Đẩy mạnh xã hội hóa cho hoạt động thể dục thể thao
Ngày đăng: 28/10/2017 16:21
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 28/10/2017 16:21
Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã có cuộc trao đổi với báo Điện tử Tổ Quốc về dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật TDTT chuẩn bị trình ra kỳ họp Quốc hội lần này.
Quan tâm nhiều hơn tới chế độ cho VĐV, thể thao cho mọi người
- Trải qua những năm triển khai Luật TDTT, xin ông cho biết những mặt được và chưa được của luật này như thế nào?
+ Luật TDTT được thông qua vào năm 2006 đã tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tác dụng của TDTT trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Luật cũng đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao năng lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp TDTT. Từ chỗ TDTT hoàn toàn được bao cấp giờ đây đã từng bước đã được xã hội hóa, một số môn thể thao chuyển dần sang cơ chế thể thao chuyên nghiệp; vai trò tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp về TDTT ngày càng được nâng cao; tỷ lệ người tập TDTT thường xuyên tăng hơn…
Tuy nhiên, tới nay, Luật đã bộc lộ một số bất cập như một số điều khoản còn thiếu cụ thể dẫn đến khó triển khai trong thực tế như chính sách phát triển TDTT quần chúng; trách nhiệm của bộ, ngành, nhà trường với giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường; chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa hoạt động thể thao. Ngoài ra, một số điều khoản không còn phù hợp với thực tiễn.
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng.
- Thưa ông, là một trong những cơ quan cùng tham gia Ban Soạn thảo Dự thảo Luật TDTT, tới thời điểm này xin ông cho biết một vài nội dung chính mà dự thảo trình sửa đổi, bổ sung?
+ Lần này dự luật trình ra Quốc hội cho phép tổ chức cá cược, quy định khung cho phép tổ chức các hoạt động cá cược, đặt cược thể thao để Quốc hội xem xét cho ý kiến.
Bên cạnh đó, còn có các nội dung về thể thao quần chúng, dự luật đưa ra một số chính sách đẩy mạnh hoạt động này. Ví dụ cơ chế khuyến khích xã hội đóng góp về vật chất, tài chính chăm lo phát triển cho sự nghiệp thể thao, như chính sách ưu đãi cho tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng, khai thác các công trình thể thao công cộng, các công trình thể thao phục vụ các đối tượng chính sách như người cao tuổi, người khuyết tật…
Thứ 2, Luật TDTT đã ban hành có hiệu lực thi hành hơn 10 năm. Thời điểm, luật ra đời phần lớn các hoạt động mang tính chất bao cấp, thì sau 10 năm đã phát triển, xã hội hóa mạnh, kể cả về tài trợ, tổ chức, đào tạo vận động viên.. Do vậy, trong dự thảo luật lần này sẽ sửa đổi lại.
Về hoạt động thể thao cho mọi người (thể thao quần chúng), đặc biệt là các hoạt động thi đấu phát triển nhiều, tổ chức thi đấu thường xuyên do nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện.
Trong Luật 2006 thì thẩm quyền cho phép tổ chức chưa được quy định rõ, lần này thì quy định rõ hơn. Vì giờ đây, đối với các giải thể thao quần chúng, không chỉ trong nước tổ chức mà còn nhiều cá nhân, tổ chức của nước ngoài vào tham gia tổ chức với quy mô lớn nên phải có quy định thẩm quyền, quyết định tổ chức giải để đảm bảo an ninh, tổ chức trật tự.
Các đại hội TDTT quần chúng lớn như của học sinh, sinh viên, các giải thể thao quần chúng các lực lượng vũ trang, các giải tầm cỡ thế giới, châu lục cũng cần quy định rõ thẩm quyền tổ chức các giải này.
Trong dự thảo luật cũng quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH trong việc quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, chương trình giáo dục thể chất, quy chuẩn đội ngũ giáo viên thể thao, trách nhiệm tổ chức các hoạt động TDTT trong nhà trường nhằm nâng cao chất lượng của giáo dục thể chất trong nhà trường…
- Thời gian qua thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp có những ấn tượng nhất định, dự thảo Luật lần này có những sửa đổi cụ thể như thế nào cho đối tượng này thưa ông?
+ Về thể thao thành tích cao, dự thảo tập trung sửa đổi quyền và nghĩa vụ HLV, VĐV. Chính phủ những năm qua đã có nhiều quan tâm tới chế độ chính sách cho VĐV, HLV.
Tuy nhiên có một số trường hợp VĐV trong quá trình tập luyện, thi đấu bị chấn thương, mất khả năng lao động, hoặc bị thiệt mạng thì các chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu. Khi xảy ra sự cố, VĐV và thân nhân của họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Trên tinh thần ấy, chúng tôi bổ sung thêm chế độ, chính sách cho VĐV. Trong đó, đối với các VĐV khi tập luyện thi đấu mất khả năng lao động, bị thiệt mạng trong quá trình tập luyện, thi đấu thì bản thân VĐV và gia đình họ được hưởng một chế độ trợ cấp nhằm giảm bớt khó khăn, tạo sự yên tâm cho VĐV thi đấu và cống hiến.
Cũng trong dự thảo luật này, Ban soạn thảo đã đưa vào những quy định về thẩm quyền tổ chức giải thể thao thành tích cao.
Trước đây, giống như thể thao quần chúng, giải thành tích cao quy định một số hình thức nhưng sau 10 năm hệ thống giải thành tích cao rất phát triển hội nhập với hệ thống thi đấu quốc tế, do vậy cần bổ sung thêm quy định rõ thẩm quyền để tổ chức các giải cho an toàn, nâng cao hiệu quả và phù hợp với thực tế.
Về thể thao chuyên nghiệp, dự thảo có bổ sung nội dung quan trọng là khuyến khích các tổ chức cá nhân và tổ chức các giải thế thao chuyên nghiệp và đào tạo VĐV chuyên nghiệp. Trước đây luật mới chỉ khuyến khích thành lập các CLB thể thao chuyên nghiệp, lần này bổ sung khuyến khích tổ chức giải thể thao và đào tạo VĐV chuyên nghiệp.
Về cơ sở thể thao, dự thảo luật lần này bổ sung thêm hộ kinh doanh là loại hình cơ sở thể thao, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh. Bên cạnh đó việc quản lý, tổ chức các hoạt động kinh doanh đảm bảo an toàn cho người tập luyện TDTT.
Quy định khung về đặt cược thể thao tại một số môn thí điểm
- Ông có thể nói rõ hơn về nội dung đặt cược trong thể thao không, thưa ông?
+ Vừa qua, Chính phủ cho phép thực hiện đặt cược ở một số môn thể thao như đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt được bóng đá quốc tế. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại hoạt động đặt cược bất hợp pháp dựa trên kết quả thi đấu của một số môn thể thao khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vì vậy, để hạn chế việc đặt cược bất hợp pháp, cần thiết phải bổ sung quy định “Lợi dụng hoạt động TDTT để tổ chức đặt cược, đặt cược bất hợp pháp” tại Khoản 7, Điều 10.
Trong dự thảo này, Ban soạn thảo chỉ đưa ra khung, sau đó xin ý kiến của Quốc hội. Việc đặt cược thể thao hiện Chính phủ mới cho phép thí điểm ở những nội dung trên và đây là việc mới, hiện đang trong quá trình chuẩn bị thí điểm và còn qua tổng kết đánh giá. Do vậy, dự thảo đưa vào những nội dung mang tính chất khung làm cơ sở, sau này Chính phủ có quy định cụ thể.
- Về xã hội hóa TDTT, các chính sách được đề xuất lần này là gì thưa ông?
+ Dự thảo luật đưa ra chính sách đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT, khuyến khích sử dụng đất đai, nguồn lực về tài chính, miễn giảm thuế, đất, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân toàn xã hội, huy động nguồn lực của xã hội để tổ chức các hoạt động TDTT và định hướng cơ chế chính sách định hướng đặt cược thể thao tăng thêm nguồn lực.
Về nguồn lực cho phát triển TDTT, có một số sửa đổi để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, các nguồn lực như về đất đai, xuất phát từ thực tế một số địa phương đã quy hoạch đất dành cho thể thao nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn chưa có nguồn lực xây dựng cơ sở thể thao nên nhiều nơi đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai. Dự án luật đưa ra việc này để trong trường hợp đất đai đã chuyển mục đích sử dụng thì chính quyền địa phương bố trí quỹ đất tương xứng thay thế cho chỗ ấy.
Ngoài ra với các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT có bổ sung thêm quy định là tăng thêm thẩm quyền, trách nhiệm các liên đoàn, hội nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TDTT.
Tôi cho rằng, tư tưởng chủ đạo của Ban soạn thảo khi xây dựng dự án luật này là đưa ra cơ chế chính sách khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa TDTT, khắc phục bất cập các hoạt động thể thao, kinh doanh hoạt động TDTT, đề ra chính sách tạo ra nguồn lực để phát triển TDTT trong giai đoạn sắp tới.
- Dự thảo luật được thông qua, ông kỳ vọng Luật sẽ có tác động như thế nào tới ngành TDTT?
+ Nếu dự thảo được thông qua, kỳ vọng lớn nhất của tôi là Luật sẽ tạo ra cơ chế chính sách thúc đẩy TDTT cho mọi người, tạo điều kiện cơ sở vật chất cho TDTT, thúc đẩy TDTT phát triển. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội để phát triển thể thao cả quần chúng và thành tích cao.
Trong đó đặc biệt là phát triển về cơ sở vật chất để thu hút ngày càng đông đảo người dân tham gia tập luyện, phát triển thể thao cho mọi người.
Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả, nâng cao thể chất cho học sinh, sinh viên trong trường học.
Thứ 3 là huy động nguồn lực trong xã hội đẩy mạnh thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp, giải quyết chế độ chính sách cho VĐV, HLV…
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ VHTTDL