ĐỂ TIẾNG CỒNG CHIÊNG VANG MÃI
Ngày đăng: 27/10/2017 14:01
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/10/2017 14:01
Hoạt động bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng luôn được cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ huyện Lắk coi trọng. Việc lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và cồng chiêng nói riêng đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân địa phương…
Đã trở nên quen thuộc, những ngày cuối tuần, ngôi nhà dài của gia đình già Y Ninh Êban ở buôn Lê (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) lại vang tiếng cồng chiêng quen thuộc. Đây là lớp cồng chiêng do già Y Ninh trực tiếp truyền dạy cho thanh thiếu niên. Em Y Nam B’dap (12 tuổi) khoe: “Trước giờ không biết đánh cồng chiêng, nhưng qua hơn 3 tháng tập luyện em đã biết đánh các bài “Mừng mùa” và “Đón khách”…”. Vui mừng hơn vẫn là những người lớn tuổi trong buôn, trong đó có già Y Ninh. Mỗi lần nghe tiếng cồng, tiếng chiêng của đám trẻ vang lên, đôi mắt già Y Ninh long lanh hơn. Ông nhớ về một thời những người dân trong buôn vui vầy bên đống lửa cùng múa, cùng nhảy theo từng nhịp chiêng…
Năm nay 62 tuổi, già Y Ninh là thành viên của đội chiêng M’nông R’lâm ở buôn Lê. Tuổi thơ tắm mình trong tiếng cồng chiêng, 12 tuổi Y Ninh bắt đầu học chiêng, 5 năm sau trở thành thành viên chính thức của đội chiêng, tham gia trình tấu mỗi khi buôn làng có lễ hội… Đang miên man theo dòng cảm xúc của từng tiết tấu âm thanh cồng chiêng, chợt già Y Ninh nhíu mày, thoáng chút ngậm ngùi: "Bây giờ đã mai một hết rồi. Lũ thanh niên không còn say tiếng cồng chiêng như xưa nữa. Nhưng cũng còn may mắn, mới đây địa phương và Phòng Văn hóa Thông tin (VH-TT) huyện Lắk mở lớp học đánh chiêng cho con cháu trong buôn. Thấy các cháu háo hức học đánh chiêng tôi vui lắm”.
Không chỉ có lớp cồng chiêng ở buôn Lê (thị trấn Liên Sơn), hè năm 2017 Phòng VH-TT huyện đã đồng loạt tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng ở 8 xã, thị trấn cho 176 thanh thiếu niên… Sau 3 tháng tích cực tập luyện, đến nay cơ bản các em đã biết diễn tấu các loại chiêng của dân tộc Êđê và M’nông. Ông Nguyễn Văn Nam, cán bộ Phòng VH-TT huyện cho biết, tuy còn nhiều khó khăn trong việc truyền dạy cồng chiêng như: thời gian học quá ngắn, một số em vừa đi học vừa đi làm… nhưng các em đều có tinh thần, thái độ và ý thức học tập nghiêm túc. Còn các nghệ nhân tuổi đã cao tuổi vẫn nhiệt huyết tham gia truyền dạy cho con cháu.
Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, thực hiện thành công Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 30-8-2016 của HĐND tỉnh về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh, giai đoạn 2016-2020, Phòng VH-TT huyện Lắk đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; phục dựng các nghi thức, nghi lễ gắn với diễn tấu cồng chiêng như: lễ lên nhà mới, lễ kết nghĩa, lễ cưới truyền thống của dân tộc M’nông Gar, lễ cúng cơm mới; điều tra, sưu tầm gần 60 bộ sử thi, truyện cổ; lưu giữ hơn 300 dàn chiêng. Đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức sinh hoạt cồng chiêng 1 lần/tháng nhằm giúp các em ôn luyện những bài chiêng đã học.
“Về lâu dài, ngành Văn hóa huyện mong muốn các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí để tiếp tục mở thêm các lớp dạy đánh chiêng để có nhiều người trẻ được học hơn; đồng thời mở các lớp đánh chiêng nâng cao từ đó có một đội ngũ kế cận sử dụng thuần thục loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc mình”, ông Hoàng Ngọc Tài, Trưởng Phòng VH-TT huyện kiến nghị.
Nguồn: Báo Đắk Lắk