Nhìn lại 15 năm Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở tỉnh Đắk Lắk
Ngày đăng: 25/01/2017 16:30
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/01/2017 16:30
Phong trào TDĐKXDĐSVH là một trong những phong trào quần chúng rộng lớn, mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước; việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của phong trào là góp phần quan trọng trong thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nhằm thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc Đắk Lắk đã đoàn kết gắn bó thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đây là một phong trào lớn, xuyên suốt trong quá trình xây dựng kinh tế – văn hóa – xã hội của địa phương. Phong trào này đã được các tầng lớp nhân dân ủng hộ và triển khai trên diện rộng, đã trở thành một phong trào thi đua yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân và cũng từ đây xuất hiện nhiều điển hình về người tốt, việc tốt, gia đình văn hóa, thôn buôn, khu phố, cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn văn hóa.
Qua 15 năm triển khai và thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đạt được nhiều thành quả đáng phấn khởi, cụ thể có 330.003/412.182 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 80,1%; có 2.478 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 1.766 được công nhận thôn, buôn, khu phố văn hóa, đạt tỷ lệ 71,3%; có 19/152 xã đã được công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 12,5%; có 6/32 phường, thị trấn đã được công nhận danh hiệu phường, thị trấn văn minh đô thị, đạt 18,75%; có 1.810/2.081 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt 87%. Phong trào thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe trong nhân dân phát triển mạnh mẽ từ tỉnh đến cơ sở, số người luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt 26,51% so với tổng số dân, số gia đình tập luyện thể thao thường xuyên đạt 16,28%, toàn tỉnh có 518 câu lạc bộ thể thao ở cơ sở; 94% số thôn, buôn đã ban hành và thực hiện hương ước, quy ước; 143/184 xã, phường không có tội phạm; 31,8% trường đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đến trường đạt 99,86%; có 75,5% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 100%; hàng ngàn cá nhân, tập thể được tôn vinh…
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào này vẫn gặp không ít khó khăn, đó là: Nhận thức và sự quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa sát với thực tế; công tác phối kết hợp của các ngành, đoàn thể và địa phương chưa thường xuyên; hệ thống chính sách về xây dựng đời sống văn hóa, thiết chế văn hóa cơ sở chậm được triển khai, thiếu hướng dẫn cụ thể. Việc sơ kết, tổng kết phong trào đôi lúc, đôi nơi chưa duy trì đều đặn, còn hình thức, bệnh thành tích; đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở còn thiếu, yếu về nghiệp vụ, chuyên môn, thường xuyên thay đổi vị trí việc làm...
Để phong trào này ngày càng lan tỏa, trong thời gian tới, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, cần gắn Phong trào xây dựng “Người tốt, việc tốt” với việc thực hiện Phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh; nâng cao nhận thức và ý thức tự nguyện, tự giác xây dựng gia đình văn hóa; nâng cao năng lực cho các thành viên trong gia đình về phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nâng cao tính tự quản và ý thức cộng đồng trong việc giữ vững danh hiệu “thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa”; huy động mạnh mẽ nội lực của người dân trong tham gia, đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa, xã hội, nông thôn mới, đô thị văn minh; phát triển kinh tế; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động tích cực tham gia xây dựng, giữ vững danh hiệu cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra, phúc tra các nội dung xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; tuyên truyền, vận động toàn dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, hoàn thành tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn…
Để đánh giá việc xây dựng thôn, buôn, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, không bằng số lượng mà phải đo bằng chính những lợi ích thiết thực, tác động tích cực mà phong trào đem lại cho bản thân mỗi người, mỗi gia đình, thôn xóm. Có như vậy, phong trào mới thực sự đi vào cuộc sống