Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích gắn với phát triển Du lịch ở Đắk Lắk
Ngày đăng: 25/01/2017 16:12
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/01/2017 16:12
Di tích lịch sử - văn hóa là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa, đồng thời là bộ phận đặc biệt của tài nguyên du lịch. “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch” (Khoản 4, điều 4 Luật Du lịch 2005). Do đó, bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch là điều hết sức cần thiết.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 61 di tích, trong đó có 24 di tích đã được xếp hạng (01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 16 di tích cấp quốc gia, 07 di tích cấp tỉnh) và 37 di tích tiềm năng. Có 07 di tích đã được trùng tu, tôn tạo, bao gồm: Nhà đày Buôn Ma Thuột, Nhà số 04 Nguyễn Du (Biệt điện Bảo Đại), Đình Lạc Giao (Tp. Buôn Ma Thuột); Đồn điền CADA, Miếu thờ CADA (huyện Krông Pắc), Hang đá Đắk Tuôr (huyện Krông Bông) và tháp Chăm Yang Prong (huyện Ea Súp). Mới nhất, hồ sơ di tích Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk 1965-1975 (Krông Bông) đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích của tỉnh thời gian qua đã được quan tâm, nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã thực hiện tốt vai trò giáo dục văn hóa, lịch sử dân tộc cho khách tham quan như: Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đình Lạc Giao, Đồn điền CADA… Đặc biệt, Di tích lịch sử văn hóa số 04 Nguyễn Du (thường gọi là khu Biệt điện Bảo Đại) được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1999. Với khuôn viên rộng hơn 7 ha, các công trình của di tích đến nay còn giữ khá nguyên vẹn, nơi đây cùng với Bảo tàng tỉnh đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách. Hiện nay, Biệt điện Bảo Đại, Khu nhà Gỗ và Nhà nài Voi bước đầu đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo. Khuôn viên di tích hiện có nhiều loại cây nguyên sinh, thật sự là những lá phổi xanh góp phần mang lại không khí trong lành và làm tăng thêm vẻ đẹp mỹ quan cho thành phố Buôn Ma Thuột, trong đó có hai cây Long não cổ thụ đã được công nhận là Cây di sản vào năm 2014. Năm 2016, khách tham quan Bảo tàng tỉnh đã có 13.687 đoàn với 364.389 lượt khách tham quan; có 1.007 đoàn, 22.780 lượt khách tham quan các di tích của tỉnh.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên vẫn còn những tồn tại, chưa phát huy hết giá trị tiềm năng vốn có của di tích. Các hạng mục của di tích đã và đang xuống cấp; một số công trình đã được trùng tu, tôn tạo nhưng chưa phát huy hết tác dụng và công năng của di tích. Hiện tại, ở thành phố Buôn Ma Thuột chưa có điểm, khu du lịch nổi bật trong việc tổ chức cho khách tham quan, trải nghiệm nét văn hóa truyền thống của Tây Nguyên. Hiện nay, Biệt điện Bảo Đại vẫn chưa thu hút được nhiều khách tham quan cũng như “giữ chân” khách ở lâu hơn tại Biệt điện. Việc khai thác dịch vụ phục vụ khách du lịch còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm mang bản sắc văn hóa các dân tộc còn nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp.
Qua khảo sát, đa số khách tham quan đều mong muốn có một khu du lịch liên hoàn, trong đó có thể phục vụ được nhu cầu cơ bản của khách như: tham quan về văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng. Xây dựng mô hình trải nghiệm tại di tích, góp phần nâng cao hiểu biết của du khách đến tham quan, đặc biệt là giới trẻ tìm hiểu về lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử địa phương nói riêng; nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ du lịch nhằm thu hút khách tham quan đến với di tích ngày càng nhiều hơn; tạo thành một điểm nhấn đặc sắc cho hoạt động du lịch văn hóa của tỉnh nhà; giới thiệu, quảng bá về bảo vệ môi trường thiên nhiên; tăng nguồn thu; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc trong tỉnh là điều hết sức cần thiết.
Vậy nên làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị Di tích của tỉnh gắn với phát triển du lịch?
Khu Biệt điện Bảo Đại, nên tổ chức cho khách tham quan trải nghiệm tại khu vực bếp nấu thời Bảo Đại. Trưng bày một số tư liệu, hình ảnh, hiện vật, nhằm giới thiệu đến khách tham quan, về lịch sử, ý nghĩa của tòa nhà qua các thời kỳ; không gian sống của vua Bảo Đại khi đến làm việc và đi săn tại Đắk Lắk; trải nghiệm không gian phòng nghỉ của vua Bảo Đại đã từng sử dụng.
Nhà nài Voi nên tổ chức cho khách tham quan, tìm hiểu về không gian sống của các nài Voi; trưng bày các bức ảnh, hiện vật, câu chuyện của các nài Voi liên quan đến công tác huấn luyện, các chuyến đi săn, đi tham quan… Trưng bày, tái hiện cảnh sinh hoạt của các nài Voi khi đêm về: ngồi quanh bếp lửa uống rượu cần, nói chuyện trao đổi kinh nghiệm về các chuyến đi săn. Tổ chức cho khách trải nghiệm cuộc sống về đêm của các nài Voi như: Đốt bếp lửa, kể khan, trình diễn dân ca, dân vũ, thưởng thức cơm lam, thịt nướng...
Đặc biệt, thời gian tới, nên xây dựng mô hình trải nghiệm Nhà dài Êđê (nơi tái hiện các nghi lễ, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Êđê); xây dựng Vườn tượng; phục dựng Bến nước; tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài trời và xây dựng các hoạt động phụ trợ khác. Nhà dài Êđê thể hiện nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào dân tộc Êđê, một công trình sáng tạo văn hóa vật chất ấn tượng. Khi bước chân vào ngôi nhà dài, mỗi du khách đều có thể cảm nhận được toàn bộ đời sống của người Êđê. Ở đó, luôn toát lên sự linh thiêng nhưng rất gần gũi, thân thương đối với mỗi người con của núi rừng Tây Nguyên; có thể sử dụng làm nơi tổ chức, phục dựng các hoạt động nghi thức, nghi lễ, trải nghiệm về nghề thủ công truyền thống của đồng bào Êđê cho khách tham quan thưởng thức. Đồng thời, tiến hành công tác truyền dạy việc sử dụng các nhạc cụ: bộ hơi, bộ gõ, bộ dây. Ngoài ra, còn là nơi để tổ chức cho khách tham quan thưởng thức ẩm thực, văn hóa cồng chiêng của đồng bào Êđê. Việc mạnh dạn kết hợp với các đơn vị du lịch, lữ hành xây dựng chương trình thưởng thức âm nhạc cồng chiêng vào cuối mỗi tuần, sẽ trở thành nét độc đáo tại đây.
Ngoài ra, tùy vào nhu cầu của khách tham quan, bên cạnh dịch vụ cho du khách mặc mẫu trang phục của vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương, mặc trang phục của quản tượng, trang phục thổ cẩm của đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại Đắk Lắk. Theo nhu cầu, có thể xây dựng các quầy hàng lưu niệm, quầy thông tin du lịch nhằm quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh Đắk Lắk đến với khách tham quan. Nên vận động các doanh nghiệp lữ hành khảo sát, mạnh dạn đầu tư và mở các tour du lịch đến Đình Lạc Giao, Đồn điền CADA, tháp Yang Prong, hang đá Đắk Tuôr.v.v. Việc mời gọi thu hút đầu tư vào di tích Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk 1965-1975 là hết sức cần thiết. Ngày 13/12/2016, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã có văn bản xác nhận và đánh giá ý nghĩa các sự kiện lịch sử di tích này, đồng thời đề nghị Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan hữu quan công nhận, xếp hạng “Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975) tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk” là Di tích cấp quốc gia, đây là tín hiệu vui cho tỉnh Đắk Lắk.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động du lịch trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử. Việc đào tạo, bồi dưỡng các thuyết minh viên am hiểu về văn hóa và du lịch, thông thạo tiếng Anh và biết tiếng dân tộc bản địa là điều rất cần thiết, mà cách làm của “Hành trình Di sản”, một trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 tới đây là một ví dụ.
Dòng chảy đa dạng, phong phú, độc đáo, đậm đà bản sắc của văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk, cùng với các di tích lịch sử - văn hóa, sẽ được tôn thêm giá trị nếu được gắn với phát triển du lịch. Bảo tồn và phát huy các giá trị di tích gắn với phát triển du lịch của tỉnh, là trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, mà thiết nghĩ, ngành văn hóa đóng vai trò là chủ thể quan trọng.