Cộng đồng là chủ thể bảo tồn đa dạng sinh học
Ngày đăng: 29/10/2017 13:59
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 29/10/2017 13:59
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) thông qua việc ban hành các định chế liên quan tới quản lý và bảo tồn nguồn gen; khoanh vùng, đầu tư các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… Tuy nhiên, trong công tác bảo tồn ĐDSH rất cần sự tham gia của cộng đồng. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích cộng đồng trồng những loài cây lương thực, cây thuốc, nấm quý và nhân nuôi các loài động vật hoang dã…. Đây là giải pháp tốt nhất để bảo tồn và phát triển ĐDSH bền vững.
Bảo tồn chuyển chỗ là một trong những biện pháp quan trọng làm giảm sức ép bảo tồn tại chỗ, rất có hiệu quả trong bảo tồn và phát triển ĐDSH. Nhà nước cần khuyến khích cộng đồng đầu tư tiền bạc, công sức vào bảo tồn, phát triển các loài động, thực vật và vi sinh vật, trên cơ sở gắn kết với quyền lợi của cộng đồng. Từ việc nhân nuôi thành công hươu sao vào những năm 1980 của thế kỷ XX, cho đến sự kiện bảo tồn Cây Di sản do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng và tổ chức trong thời gian gần đây, có thể khẳng định rằng, cộng đồng có vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn và phát triển ĐDSH.
Hiện nay, hầu hết các nguồn gen vật nuôi và cây trồng của nước ta đang được lưu giữ trong các vườn, trang trại của người dân. Một số doanh nhân ở nhiều địa phương đã phối hợp với các nhà khoa học đầu tư nhân nuôi các loài động, thực vật hoang dã để phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo tồn nguồn gen. Điển hình là việc nhân giống các vật nuôi như: lợn ỉ, lợn Móng Cái, lợn sóc Tây Nguyên, chó Phú Quốc, gà ri, gà chín cựa Phú Thọ, gà Đông Tảo (Hưng Yên), gà hồ (Bắc Ninh), cừu Phan Rang.
Bên cạnh việc nhân nuôi các loài khỉ, vượn tại các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã của Nhà nước thì có rất nhiều loài động vật hoang dã như hươu sao, nhím, rắn hổ mang, rắn ráo trâu, gà lôi lam, trĩ mào đỏ, sâm cầm… đang được người dân nhân nuôi và “cứu” chúng khỏi sự tuyệt chủng, trong khi các nhà khoa học, cơ quan quản lý đang đưa ra các quan điểm là “có cho nuôi nhốt động vật hoang dã hay không?”. Đều này cần có các mô hình cụ thể từ thực tế để làm sáng tỏ vấn đề này.
Từ thực tế cho thấy, vào những năm 20, 30 của thế kỷ XX, nhân dân vùng Hương Sơn, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã săn bắt hươu rừng đem về nuôi thuần dưỡng trong gia đình. Nhận thấy giá trị kinh tế, sinh học của loài thú quý, năm 1976, Viện Sinh thái Tài nguyên Sinh vật (Viện Khoa học Việt Nam) đã phối hợp với Viện Chăn nuôi Quốc gia hỗ trợ kỹ thuật cho các trang trại quốc doanh và tư nhân nhân nuôi hươu thử nghiệm.
Trải qua bao thử thách, nghề nuôi hươu sao gia đình ngày càng phát triển có hiệu quả, với số lượng cá thể tăng gấp hàng chục lần so với gần 100 năm trước. Tương tự, vào những năm giữa thế kỷ XX, loài rắn hổ mang cũng đứng bên bờ tuyệt chủng, nhưng nhờ có chính sách khuyến khích của địa phương và sự hỗ trợ kỹ thuật của các nhà khoa học thuộc Chương trình Khoa học trọng điểm của Nhà nước “Sinh học phục vụ nông nghiệp”, từ năm 1981, nghề nuôi rắn hổ mang đã ra đời và lan rộng khắp cả nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao và lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Như vậy, có thể khẳng định, công tác bảo tồn và phát triển ĐDSH sẽ phát triển bền vững nếu biết huy động nguồn lực và sức mạnh của cộng đồng bằng những chính sách phù hợp cùng với sự quản lý chặt chẽ.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2017
Nguồn: moitruongdulich.vn