Năm 1967, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết đăng báo Pravđa (Liên Xô), khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. (1)
Đúng vậy. Cách mạng Tháng Mười Nga lật đổ chế độ chuyên chế của Sa hoàng, bẻ gãy một khâu yếu nhất của đế quốc chủ nghĩa thời bấy giờ. Nhà nước xô viết, nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, ngay từ khi mới thành lập chẳng những đã đập tan được bọn phản cách mạng trong nước mà còn đánh thắng cuộc can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc. Chưa đầy 30 năm sau, lại đánh thắng hoàn toàn phát-xít Đức - Ý - Nhật, vừa bảo vệ được mình vừa góp phần to lớn giải phóng nhiều nước khác, cứu loài người khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa phát-xít. Sau chiến tranh, bằng những nỗ lực phi thường, trong một thời gian ngắn, Liên Xô đã phấn đấu hàn gắn vết thương chiến tranh, rồi tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, trở thành một nước công nghiệp lớn, có nền khoa học - kỹ thuật hiện đại và là nước đầu tiên mở đường chinh phục vũ trụ.
Hòa nhịp bước với Liên Xô, thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các nước khác, trong đó có Việt Nam, đã dẫn đến hình thành một hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới trải dài từ Trung Âu đến Đông - Nam Á và một tiền đồn ở Mỹ la-tinh. Đã dâng lên ba dòng thác cách mạng: lực lượng của phe xã hội chủ nghĩa, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.
Đó là một sự thật lịch sử.
Nhưng cũng có một sự thật lịch sử khác, theo chiều ngược lại. Sự sụp đổ ở Liên Xô năm 1991 và ở các nước Đông Âu trước đó, đã làm chấn động dư luận toàn cầu. Sụp đổ do nhiều nguyên nhân. Cả chủ quan và khách quan mà chủ quan là chủ yếu. Trong sai lầm của lãnh đạo và quản lý ở cấp cao nhất, có cả những kẻ phản bội. Cùng với những mâu thuẫn và sự rạn nứt trong nội bộ, còn bàn tay phá hoại từ bên ngoài. Không lạ gì khi các thế lực thù địch vỗ tay ăn mừng. Một số chiến lược gia hàng đầu của họ dự kiến: Thế kỷ 20 sẽ khép lại với sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản. Họ đã lầm to. Thế kỷ 21 đã trải qua gần hai thập niên, chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại và phát triển ở nhiều nước trên thế giới.
Có liên quan đến sự đổ vỡ ở Liên Xô, nếu tôi không nhầm thì trong một cuộc họp báo tại Mát-xcơ-va, tháng 7-2001, trả lời các nhà báo, Tổng thống Nga Pu-tin có nói: Ai không tiếc cho sự đổ vỡ, người đó không có trái tim.
Nói đến trái tim là nói đến tình cảm, tấm lòng. Với nhân dân Việt Nam ta, dù có biến cố gì, trái tim trước sau vẫn cùng nhịp đập. Vẫn trọn niềm tin vào con đường của Cách mạng Tháng Mười, con đường chính lãnh tụ V.I. Lê-nin đã vạch ra.
Tôi nhớ lại: Tháng 4 năm 1960, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của V.I. Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin” đăng trên tạp chí Các vấn đề phương Đông (Liên Xô). (2)
... Hồi ấy (vào khoảng cuối năm 1919, đầu năm 1920 - tác giả), trong các chi bộ của Đảng Xã hội (Pháp), người ta bàn cãi sôi nổi về vấn đề có nên ở lại trong Quốc tế thứ hai, hay là nên tổ chức một Quốc tế thứ hai rưỡi, hoặc tham gia Quốc tế thứ ba của Lê-nin? Tại sao người ta bàn cãi hăng như vậy?
Bác viết:
Điều mà tôi muốn biết hơn cả - và cũng chính là điều mà người ta không thảo luận trong cuộc họp - là: Vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa?
Trong một cuộc họp, tôi đã nêu câu hỏi ấy lên, câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi. Có mấy đồng chí đã trả lời: Đó là Quốc tế thứ ba, chứ không phải Quốc tế thứ hai. Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo... Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba.
Bác Hồ còn viết thêm: Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lê-nin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Thế đấy! Năm 1920, tại Đại hội Tua (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã đứng về phe ủng hộ Quốc tế 3 và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1930, Bác chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1945, Bác cùng Trung ương lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đến, là hai cuộc kháng chiến cứu nước thắng lợi, giang sơn thu về một mối. Mười bảy năm sau ngày Bác mất, năm 1986, theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã tiến hành một cuộc đổi mới chưa từng có, mở ra một chương mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta, nhằm tiến lên xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Để kết thúc bài báo này, tôi xin trở lại bài viết của Bác nhân kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng Mười Nga đã nêu trên.
Bác viết: Việt Nam có câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại những bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh gian khổ cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười.
Vâng. Đảng ta, nhân dân ta đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, con đường của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là bởi cả trái tim và khối óc hòa quyện với nhau làm một.
|