Ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tạo ra điều khác biệt để thu hút khách quốc tế
Ngày đăng: 27/10/2017 08:48
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/10/2017 08:48
Trong những năm gần đây, mặc dù ngành du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, vẫn còn nhiều yếu kém nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng.
Hơn một thập kỷ vừa qua, ngành du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những thành tựu quan trọng. Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lần đầu tiên đạt con số 10 triệu lượt, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001.
Cùng thời điểm đó, khách nội địa đạt 62 triệu lượt, tăng 5,3 lần so với năm 2001. Trong 9 tháng đầu năm 2017, du lịch Việt Nam đón được gần 9,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016 và phục vụ 57,9 triệu lượt khách nội địa.
Tổng thu từ ngành du lịch đạt được hơn 417 nghìn tỷ đồng, đóng góp trực tiếp 6,9% GDP.
Cả nước có hơn 1.600 doanh nghiệp lữ hành quốc tế với khoảng 420.000 buồng trong đó có 107 khách sạn 5 sao và 230 khách sạn 4 sao. Ngành du lịch tạo ra khoảng 900.000 việc làm trực tiếp trong tổng số hơn 2,5 triệu việc làm liên quan đến du lịch. Chất lượng và tính chuyên nghiệp du lịch ngày càng dần được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng khích lệ mà ngành du lịch Việt Nam đạt được thì vẫn còn nhiều yếu kém nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng. Cụ thể, nhận thức về du lịch – ngành kinh tế có vai trò tạo động lực, còn hạn chế. Phát biểu tại “Diễn đàn chính sách tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng”, PGS.TS Đỗ Thị Thanh Hoa cho biết tình trạng “chặt chém” khách du lịch, đặc biết là khách quốc tế vẫn tồn tại, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch còn thiên vào số lượng và chưa thực sự tập trung vào chất lượng, yếu tố bền vững còn chưa được đặt lên hàng đầu. Tính chuyên nghiệp trong quản lý, kinh doanh du lịch chưa thực sự cao từ thái độ phục vụ cho đến khâu tổ chức. Thêm vào đó, du lịch Việt Nam chưa có điểm khác biệt nổi bật so với các nước khác để cạnh tranh và thu hút khách du lịch. Chẳng hạn như dải ven biển miền Trung là khu vực du lịch trọng điểm. Tuy nhiên, ngay bản thân chúng ta cũng như khách du lịch quốc tế vẫn đang thấy các bãi tắm biển na ná giống nhau.
Ngoài ra, mức độ “mở cửa” quốc tế chưa cao. Việt Nam mới miễn thị thực cho công dân của 23 nước trong khi các quốc gia láng giếng như Indonesia, Malaysia đều miễn thị thực cho hơn 150 quốc gia trong khu vực. Vấn đề thị thực điện tử E-visa, quy trình, thủ tục cấp thị thực tại cửa khẩu còn nhiều hạn chế chế.
Trước những điểm nghẽn này Đảng và Chính phủ luôn tìm cách ban hành các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển, đóng góp cho kinh tế xã hội chẳng hạn như nghị quyết 92 về phát triển du lịch, luật du lịch sửa đổi với những cải cách về thủ tục hành chính…
Để đạt mục tiêu đến năm 2030, ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bà Hoa đề xuất 8 giải pháp về chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho ngành. Trong đó, việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật du lịch 2017, tạo dựng hệ thống hành lang pháp lý cho phát triển đồng thời tháo gỡ những bất cấp trong ngành. Bên cạnh đó, nhằm giải quyết những yếu kém về số lượng cũng như chất lượng nhân lực du lịch, năng suất lao động, các cơ quan chức năng cần đưa ra những chính sách tập trung vào tăng cường đào tạo theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tương thích với tiêu chuẩn ASEAN. Ngoài ra, các chính sách về tập trung, khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; chính sách thuế; chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch…cũng cần được quan tâm.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng để ngành du lịch thực sự phát triển thì cần thực hiện cải cách từ Bộ từ đó lan tỏa ra các ban ngành địa phương.
Nguồn: Nhịp sống số