Xuân Thái trên Cao Nguyên Đắk Lắk
Ngày đăng: 27/01/2017 03:39
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/01/2017 03:39
Người Thái cư trú tập trung đông nhất ở Sơn La, là một trong nhiều tộc người có truyền thống văn hóa đẹp của miền núi rừng Tây Bắc. Đến Tây Nguyên từ năm 1954 tại Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai hay Đăk Nông đều có những cộng đồng Thái từ phía bắc đi lập nghiệp. Xa quê hương hàng chục năm, sự bảo lưu văn hóa truyền thống của cộng đồng Thái là điều thật đáng để chúng ta trân trọng.
Cũng như mọi cư dân miền núi khác, người Thái có nhiều lễ hội trong năm theo lịch sản xuất nông nghiệp và theo vòng đời con người. Một trong những ngày lễ lớn đông vui là hội truyền thống vào ngày rằm tháng Giêng, sau tết Nguyên đán. Tôi từng được dự bốn làng Thái tại xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột nô nức tổ chức “Làng vui chơi – làng ca hát” đúng vào dịp Ngày hội truyền thống của cộng đồng người Thái, cũng là nhân kỷ niệm ngày giải phóng (10-3-1975), mừng thành phố được nâng cấp. Nhiều niềm vui hòa vào một ngày hội truyền thống.Không khí hội hè không phải riêng ở cờ hoa, khẩu hiệu, chỉ mới từ quốc lộ 14 rẽ vào đã nhận thấy, mà còn cả trên những gương mặt tươi cười, rất nhiều những bộ trang phục truyền thống, từ khắp các nẻo đường đổ về trụ sở thôn.
Lễ hội bắt đầu rộn ràng là khi các cô gái trong trang phục áo cóm trắng với hàng cúc bạc, váy đen, thắt lưng xanh, Khăn piêu quàng duyên dáng ngang vai, giữa nhịp đập rộn ràng của tre nứa trong điệu múa sạp. Khách và các bạn trẻ lúc đầu còn lúng túng, e ngại, nhưng rồi những bối rối ban đầu dần tan, vòng múa sạp, múa xòe ngày càng đông người nắm tay nhau xoay mãi. “Linh hồn” chính của các vũ điệu là hai cụ nghệ nhân mà tôi đã có nhiều dịp gặp tại những cuộc Liên hoan nghệ thuật dân gian hàng chục năm qua: Với cây Đàn tính tẩu đã ngả màu thời gian, cụ Ma Văn Ỏn hơn 80 tuổi là người cất giữ trong tâm trí hằn bao nếp nhăn thời gian rất nhiều những làn điệu dân ca Thái. Cụ thường dùng Đàn tính tẩu đệm cho những điệu dân vũ, mà nét chủ yếu là phát huy hết sự uyển chuyển và duyên dáng của thân hình, của cánh tay các cô thiếu nữ Thái, vốn có thân hình được coi là “chuẩn” nhất trong các nhóm phụ nữ dân tộc. Những điệu múa do cụ bà Lò Thị Giang (78 tuổi) truyền dạy cho các thế hệ thanh nữ từ nhiều năm qua, hôm nay có cả bốn thế hệ cùng tham gia biểu diễn (múa xòe của nhóm phụ nữ tuổi trung niên, múa tính tẩu của các chị, múa bướm của nhóm các cháu thiếu nhi, múa quạt của các cô gái đang độ tuổi trăng tròn…) khiến Nghệ sỹ Lý Sol, người giáo viên “gạo cội” hơn 40 năm hoạt động trong ngành múa phải vui sướng và kinh ngạc thốt lên: “Không sót một động tác cơ bản Thái nào nhé”. Có thể dễ dàng nhận thấy, cho dẫu dáng múa chưa điêu luyện, đội hình hay động tác còn chưa thuần thục, nhưng những bước chân xòe, động tác xoay quạt, nghiêng nón, tung khăn, đung đưa chiếc Đàn tính tẩu… mà cách đây hơn 60 năm, các nghệ sỹ múa đầu tiên của Việt Nam đã sưu tầm được, vẫn còn nguyên đó, không mấy bị lai tạp. Thú vị hơn là cuộc thi ẩm thực. Những món ăn cổ truyền của người Thái như cá bọc lá chuối nướng, thịt heo ủ chua, chả rau, nộm hoa đu đủ, canh môn, cơm nếp bọc lá mía hay lá dong nướng trong ống nứa cùng với rượu nếp trắng hoặc nếp cẩm thơm phức. Các mẹ, các chị còn kết hợp giữa những món rau truyền thống của người Thái, nấu với những trái cà đắng của người Êđê, tạo nên hương vị rất độc đáo. Những món ăn này, tôi đã được thưởng thức trong những chuyến công tác ở Sơn La, Điện Biên… Nay lại vui cùng bà con rất tự hào mời bạn bè giữa quê hương Tây Nguyên. Cụ Lò Thị Giang vui vẻ tâm sự: “Phải truyền lại cho các cháu hết lớp này đến lớp khác chứ. Kẻo đường xá xa xôi quá, có mấy khi về được đến quê hương đâu. Chúng quên hết là mình có lỗi với tổ tiên đấy!”. Lắc lắc mái đầu tóc bạc, gương mặt dẫu hằn những nếp nhăn của thời gian, vẫn cho thấy vẻ mặn mà của một nhan sắc xưa (không biết cụ có phải là thành viên một đội xòe nào ở Sơn La từ thuở vua Đèo Văn Long không, mà nhớ rất nhiều điệu múa cổ thế ?), giọng cụ tiếc nuối: “Không có mây tre mà làm chiếc nón Thái như ngày xưa, phải dùng nón phổ thông đấy cô ạ, mà cũng chẳng còn người biết làm nón Thái nữa đâu, các món gia vị cho bữa ăn của mình cũng vậy, ở đây không có hết được!”.
Có thể hôm nay các cháu con chưa thấy hết ý nghĩa việc làm của các cụ, các mẹ, nhưng lớp những chị Vân Hạnh, Tố Nhi, anh Lò Văn Lệnh… thì đã nhận thấy rõ trách nhiệm của mình, mà xúm vào cùng nhau làm công việc truyền dạy lại những gì còn có thể lưu giữ của văn hóa truyền thống. Mai này lại đến lượt lớp trẻ thơ hôm nay, kế tục những việc làm ấy.
Tiếng trống và nhịp múa xòe vẫn đang rộn ràng trong gió Xuân, trên sân những quả Còn rực rỡ đuôi dài vẫn đang bay qua bay lại rất náo nhiệt, bởi mới chỉ có một người ném được quả còn lọt qua vòng giấy trên đỉnh cột cao chót vót. Chàng trai Êđê, Thái hay Kinh nào sẽ là người bắt được quả Còn, những Lò Thị An, Ma Tố Nhi… những cô gái có thân hình dẻo mềm và nụ cười xinh trong vũ điệu xòe để qua Xuân này rồi nên duyên? Mùa Xuân gọi những câu hát, nhịp Tính tẩu nâng bước chân những vòng múa xòe của làng Thái và gọi mùa lễ hội ở cả khắp Tây Nguyên.