Nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan tại Cụm Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình: Để mỗi du khách đều cảm nhận được sự nồng ấm khi đến bên Người
Ngày đăng: 29/10/2017 13:55
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 29/10/2017 13:55
Như tin đã đưa, Tọa đàm khoa học “Nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan tại Cụm Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình” vừa được Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức.
Chủ trì Tọa đàm, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh, các cơ quan trong Cụm Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình cần nỗ lực nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác phục vụ, để mỗi du khách đến những di tích đặc biệt quan trọng này đều có thể cảm nhận được sự đón tiếp nồng ấm từ những người con của Bác Hồ kính yêu.
Cụm di tích mang giá trị độc nhất vô nhị
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho hay, hằng năm, các cơ quan, đơn vị trong Cụm di tích đã phối hợp tổ chức đón tiếp, phục vụ trên 2 triệu lượt khách trong nước và nước ngoài. Việc rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp, tổ chức, đón tiếp và phục vụ các di tích trong Cụm là hết sức cần thiết. Trên thực tế, bên cạnh những ấn tượng tốt đẹp thì đôi lúc, công tác phối hợp, tổ chức, đón tiếp và phục vụ khách tham quan còn chưa linh hoạt, thiếu chủ động. Điều đó ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ cũng như hình ảnh của từng cơ quan, đơn vị trong Cụm di tích.
Theo Đại táLê Hồng Sơn, Phó Chánh Văn phòng Cụm Di tích lịch sử- văn hóa Ba Đình, khu vực Quảng trường Ba Đình và các công trình liên quan có ýnghĩa rất đặc biệt, mang giátrị độc nhất vô nhị. Hằng ngày, có hàng vạn người Việt Nam và bạn bè quốc tếthành kính đến viếng thăm Người, thăm nơi ở và làm việc, những kỷ vật của Người… “Trong những năm qua, các lực lượng trong Cụm đã phối hợp hiệu quả, để lại ấn tượng đẹp đối với nhân dân trong nước và khách quốc tế đến viếng Bác và tham quan khu vực. Đồng thời, tổ chức đón tiếp và phục vụ an toàn, chu đáo các buổi lễ viếng cấp Nhà nước, các đoàn Nguyên thủ quốc gia…”, Đại táLê Hồng Sơn cho biết.
Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 42 năm qua đã phục vụ, đón tiếp trên 54 triệu lượt người, trong đó có trên 9 triệu lượt khách nước ngoài đến viếng Người. Tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đã đón tiếp trên 289 nghìn lượt người, trong đó có hơn 10 nghìn lượt khách nước ngoài. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, còn một số khó khăn như lượng khách tăng cao vào những ngày cao điểm, tạo nên khó khăn khách quan trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, quátải khu vực để xe…
Tại Khu di tích Phủ Chủ tịch, Phó Giám đốc Đỗ Hoàng Linh cho hay, Khu di tích Phủ Chủ tịch đã và đang phải chịu tác động, ảnh hưởng do các các công trình xây dựng, cải tạo của một số cơ quan, đơn vị cùng nằm trong và tiếp giáp với địa giới của Khu di tích. Trong đó, nhiều tác động đã làm giảm đi tính chất trang trọng, thiêng liêng ở điểm di tích quan trọng bậc nhất này.
Đề cập đến khó khăn trong việc nâng cao chất lượng phục vụ từ một góc độ khác, Phó Trưởng phòng Giáo dục Bảo tàng Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu Huyền nhắc đến tác động của công nghệ hiện đại, thếgiới ảo đang trở thành rào cản đối với công tác giáo dục, tuyên truyền, đặc biệt đối với thếhệ trẻ. Trăn trở trước câu hỏi làm thếnào để thu hút công chúng trẻ tuổi, thời gian gần đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã áp dụng mô hình trải nghiệm, khám phá, một hoạt động góp phần nâng cao chất lượng phục vụ công chúng đến Bảo tàng.
Hướng đến sự chuyên nghiệp
Nhiều ýkiến nhấn mạnh, cần đặc biệt quan tâm tới công tác tập huấn, nâng cao chất lượng chuyên môn. Trách nhiệm đặt ra với mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động tại Cụm Di tích là phải hướng tới sự chuyên nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao, thái độ lịch sự, nhã nhặn, ân cần. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ khách tham quan tại Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình.
Đại tá Lê Hồng Sơn cho rằng, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các lực lượng trong Cụm thật sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức; có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Mặt khác, cần tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách, đảm bảo các yếu tố văn minh, lịch sự, thuận tiện. Tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành, đón tiếp, tuyên truyền, đảm bảo an ninh...“Mục tiêu cao nhất là chủ động khai thác thế mạnh từng công trình, kết hợp chặt chẽ trong quy hoạch tổng thể để xây dựng Cụm Di tích xứng đáng là Cụm công trình chính trị, văn hóa trong Trung tâm chính trị Ba Đình của Thủ đô Hà Nội…”, Đại tá Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tập huấn nâng cao chất lượng chuyên môn, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (Khu di tích Phủ Chủ tịch) cho rằng, cần tăng cường công tác đào tạo nhân lực, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về quản lý di sản, giám sát tu bổ, trưng bày, triển lãm, đạo đức nghề nghiệp, công tác đối ngoại, công tác an ninh, xử lý tình huống... Các đơn vị cũng cần chú trọng tập huấn, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn và bản lĩnh chính trị cho cán bộ thuyết minh tại Cụm di tích. Bởi hình ảnh điểm đến có để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách hay không đều có sự tác động về mặt ý thức chính trị của người thuyết minh.
Ghi nhận những ý kiến tại Tọa đàm, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định, đây là Cụm Di tích cấp quốc gia đặc biệt của Thủ đô và cả nước, là Cụm di tích có một không hai trên thế giới. Mỗi cán bộ, nhân viên công tác tại Cụm Di tích lịch sử- văn hóa Ba Đình phải nhận thức về trách nhiệm vô cùng to lớn của mình. Mục tiêu cơ bản của cả Cụm Di tích là nâng cao chất lượng phục vụ, sao cho mỗi du khách sẽ cảm nhận được sự thoải mái, nồng ấm khi được đến bên Người.
Theo Thứ trưởng, các Bộ VHTTDL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên cơ sở tổng thể quy hoạch rà soát, kiểm tra, sắp xếp quy hoạch lại hạ tầng, cảnh quan, khu dịch vụ... Bộ VHTTDL và các đơn vị trong Cụm Di tích sẽ có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội để thống nhất các ý kiến, đề nghị cho bản Quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ. Đối với các đơn vị trong Cụm Di tích, Thứ trưởng cho rằng, cần làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá, thay đổi nội dung, phương pháp giới thiệu, tập huấn, xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên giỏi, chuyên nghiệp, tận tâm..
“Mỗi cán bộ, nhân viên đều cần làm tốt nhất vai trò, công việc của mình. Mỗi người chính là hạt nhân bảo tồn, phát huy, giới thiệu, lan tỏa tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác Hồ đến nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế…”,Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu.
Nguồn: Báo Văn hóa