LÀN ĐIỆU QUAN HỌ TRÊN TÂY NGUYÊN
Ngày đăng: 19/10/2017 14:33
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 19/10/2017 14:33
Không bến nước, sân đình, nhưng từ nhiều năm nay, những làn điệu quan họ từ các liền anh, liền chị của Câu lạc bộ “Dân ca quan họ” đã trở nên quen thuộc với người dân thôn Tân Hiệp, xã Ea Tóh, huyện Krông Năng. Cứ đều đặn vào mỗi tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, làn điệu ấy lại được vang lên bởi chính những người con đất Kinh Bắc hơn 20 trước rời quê hương vào Tây Nguyên lập nghiệp. Họ là những người “nông dân” chân chất, ban ngày tất bật với ruộng đồng, nương rẫy, đêm đến lại say mê với nghệ thuật. Hát quan họ giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và điều quan trọng hơn nữa, là giúp cho họ xích lại gần nhau, đoàn kết xây dựng vùng đất mới ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
Câu lạc bộ “Dân ca quan họ quê hương” được thành lập năm 2006, do ông Nguyễn Văn Thu, là người đầu tiên khởi xướng và khơi nguồn đam mê làn điệu dân ca quê hương ở trong thôn. Ông Thu cho biết “Năm 1988, Ông rời quê hương Bắc Giang vào đây sinh sống, yêu quan họ, nhớ quê hương, nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn, tình yêu ấy tạm gác lại với bộn bề nương, rẫy. Năm 2006, trong xã tổ chức đón xã văn hóa, họ mời những người biết hát quan họ trong thôn biểu diễn tiết mục văn nghệ. Rồi tiết mục của thôn Tân Hiệp được mọi người khen hay, vỗ tay cổ vũ. Về nhà, ông nãy sinh ý định tập hợp những người biết hát quan họ trong thôn lại và thành lập Câu Lạc Bộ “Dân ca quan họ quê hương”, mang lời ca, tiếng hát, tình yêu quan họ đến với nhau, cũng là nơi để giao lưu, học hỏi và giúp đỡ nhau trong việc phát huy hơn nữa giá trị đặc sắc của dân ca quan họ trên vùng đất Tây Nguyên”…
Ban đầu thành lập, Câu lạc bộ hoạt động trong điều kiện còn thiếu thốn, nhất là cơ sở vật chất và nguồn kinh phí, nhưng các thành viên đã nỗ lực hết mình để phát triển, với ý thức rằng, hát quan họ là cách để giữ hồn quê hương và luôn tuyên truyền vận động những người thân trong gia đình cùng bà con trong thôn tham gia. Rồi cứ thế, liền anh, liền chị đi trước, chỉ dạy cho lớp sau, những người biết, hướng dẫn cho người chưa biết, những kỹ thuật hát, cách thức luyến láy, nhấn nhá, lên xuống từng đoạn từng nhịp trong lời hát đến phong cách biểu diễn được đúng chất quan họ…
Đến nay, Câu lạc bộ có trên 10 thành viên với nhiều lứa tuổi, trong đó có nhiều cặp vợ chồng cùng tham gia, tiêu biểu, như vợ chồng anh Lê Đình Quang và Chị Nguyễn Thị Hồng là những thành viên tích cực của Câu lạc bộ. Chị Hồng cho biết: “Anh Quang ban đầu cũng không biết hát quan họ, được vợ động viên anh đã xin tham gia vào câu lạc bộ. Quá trình sinh hoạt, anh được mọi người động vên, chỉ dạy, bên cạnh đó anh chị lại mua thêm đĩa về tập luyện, cùng với chất quan họ sẵn có trong người cứ thế anh biết hát, biết diễn và đam mê luôn, giờ anh còn đam mê hát hơn cả chị”. Nhờ sự tích cực, anh đã được các thành viên bầu làm chủ nhiệm câu lạc bộ, hiện nay ngôi nhà của vợ chồng anh chị cũng trở thành địa điểm sinh hoạt chính của Câu lạc bộ…
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng bằng tinh thần tự nguyện, bằng sự tâm huyết với văn hóa dân tộc, các liền anh, liền chị trong câu lạc bộ vẫn miệt mài tập luyện. Hằng năm, vào những dịp trong thôn, trong xã có sự kiện quan trọng, câu lạc bộ đều tích tham gia, biểu diễn phục vụ bà con, là một trong những điểm nhấn trong phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương và tham gia thi ở nhiều sân khấu lớn của huyện và tỉnh, như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Krông Năng, Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Đắk Lắk…
Câu lạc bộ “Dân ca quan họ quê hương” là một điển hình, trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Hy vọng, trong thời gian tới Câu lạc bộ sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động cống hiến, đóng góp hơn nữa trong việc bảo tồn và phát huy dân ca quan họ, tạo nên sự đa sắc màu văn hóa các dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên./.
Lê Bình