Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ê Đê
Ngày đăng: 18/10/2017 18:37
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 18/10/2017 18:37
Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thổ cẩm xã Ea Tul, bà H’Jih Ayun (sinh năm 1957) người dân tộc Ê Đê, ngụ buôn Knia, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) luôn nỗ lực trong việc duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê.
Sinh ra và lớn lên trong buôn làng của người Ê Đê, những vật dụng hàng ngày như chăn, váy, tấm địu trẻ em… được dệt bằng thổ cẩm đã khá quen thuộc với bà H’Jih Ayun, nhưng đến năm 42 tuổi, bà mới bén duyên với nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Bà H’Jih Ayun tâm sự, mỗi lần nhìn thấy người già trong buôn dệt thổ cẩm, ngắm nhìn những đường nét hoa văn độc đáo trên tấm thổ cẩm, bà cảm thấy rất hào hứng và muốn tự tay làm ra những sản phẩm tương tự.
Dù bước vào nghề lúc tuổi đã cao nhưng bà H’Jih Ayun lại mang trong mình niềm say mê với những tấm thổ cẩm của dân tộc. Bà cho biết, để thành thạo như ngày hôm nay, bà đã trải qua quá trình dài, chủ yếu tự học tập, tự nghiên cứu. Ban đầu, bà làm ra những sản phẩm thổ cẩm đơn giản như túi sách, dần dần thành thạo từng đường nét hoa văn để tạo ra những sản phẩm phức tạp, đòi hỏi sự tinh tế như váy, áo truyền thống, chăn thổ cẩm.
Bằng niềm đam mê và mong muốn lưu giữ nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình, bà H’Jih Ayun đầu tư công sức và thời gian cho nghề và dần trở thành người dệt thổ cẩm có tiếng tại địa phương. Chính vì điều này, khi chính quyền xã Ea Tul thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ thổ cẩm xã Ea Tul (năm 2006) đã mời bà H’Jih Ayun về làm Giám đốc Hợp tác xã, phụ trách từ khâu đào tạo xã viên cho đến việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm truyền thống.
Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã, bà H’Jih Ayun dồn toàn bộ tâm huyết cho việc đào tạo xã viên, nhằm nâng cao tay nghề, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. “Mỗi chiếc váy, áo, chăn… thổ cẩm được dệt bằng phương pháp truyền thống, không chỉ cần bàn tay khéo léo của người dệt mà còn đòi hỏi đầu tư nhiều công sức và thời gian để hoàn thành. Vì vậy, mỗi sản phẩm là sự kết tinh của công sức, tâm huyết và lòng tự hào về nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Bản thân mỗi người dệt thổ cẩm phải ý thức được điều đó, có như vậy sản phẩm làm ra mới đạt chất lượng và văn hóa truyền thống của dân tộc mới không bị mai một”, bà H’Jih Ayun nói.
Nặng lòng với những tấm thổ cẩm của dân tộc, bà H’Jih Ayun còn mang nhiều trăn trở với nghề dệt thổ cẩm. Theo bà H’Jih Ayun, để duy trì Hợp tác xã dệt thổ cẩm xã Ea Tul và duy trì nghề dệt thổ cẩm trong buôn làng, khó khăn nhất vẫn là khâu tìm đầu ra cho sản phẩm. Hợp tác xã có 17 xã viên nhưng nghề dệt thổ cẩm chỉ đem lại thu nhập phụ cho gia đình, trong khi để hoàn thành một sản phẩm cần rất nhiều thời gian và công sức. Ngoài việc nỗ lực tiềm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã, bà H’Jih Ayun thường xuyên động viên các xã viên, để các chị em trong hợp tác xã hiểu được, việc gắn bó nghề dệt thổ cẩm không chỉ vì mục đích làm kinh tế mà còn là sự chung tay, nỗ lực duy trì, nối tiếp dòng chảy văn hóa của dân tộc từ bao đời nay để lại.
Không chỉ điều hành Hợp tác xã dệt thổ cẩm, từ năm 2008 đến nay, bà H’Jih Ayun còn tham gia dạy hơn 300 học viên trong huyện về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê. Bà H’Jih Ayun tâm sự, đây là công việc mà bà tìm được niềm vui và hy vọng. Đó là, niềm vui khi mỗi học viên hoàn thành khóa học đã tự làm ra được những sản phẩm truyền thống của dân tộc và đặt nhiều hy vọng vào các thế hệ trẻ sẽ nối tiếp nghề dệt thổ cẩm để giữ gìn bản sắc văn hóa.
Bà H’Jih Ayun đang dạy khóa thứ 10 nghề dệt thổ cẩm cho 36 học viên xã Ea Tul. Trong lớp học có những thanh niên vừa tròn 18, cả những người già đã bước qua tuổi 50, họ đều tìm được điểm chung là muốn tự tay dệt được những sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.
Bà H’Bon Niê, 50 tuổi, một học viên của lớp học nghề dệt thổ cẩm cho biết, bây giờ tuổi đã cao nhưng nghe Ủy ban xã thông báo mở lớp dạy học nghề dệt thổ cẩm bà đã đăng ký theo học với mong muốn trở thành một người dệt thổ cẩm thành thạo giống như các thế hệ trước. “Ở Đắk Lắk, mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống được dệt bằng tay. Dân tộc mình cũng có trang phục truyền thống nhưng mình không biết dệt buồn lắm, lần này quyết tâm học bằng được để tự tay làm ra những sản phẩm truyền thống” bà H’Bon Niê nói.
Với mong muốn sau này sẽ đi theo nghề dệt thổ cẩm, hơn một tháng theo học, chị H’Đje Niê (25 tuổi) đã tự tay dệt được chiếc túi sách. Đây không chỉ là niềm vui đối với chị H’Đje Niê mà còn là niềm hạnh phúc đối với bà H’Jih Ayun, khi những hy vọng của bà đã có cơ sở, vì đã có những người trẻ của buôn làng sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Nói về mong ước của mình, bà H’Jih Ayun mong những sản phẩm thổ cẩm truyền thống không chỉ hiện diện trong đời sống thường ngày của đồng bào người Ê Đê mà còn được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước biết đến. Để những sản phẩm được kết tinh từ đôi tay tài hoa và công sức miệt mài của người dệt thổ cẩm được bảo tồn cùng với dòng chảy của thời gian, bà H’Jih Ayun mong muốn những thế hệ trẻ trong các buôn làng của người Ê Đê hiểu được giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm để gìn giữ đến mai sau.
Nguồn: TTXVN