCH NGUỒN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
Ngày đăng: 08/10/2017 21:49
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/10/2017 21:49
Có dịp đến thăm bến nước Ea Sah, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tự nhiên của khung cảnh nơi đây.
Những cây cổ thụ rợp bóng mát, dòng nước trong lành, đường vào bến nước sạch sẽ, tảng đá tương truyền còn in dấu chân Đăm Di – nhân vật huyền thoại trong một sử thi Đăm Di... là những gì mà bà con buôn Sah B đang nỗ lực gìn giữ cũng như bảo tồn mạch nguồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Trong hơi thở sôi động của nhịp sống hiện đại, nơi đây vẫn dễ dàng tìm thấy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê có lẽ một phần bởi Ea Tul là cái nôi văn hóa vùng Êđê (nhóm Adham), hiện có hơn 10.000 nhân khẩu, trong đó có 98% là người Êđê. Bên cạnh đó phải kể đến sự nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cấp ủy, chính quyền địa phương; và quan trọng hơn, tự trong nhận thức của mình, bà con đều rất trân quý những giá trị văn hóa của ông bà để lại.
Vừa hoàn thành lớp học truyền dạy sử thi, kể khan Êđê do UBND huyện phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức, anh Y Sina Byă chia sẻ: “Mình tham gia lớp học kể khan là bởi niềm yêu thích, say mê lời khan. Các học viên khác cũng rất nhiệt tình, học nghiêm túc lắm. Ai cũng mong muốn lời khan của ông bà được gìn giữ, không bị mai một...”. Có lẽ bởi nguyên nhân ấy mà trong những năm qua, các lớp truyền dạy đánh chiêng, dệt thổ cẩm, sử thi được tổ chức trên địa bàn xã đều đã thành công và duy trì trong đời sống cộng đồng. Từ lớp học đánh chiêng cho thanh thiếu nhi năm 2015, đến nay hầu hết các buôn trên địa bàn xã đều có đội chiêng trẻ - tuy có thể chưa nhuần nhuyễn so với đội chiêng người trung niên nhưng đã tạo lực lượng kế cận, tiếp nối. Hoặc từ lớp dệt thổ cẩm tổ chức năm 2000, nhiều phụ nữ đã biết dệt thổ cẩm để làm vật dụng sinh hoạt trong gia đình, khôi phục dần nghề dệt thổ cẩm và phát triển, thành lập hợp tác xã, đưa sản phẩm tham gia một số hội chợ triển lãm trong, ngoài nước. Chưa dừng lại ở đó, mới đây UBND xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ Êđê trên địa bàn. “Lớp học đợt này có 35 học viên, các chị em một mặt học để biết thêm cái nghề tranh thủ làm lúc rỗi rãi, mặt khác học để làm vật dụng cho gia đình, vì hiện nay sản phẩm làm xong cũng khó tìm được đầu ra. Ngay như Hợp tác xã cũng không dám huy động chị em làm hết công suất, bởi sợ làm ra sẽ bị tồn đọng, không đủ kinh phí để trả công cho mọi người...”, chị H’Jih Ayun, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thổ cẩm Ea Tul cũng là giáo viên lớp học tâm sự. Vẫn biết rằng việc tìm đầu ra cho sản phẩm là bài toán khó (không chỉ đối với trường hợp của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thổ cẩm Ea Tul mà còn là tình trạng chung của hầu hết các hợp tác xã dệt thổ cẩm hiện nay), nên những nỗ lực vượt qua khó khăn để Hợp tác xã duy trì được hoạt động là điều rất đáng ghi nhận.
Thực tế cho thấy, việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong dòng chảy cuộc sống hiện đại là khá gian nan và vấn đề đặt ra là làm sao tìm được hướng đi đúng, cách làm đúng để giải được bài toán ấy. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Ea Tul đã quan tâm, chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn; trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân nhằm khơi dậy ý thức gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông; phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, sử thi, dệt thổ cẩm. Bên cạnh đó, xã tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống của đồng bào Êđê như diễn tấu cồng chiêng, hát, múa, hòa tấu nhạc cụ, thi ẩm thực, trình diễn nghề dệt thổ cẩm, tạc tượng, đan lát, thi các môn thể thao truyền thống... đã được người dân tham gia nhiệt tình, sôi nổi. Từ những hoạt động thiết thực đó đã có tác động rất lớn, tạo phong trào và nhen lên ngọn lửa gìn giữ, đưa các giá trị văn hóa truyền thống trở nên thân thuộc, sống động trong đời sống hằng ngày. Các nghi lễ truyền thống như: cúng bến nước, mừng cơm mới, cúng sức khỏe, cúng cầu mưa... được bà con duy trì tổ chức theo phong tục, tập quán. Nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ những chiêng, ché cổ xem như vật quý của ông bà để lại (theo thống kê, hiện nay trên địa bàn xã còn 49 nhà dài, 44 bộ chiêng, 28 chiếc ghế kpan, 23 chiếc trống hgơr...).
Có thể nói, khơi mạch nguồn, tìm lại những nét đẹp xưa đang bị phai nhạt – những nỗ lực của người dân và cấp ủy, chính quyền xã Ea Tul đã phần nào gặt hái được những “quả ngọt”, để âm vang tiếng cồng chiêng, lời hát kể khan, điệu múa dân gian, câu hát ayray được thổi bùng lên sức sống, mang vẻ đẹp hồn cốt tự bao đời. Và một tin vui đối với địa phương là trong thời gian tới Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai một số chương trình về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Êđê tại địa bàn xã Ea Tul; trong đó có kế hoạch hỗ trợ phục dựng một số nghi lễ. Bên cạnh đó, huyện Cư M’gar cũng đang khảo sát, xúc tiến việc xây dựng điểm du lịch cộng đồng của xã, thông qua du lịch cộng đồng, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê sẽ được giới thiệu đến với du khách gần xa. Đây sẽ là “cầu nối” giữa các nền văn hóa, đồng thời đem lại nguồn thu nhập và động lực cho việc khôi phục, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn; để các di sản văn hóa có thêm điều kiện được bồi đắp, trao truyền từ đời này sang đời khác...
Nguồn: Báo Đắk Lắk