Từng bước triển khai Luật Du lịch đi vào cuộc sống
Ngày đăng: 27/10/2017 10:40
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/10/2017 10:40
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến hết ngày 23.12.2017, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ (chinhphu.vn), Cổng TTĐT Bộ VHTTDL (bvhttdl.gov.vn) và trang web của Tổng cục Du lịch (vietnamtourism.gov.vn) nhằm lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước.
Sẽ triển khai cùng thời điểm Luật Du lịch có hiệu lực
Trong quá trình xây dựng Nghị định, Ban soạn thảo do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái là Trưởng ban đã bảo đảm các quan điểm và nguyên tắc sau: Bám sát quan điểm, nguyên tắc trong quá trình xây dựng Luật Du lịch để soạn thảo quy định chi tiết các nội dung được Luật giao; Quy định chi tiết những vấn đề mà Luật Du lịch giao cho Chính phủ phải bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Du lịch và các luật khác có liên quan; Kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành về du lịch không trái với quy định của Luật Du lịch và còn phù hợp với hoạt động du lịch trên thực tế; Các quy định của dự thảo Nghị định phải cụ thể, khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, bảo đảm triển khai thi hành ngay cùng thời điểm hiệu lực với Luật Du lịch; Quy định về trình tự, thủ tục phải đảm bảo nguyên tắc đơn giản hóa, công khai, minh bạch.
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về các nội dung sau: Điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch; Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo đối với từng vùng và trong phạm vi toàn quốc theo từng giai đoạn; Biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch; Điều kiện công nhận điểm du lịch; Điều kiện công nhận khu du lịch; Mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch; Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch của cơ sở lưu trú du lịch; Nguồn hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Lần đầu tiên có quy định cụ thể về du lịch mạo hiểm
Dự thảo Nghị định được kết cấu thành 7 chương, 33 điều. Trong đó, đáng chú ý là Chương III. Phát triển sản phẩm du lịch, gồm 4 điều, quy định về sản phẩm du lịch chủ đạo, sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chương này quy định thẩm quyền công bố danh mục sản phẩm du lịch chủ đạo của quốc gia và của vùng, trách nhiệm của Bộ VHTTDL, Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp tập trung, ưu tiên trong phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo. Để bảo đảm an toàn cho khách du lịch, dự thảo xác định cụ thể sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch, quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cụ thể là các hoạt động vẫn được gọi là du lịch thể thao mạo hiểm: Bay dù lượn, khinh khí cầu, nhảy dù, đu dây mạo hiểm hành trình trên cao; đi xe đạp địa hình núi; đi xe địa hình trên đồi cát; đi trên dây; leo vách đá, leo núi, đu dây vượt thác; lặn biển, chèo thuyền vượt ghềnh thác, mô tô nước, lướt ván; ca nô kéo dù bay; thám hiểm hang động, rừng núi, đu cáp trượt; các hoạt động du lịch khác có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch theo quy định của pháp luật.
Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch, đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan: Sở Du lịch, Sở VHTTDL; Các tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khi tổ chức các chương trình du lịch có hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch, phải sử dụng dịch vụ do tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cung cấp.
Chia ra ba mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành
Mức ký quỹ được quy định cụ thể, trong đó, ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 100.000.000 đồng; Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế gồm: Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 đồng, kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 đồng.
Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại hệ thống ngân hàng thương mại. Tiền ký quỹ phải duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật.
Tiền ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành được sử dụng trong trường hợp: Xảy ra tai nạn với khách du lịch hoặc các trường hợp khẩn cấp khác mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí kịp thời giải quyết; Doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Doanh nghiệp được hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành trong những trường hợp: Có thông báo của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành về việc doanh nghiệp không được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc hoàn trả tiền ký quỹ liên quan đến việc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; Có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư.
Nguồn: Báo Văn hóa