Văn hóa Cồng Chiêng trong “Lễ hội Mùa Xuân” Tây Nguyên
Ngày đăng: 27/01/2017 03:59
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/01/2017 03:59
Tây Nguyên, thu hút du khách không chỉ sự kiêu sa của mái nhà rông cao vút, sự bí ẩn của ngôi nhà dài như “một sải tay của Nữ Thần Mặt trời”, vị nồng say của “rượu cần ẩn thổ”, hương thơm quyến rũ của thịt rừng gác bếp, đôi chân trần như mời chào của sơn nữ trong nhịp xoang rộn ràng, mà còn bởi sự mê hoặc khó cưỡng lại của vũ hội cồng chiêng trong “Lễ hội mùa xuân”. Đó là thời gian gắn với mùa “Ning nong”, “Mùa lễ hội”, “mùa ăn năm uống tháng” từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 3 đầu tháng 4 dương lịch.
Lễ hội Xuân Tây Nguyên gắn chặt với sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Cồng chiêng có từ bao giờ vẫn luôn là câu hỏi chưa ai lý giải rõ, chỉ biết rằng cồng chiêng đã tồn tại, đồng hành gắn bó mật thiết với lịch sử phát triển các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Âm thanh cồng chiêng không chỉ là mạch suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách mà còn là tiếng lòng yêu thương, là sức mạnh, là hồn thiêng của cộng đồng các dân tộc từ truyền thống đến hiện đại. Như một quy trình được sắp đặt từ thủa cha ông, sau mùa thu hoạch lúa rẫy, âm thanh cồng chiêng được ngân vang trong lễ hội ăn cơm mới vào tháng 11 dương lịch như một tín hiệu mở màn cho “Lễ hội mùa xuân” Tây Nguyên.
Khi hoa Dã quỳ chớm nở vào cuối tháng 10, khi Nữ Thần H'Jan ngắt dần những cơn mưa hờn dỗi trên đại ngàn cũng là lúc Nam Thần Ê'ắt nhẹ nhàng phả hơi thở lành lạnh của thần linh lên vùng đất huyền thoại đầy nắng gió ở Tây Nguyên. Dấu hiệu sang xuân ở Tây Nguyên được biết đến bởi sắc màu vàng rực rỡ của nàng Dã quỳ nhường lối cho các loài Phong lan đa hương khoe sắc, những chú ong rủ nhau đi hút mật, mùa chàng trai cô gái Êđê, M’nông, Sê Đăng, Bana… kiểm tra độ nồng của hương rượu cần trong gian khách để chuẩn bị cho mùa lễ hội. Nếu ở các buôn plei xa xa vùng người Sê Đăng, người Bana, người H'rê… gần chân núi Ngọc Linh, du khách có thể hòa mình trong mùa thu hoạch lúa, ngô, khoai, sắn thì ở mảnh đất Trung phần và Nam Tây Nguyên, những cánh tay rắn khỏe của các chàng trai, những đôi chân dẻo dai của các cô gái Êđê, J’rai, M’nông… tiếp nối cuộc hành trình sinh tồn trong mùa thu hoạch cà phê trên các nương rẫy... Sau mùa vụ, dù được mùa hay thất thu, những người con chân chất, mộc mạc, giản dị, thân thiện ấy vẫn tiếp tục cuộc hành trình trao truyền phong tục tập quán của cha ông qua các hoạt động lễ hội truyền thống. Đấy cũng là lúc âm thanh cồng chiêng tiếp tục ngân vang trong các nghi thức của lễ hội cưới chồng, lễ hội kết nghĩa, lễ hội mừng mùa, lễ hội cúng sức khỏe, lễ hội cúng bến nước, lễ hội đua voi, hay trong tang lễ và lễ hội bỏ mả…
Âm thanh cồng chiêng trong lễ hội mùa xuân Tây Nguyên như mạch nước ngầm thấm đẫm trong cuộc sống, lúc dữ dội, khi ào ào như thác đổ, khi sôi động, trẻ trung như chàng trai hát khúc eirei, khi mặn mà, lắng đọng như tình yêu của cô sơn nữ, khi thì thầm, trách móc của người vợ giận chồng, lúc reo vui ồn ào như đứa trẻ lên ba khi đùa nghịch… Vũ hội của cồng chiêng Tây Nguyên trở thành sức mạnh huyền bí thu hút con người tham gia vào câu chuyện bất tận của cuộc sống. Một chút hương vị nồng của men rượu cần, hương thơm của cơm lam thịt nướng, của hương cà phê Buôn Ma Thuột, bên cạnh đống lửa bập bùng trước sân nhà rông, trong gian khách của căn nhà dài, vỡ òa với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Âm thanh của cồng chiêng có thể xoa dịu nỗi buồn, sự đớn đau, sự cô đơn trống vắng hay tủi hờn trong bất hạnh... Người giàu sang, kẻ nghèo, già trẻ, gái trai như bị thôi miên, khao khát tìm về cội nguồn, gắn kết trong vũ hội cồng chiêng trong mùa lễ hội ở Tây Nguyên.
Vũ hội cồng chiêng trong mùa lễ hội Tây Nguyên tựa như những bản anh hùng ca bất tận, bởi nó thu hút sự đa dạng của các loại hình văn hóa dân gian, tiêu biểu như: dân ca dân vũ, ẩm thực, tín ngưỡng, nghi lễ... Du khách có thể lắng mình trong âm thanh trầm hùng của cồng chiêng người Ba na trong lễ hội đầu mùa; lời tự tình, ngân nga, lắng đọng của chàng trai cô gái J’rai qua tiếng chiêng Arap trong lễ hội bỏ mả; sự thủ thỉ thì thầm như rót mật vào tai của tiếng chiêng M’nông trong lễ hội cầu mùa; thông điệp mạnh mẽ, đầy khát khao của nam nữ Êđê trong lễ hội cúng bến nước… Tất thảy được ngân lên như một dàn hợp xướng hội tụ đầy đủ cung bậc, sắc màu của cuộc sống từ ngàn xưa vọng về. Chỉ một lần hòa cùng vũ điệu cồng chiêng Tây Nguyên, chắc chắn đôi chân bạn không muốn ngơi nghỉ, đôi tay không muốn buông lơi, đôi tai không thôi lắng nghe, lời yêu thương sẽ mãi mãi được kết nối trong vũ điệu cồng chiêng Tây Nguyên trước thềm Mùa xuân 2017.