KHO BÁU KHẢO CỔ HỌC VÙNG ĐẤT CƯ A MUNG
Ngày đăng: 16/10/2017 22:19
Hôm nay: 1,704
Trong tuần: 2,792
Tất cả: 9,033,938.100000001
Ngày đăng: 16/10/2017 22:19
Hơn 600 đơn vị hiện vật có ý nghĩa khoa học to lớn thuộc niên đại Hậu kỳ Đá mới – Sơ kỳ Kim khí, cách ngày nay khoảng 3.000 – 4.000 năm được thầy giáo Lê Văn Hoàng, giáo viên bộ môn Lịch sử Trường THCS Hoàng Văn Thụ (xã Cư A Mung, huyện Ea H’leo) cất giữ và bảo quản cẩn thận.
May mắn với “búa trời”
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Đà Lạt và về giảng dạy tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ (xã Cư A Mung, huyện Ea H’leo) năm 2007, thầy Lê Văn Hoàng đã bén duyên với “nghiệp” sưu tầm hiện vật khảo cổ. Lúc ấy, điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, nhất là đối với một trường vừa thành lập ở xã vùng sâu vùng xa như Cư A Mung, nên việc bổ sung đồ dùng dạy học là vấn đề vô cùng cấp thiết.
Với những kiến thức ít ỏi về khảo cổ học đã được tiếp thu trên giảng đường đại học, thầy Hoàng biết rằng Tây Nguyên được xem là vùng đất “màu mỡ” về khảo cổ học. Một số dân tộc thiểu số quan niệm mỗi lần có sét đánh sẽ để lại những chiếc “búa trời” trên mặt đất, sự thực thì đó là những công cụ lao động của người nguyên thủy để lại, trong số đó rìu đá là công cụ phổ biến nhất. Trong những giờ học đầu tiên, thầy thường hỏi các học trò trong quá trình lao động trên nương rẫy có nhìn thấy “búa trời” không. Thật ngạc nhiên khi học sinh cho biết có rất nhiều “búa trời” trên nương rẫy và còn mang đến để thầy xem, nhờ kiến thức đã học thầy phát hiện ra đây đúng là những vật dụng, công cụ lao động của người tiền sử để lại. Từ nguồn tin quý giá này, thầy Hoàng bắt đầu tìm hiểu và sưu tầm cho đến bây giờ.
Thầy giáo Lê Văn Hoàng cùng học sinh kiểm tra hiện vật sưu tầm được.
Vào những giờ rỗi thầy cùng học sinh đi tìm “kho báu”. Các hiện vật thường được tìm thấy ở quanh con suối nhỏ hoặc trên nương rẫy, nhất là vào mùa khô khi có ít cỏ dại và sau khi trải qua mùa mưa, đất bị xói mòn thì chúng sẽ phát lộ nhiều trên mặt đất. Điều khiến thầy trăn trở là các hiện vật đều lộ thiên, nhiều người thấy đẹp nhặt về chơi, chán rồi bỏ; các hộ gia đình làm nương rẫy mà vướng phải thì lại cầm ném đi mà không biết về giá trị của nó… Nếu không tìm kiếm và lưu giữ kịp thời, những hiện vật này sẽ dần mất và gây khó khăn cho công tác nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn.
Một địa chỉ khảo cổ cần sớm được nghiên cứu
Nhờ sự gần gũi với học sinh và phụ huynh, niềm đam mê với khảo cổ học, bây giờ thầy Hoàng đã được học sinh, phụ huynh, hoặc người dân tin tưởng gửi gắm các hiện vật nhặt được. Đến nay, bộ sưu tập của thầy đã có hơn 600 hiện vật với nhiều loại hình như: Rìu, bôn, đục, cuốc, mũi nhọn, bàn mài, mảnh tước, mảnh gốm, hòn ghè, chày nghiền, phác vật rìu đá – đa số là những công cụ lao động và đồ dùng sinh hoạt của người nguyên thủy. Chất liệu các hiện vật khá phong phú nhưng chủ yếu là các loại đá có độ cứng cao như Opal, Silic… Kỹ thuật chế tác cũng đạt đến trình độ cao, hầu hết công cụ lao động đã được mài nhẵn toàn thân. “Giá trị của các hiện vật này không phải ở số lượng ít hay nhiều, mà nằm ở sự đa dạng phong phú về loại hình, hình dáng, chất liệu đá. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về dấu tích của người nguyên thủy ở vùng đất Cư A Mung” thầy Lê Văn Hoàng cho biết. Những hiện vật sưu tập được, thầy Hoàng đã làm thành một tủ trưng bày tại phòng thư viện của trường để làm đồ dùng dạy học, bảo quản phân loại nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu được dễ dàng. Ngoài ra, thầy còn tặng Bảo tàng Đắk Lắk hơn 50 hiện vật trong bộ sưu tập của mình để trưng bày, phục vụ công tác nghiên cứu và tặng một số thầy cô cùng ngành lịch sử, số còn lại thầy lưu giữ. Thầy Hoàng chia sẻ, thầy sẽ tiếp tục công việc tìm kiếm, sưu tầm, đồng thời tích cực phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk thực hiện các chuyến khảo sát, khai quật, thám sát trong thời gian tới.
Ngày 2-12-2016, thầy Lê Văn Hoàng cùng các em học sinh của Trường THCS Hoàng Văn Thụ đã được Bảo tàng Đắk Lắk trao giấy xác nhận về bộ sưu tập hiện vật khảo cổ học. Đây là niềm vui khó tả, là sự ghi nhận quá trình sưu tầm, nỗ lực bảo tồn không mệt mỏi đối với ngành Khảo cổ học của thầy và trò vùng đất Cư A Mung.
Từ nguồn tin mà thầy Hoàng cung cấp, tháng 8 – 2008, Đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học do PGS. TS Nguyễn Khắc Sử dẫn đầu phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk thực hiện khảo sát, xác nhận những địa điểm ngày xưa có người nguyên thủy cư trú. Cuối năm 2016, Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục thành lập đoàn khảo sát tiến hành thăm dò, khảo sát khảo cổ học tại buôn Tơ Roa, điểm Chảng Hai, điểm Sình Mây (xã Cư A Mung) và thu lượm trên bề mặt được nhiều hiện vật như lưỡi rìu đá vai ngang, mảnh gốm thô… Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng sớm tiến hành khai quật, thám sát các địa điểm trên, tránh tình trạng di chỉ bị xáo trộn do việc canh tác của người dân. |
Nguồn: Báo Đắk Lắk