Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể: Tạo nền tảng phát triển bền vững vùng Tây Nguyên
Ngày đăng: 29/10/2017 03:49
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 29/10/2017 03:49
Bên cạnh những di sản văn hóa vật thể, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như Êđê, Bhanar, J’rai, Xê Đăng, Mạ, M’nông, Stiêng... còn có kho tàng di sản văn hoá phi vật thể hết sức phong phú và đa dạng.
Với vai trò lớn lao trong đời sống xã hội, văn hóa phi vật thể ngày càng được xem là yếu tố sống còn, làm thăng hoa các di sản, tạo nền tảng vững chắc cho “phát triển bền vững”, làm thay đổi bộ mặt cuộc sống của đồng bào vùng cao.
Di sản văn hóa phi vật thể được hình thành, tích lũy trong cuộc sống cộng đồng. Đó là những tri thức bản địa về cuộc sống mưu sinh như trồng trọt, săn bắn, ẩm thực; là kiến trúc nhà làng truyền thống, nghề dệt và trang phục, ẩm thực, nghệ thuật diễn xướng, lễ hội; là phong tục tập quán, nếp sống, ứng xử của các thành viên trong cộng đồng... Di sản văn hóa phi vật thể có thể đóng góp một cách hiệu quả vào phát triển cộng đồng. Chính vì vậy, Công ước của Tổ chức Văn hóa – Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã ghi nhận “tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể như là động lực chính của đa dạng văn hóa và là một bảo đảm cho sự phát triển bền vững”.
Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở cao nguyên - miền núi có cuộc sống vật chất và tinh thần còn gặp nhiều khó khăn thì văn hóa phi vật thể chính là “nguồn lực tại chỗ” bên cạnh “nguồn lực ngoại sinh” tiếp sức cho cuộc sống cộng đồng. Những thực hành truyền thống về chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, quản lý nguồn nước, sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, nhà ở, nghề thủ công và những sinh kế khác... là tri thức dân gian thiết thân nhất.
Hoạt động tự cung tự cấp như vậy có vai trò rất quan trọng trong ổn định cuộc sống của đồng bào và là biện pháp chính phòng chống nghèo đói ở địa phương. Với tri thức bản địa được tích lũy bao đời, đồng bào các dân tộc thiểu số biết tìm nơi có nguồn nước để lập làng, biết chọn đất để canh tác rẫy nương, khai thác những sản vật có sẵn nơi rừng núi để cải thiện cuộc sống. Truyền thống canh tác ruộng bậc thang của người Xê Đăng ở Bắc Tây Nguyên là lối canh tác kết hợp hài hòa tri thức bản địa như giống, nguồn nước, đất đai, thời tiết... để có nguồn lương thực tại chỗ, không phá rừng làm rẫy, ổn định cuộc sống, không còn du canh du cư.
Rõ ràng, loại hình di sản văn hóa phi vật thể tri thức bản địa về trồng trọt, canh tác như vậy góp phần quan trọng để bảo đảm an ninh lương thực. Chưa hết, ruộng bậc thang là tác phẩm kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và bàn tay lao động cần cù, sáng tạo của con người vùng cao, tạo nên vẻ đẹp hiếm có, thu hút khách du lịch khi khám phá, chiêm ngưỡng cảnh quan miền núi...
Di sản văn hóa phi vật thể của một cộng đồng dân tộc có thể giúp bảo vệ đa dạng sinh học. Người Êđê, M’nông có niềm tin về rừng đầu nguồn, rừng thiêng, cây thiêng, nơi có các loài cây cổ thụ, là chỗ trú ngụ của thần linh hoặc là nơi hồn người chết trú ẩn, do đó, không ai được phép chặt hạ, nhất là các cây cổ thụ ở bến nước, chẳng hạn như rừng cây cổ thụ ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). Nhờ vậy, nơi đây còn giữ lại một bến nước đẹp nhất tỉnh Đắk Lắk và rừng cây nơi đây đã được công nhận là Cây di sản. Đó cũng là một cách thức quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học.
Tây Nguyên còn có nhiều nơi thuộc vùng sâu vùng xa, hẻo lánh không có sẵn chợ búa, siêu thị nên từ xưa đến nay việc “tự túc tự cấp” là một phần thiết yếu bảo đảm cuộc sống. Các sản vật thiên nhiên như rau rừng, măng, nấm, thức uống tự nhiên và được chế biến từ sản vật tại chỗ như rượu cần, rượu ba kích, rượu sâm, rượu chuối rừng... cho thấy sự phong phú nguồn sống tự nhiên. Cách chế biến của các dân tộc tạo nên nhiều món ăn thức uống độc đáo, làm giàu có kho tàng văn hóa ẩm thực.
Ẩm thực Tây Nguyên đang được khai thác, phát huy, nhất là trong các lễ hội giao lưu văn hóa, giới thiệu món ăn đặc trưng của dân tộc và phục vụ nhu cầu thưởng thực của du khách. Ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai đã hình thành những nhà hàng ẩm thực dân tộc như là sản phẩm du lịch. Đây là “nguồn vốn” tại chỗ giúp đồng bào cải thiện cuộc sống một cách đáng kể.
Công ước UNESCO cho rằng, di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững di sản văn hóa phi vật thể có thể giúp tăng cường sự gắn kết và hòa nhập xã hội. Di sản văn hóa phi vật thể có thể đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng lòng tin và sự khoan dung. Luật tục hay tập quán của đồng bào Tây Nguyên mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc là nó được dùng để giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong các mối quan hệ giữa gia đình, bạn bè, xã hội, công việc… Khi xử một vụ kiện tụng trong làng, người đứng ra phân xử hay đọc những “lời nói vần” rất nhuần nhuyển. Mục đích quan trọng của nó là thông qua đối thoại để hòa giải những xung đột, tranh chấp giữa các cá nhân, gia đình, cá nhân với cộng đồng hay giữa các cộng đồng với nhau.
Lễ hội truyền thống của đồng bào rất đa dạng, phong phú. Đây là hoạt động có tác dụng tăng cường các mối liên kết và tính gắn kết xã hội của cộng đồng. Trong di sản văn hóa tộc người, lễ hội truyền thống là một nhân tố nổi trội nhất. Lễ hội là cái nôi hình thành, nuôi dưỡng di sản văn hóa tộc người. Lễ hội các dân tộc là sự hội tụ cao độ của các tinh hoa văn hóa, những gì hay nhất, đẹp nhất hầu như tập trung lại để từ đây, thông qua sự tham gia của các thành viên, lan tỏa trở lại cộng đồng. Lễ hội của đồng bào ngày nay vừa có cái mới của nếp sống hiện đại vừa thấm đẫm chất men cội nguồn. Từ món ăn thức uống đến các hình thức vui chơi, trò diễn xướng, trang phục đều có sự kết hợp giữa cái “đặc hữu dân tộc” chỉ có ở buôn làng với cái được đồng bào tiếp thu từ bên ngoài đầy sức hấp dẫn, làm giàu có cho cuộc sống của mình.
Với sự nhìn nhận của UNESCO rằng di sản văn hóa phi vật thể là “nguồn tài nguyên chiến lược”, có thể thấy, văn hóa phi vật thể là linh hồn của đời sống văn hóa mỗi tộc người, mỗi cư dân, mỗi nền văn hoá. Việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào chẳng những duy trì tốt cuộc sống vật chất và tinh thần mà còn rất có ý nghĩa thiết thực khi loại hình di sản này có khả năng đáp ứng nhu cầu “phát triển bền vững”. Di sản văn hóa phi vật thể cũng là nguồn lực dồi dào để định hướng chiến lược trong phát triển vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Baodaklak.vn