Vài suy nghĩ về giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ ở tỉnh Đắk Lắk
Ngày đăng: 25/01/2017 16:05
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/01/2017 16:05
Hai dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đắk Lắk là Êđê, M'nông có văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo, như: văn hóa mẫu hệ; văn hóa nhà dài (Êđê) và nhà trệt (M'nông); văn hóa cồng chiêng; văn hóa nghi lễ - lễ hội; văn hóa sử thi; văn hóa thổ cẩm và văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực.v.v. Thực trạng về những yếu tố tác động đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk đang có nhiều vấn đề đáng được quan tâm. Do ảnh hưởng từ nhiều mặt của đời sống xã hội, nên văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức lớn, chính từ đó các giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng dần bị lãng quên.
Có nhiều yếu tố đang tác động đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk. Nhà dài truyền thống đang bị thu hẹp dần dành chỗ cho nhà xây kiên cố. Lễ hội truyền thống không được tổ chức như trước, do thay đổi phương thức sản xuất từ cây lúa rẫy sang cây công nghiệp. Không gian buôn làng bị thu hẹp dần làm ảnh hưởng đến không gian lễ hội và không gian văn hóa cồng chiêng. Có một số gia đình theo phong tục đã phân chia bộ chiêng cho các anh chị em trong nhà để làm của cải, nhiều hộ gia đình đã bán đi những bộ chiêng quý, ché quý, kpan… để mua công cụ sản xuất, phục vụ nhu cầu thiết yếu của họ. Lớp trẻ lớn lên chưa thực sự yêu thích hay nói đúng hơn là họ không mấy quan tâm đến nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhiều nghệ nhân tài giỏi chưa kịp truyền dạy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ thì đã qua đời. Nghề truyền thống của đồng bào như nghề dệt thổ cẩm, đan lát, dệt chiếu cói, nghề gốm, tạc tượngv.v. đang bị mai một. Hiện nay, các nghệ nhân là những người am hiểu về văn hóa truyền thống ít có điều kiện để truyền dạy lại cho con cháu, vì thế hệ trẻ đã tiếp xúc nhiều với lối sống hiện đại, đô thị hóa nên họ ngại tiếp xúc hoặc không quan tâm nhiều đến giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Điều kiện vật chất so với ngày trước có phần tiện dụng hơn nên làm cho họ ít quan tâm đến các vật dụng, công cụ truyền thống của dân tộc như: gùi, rổ, váy, khố, nhà sàn, cồng chiêng… Đây là một thực tế hết sức điển hình, chi phối các mối quan hệ của con người với các loại hình di sản văn hóa, làm cho họ dần lãng quên các giá trị văn hóa truyền thống.
Có một thực tế là văn hóa kể sử thi, kể truyện cổ, hát dân ca, dân vũ… đang ngày càng thưa vắng ở các buôn làng, nguyên nhân do các nghệ nhân, những người am hiểu về văn hóa cồng chiêng, văn hóa lễ hội, các loại hình văn hóa truyền thống khác còn rất ít hoặc đã già yếu, họ không thể nhớ một cách chính xác, làm cho đồng bào ngại khi được đề cập đến, làm hạn chế đến kết quả sưu tầm khảo sát. Một số bến nước cộng đồng bị bỏ hoang; vai trò già làng, vai trò chủ bến nước, luật tục cộng đồng từ xa xưa vốn đã ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào cũng bị phai mờ trong đời sống sinh hoạt văn hóa của buôn làng. Ở nhiều địa phương, một số tập thể, cá nhân còn xem nhẹ công tác bảo tồn và gìn giữ, chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Cán bộ đang làm công tác văn hóa tại cơ sở đa phần là kiêm nhiệm, hạn chế về năng lực chuyên môn, không thông thạo về ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc tại chỗ, điều này gây khó khăn và làm ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng nghe, hiểu và viết để phục vụ công tác bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số nơi đây. Kinh phí phục vụ cho công tác sưu tầm khảo sát tại các địa phương trong toàn tỉnh mặc dù đã có sự quan tâm của các ngành liên quan nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ này một cách triệt để... Những yếu tố tác động trên đã và đang làm cho văn hóa truyền thống, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn.
Trước các vấn đề trên, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chủ trương, giải pháp về bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc bản địa Đắk Lắk, kể cả trước mắt và lâu dài. Đã có nhiều quy hoạch, chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch cụ thể đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây còn rất nhiều khó khăn, nhất là đồng bào ở các vùng sâu, vùng xa. Sự khắc nghiệt của thời tiết trong những năm gần đây như lũ lụt, hạn hán nghiêm trọng đã thường xuyên xảy ra, làm ảnh hưởng nhiều đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Trong khuôn khổ bài viết này, xin đưa ra một số đề xuất về việc định hướng giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay:
Một là, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, trong cộng đồng dân cư và nhất là hai cộng đồng dân tộc Êđê, M'nông về giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của mình; huy động mọi nguồn lực của xã hội cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc để cho các loại hình văn hóa truyền thống thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực, là nhân tố góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Hai là, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành theo hướng phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Làm rõ việc phân cấp và quy định trách nhiệm của các cấp trong tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa truyền thống.
Ba là, sớm tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, hội nghị khoa học quy mô cấp vùng, quốc gia và quốc tế nhằm lấy ý kiến của các nhà chuyên môn, các nghệ nhân để xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Bốn là, cần có giải pháp thiết thực cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Đối với những người dân tộc thiểu số đang hoạt động trong lĩnh vực quản lý và tuyên truyền văn hóa cũng như trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thì việc tiếp cận với người dân bản địa là một lợi thế, bởi họ hiểu được ngôn ngữ, nếp sống, nếp sinh hoạt của cộng đồng dân tộc của họ.
Năm là, cần đánh giá lại hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đắk Lắk nói riêng. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để hoạch định những chính sách trong thời gian tới, mà Nghị quyết về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua là một ví dụ.
Giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đắk Lắk đã trở thành sức mạnh tinh thần để gắn kết cộng đồng, là biểu tượng để ứng xử với thiên nhiên và xã hội; đồng thời là nhân tố gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, khơi dậy tình cảm quê hương, giáo dục truyền thống và tinh thần cộng đồng. Nó vừa là kết quả sáng tạo, vừa là sở hữu chung của cộng đồng mỗi dân tộc và nó song hành với cuộc sống của mỗi con người; phản ánh thông tin về nguồn gốc lịch sử, phong tục tập quán, tiếng nói chữ viết của các dân tộc thiểu số. Vì vậy, rất cần có nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ấy.