Doanh nghiệp du lịch nên tận dụng công nghệ như thế nào?
Ngày đăng: 30/10/2017 13:38
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 30/10/2017 13:38
Chia sẻ của Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung về cơ hội ngành Du lịch tận dụng và khai thác thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).
Nhận diện
Du lịch thông minh, nói đơn giản, du khách muốn đến một điểm đến, các doanh nghiệp (DN), nhà quản lý phải phục vụ được các dịch vụ được cá nhân hóa cho du khách, song hành trên môi trường số – thực. Để thực hiện được, vấn đề quản lý thông tin điểm đến phải kết hợp nhu cầu của du khách, trở thành dịch vụ của DN du lịch; không còn câu chuyện DN cung cấp sản phẩm, dịch vụ gì. Do vậy, cần hiểu về du khách kỹ lưỡng hơn.
DN phải chuyển số hóa để tiếp cận du lịch thông minh. Điều này đặt ra một số thách thức. Số hóa quy trình kinh doanh không đơn giản, phụ thuộc vào sự hiểu biết của DN, đòi hỏi máy phải làm được; những gì con người đang can thiệp quá sâu phải được thay đổi, phải thay đổi thói quen, văn hóa. Phải tự động hóa, là thách thức về công nghệ, phải ứng dụng công nghệ để tự động hóa vấn đề số hóa. Số hóa sẽ thay đổi cách làm việc, sẽ minh bạch rõ ràng, tái cấu trúc lại quy trình, bỏ bớt các đoạn dư thừa; đồng nghĩa sẽ có lao động bị đào thải. Các bước quy trình số hóa sẽ phân phối, chia sẻ, tạo ra những sản phẩm dịch vụ, giá trị mới; nên vòng quay giá trị gia tăng trong DN số hóa sẽ lớn hơn rất nhiều.
Có 4 năng lực đã được thế giới tổng kết, rất cần thiết cho DN khi chuyển sang số hóa. Tích hợp theo chiều dọc: Hệ thống số hóa phải có khả năng theo mức phân cấp của DN, các hệ thống tương ứng để tích hợp toàn bộ hoạt động của DN, từ thông tin dữ liệu về nhà cung cấp đến khách hàng. Tích hợp theo chiều ngang: DN không kinh doanh một mình mà kinh doanh trong môi trường kinh doanh, có đối thủ, có đối tác…; hệ thống số hóa phải tích hợp các hệ thống dữ liệu cho mục đích cuối cùng là phục vụ khách hàng. Số hóa liên tục: DN phải có khả năng số hóa bất cứ vấn đề gì; phải minh bạch, tiêu chuẩn, số hóa. Ứng dụng công nghệ: Sử dụng công nghệ của CMCN 4.0 (trí tuệ nhân tạo, robot, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, công nghệ số học…) thay thế những việc con người phải làm.
DN du lịch thông minh không phải chỉ ứng dụng công nghệ, điều quan trọng nhất là quy trình số hóa và năng lực tích hợp. Khi triển khai du lịch thông minh, đòi hỏi DN phải đáp ứng khả năng linh hoạt với tự kiểm soát cao, vì khi hệ thống đã số hóa, DN phản phân quyền, để các tác vụ tự chạy. Các dịch vụ và toàn bộ hệ thống phải được số hóa, gắn với chuỗi giá trị; liên tục phải tính ra giá trị gia tăng thay vì làm một quy trình quen thuộc bất kỳ.
Lời khuyên
DTT giới thiệu một phương pháp đánh giá cụ thể cho các DN có nhu cầu ứng dụng du lịch thông minh, như một công cụ để DN tham khảo. Phương pháp này dựa trên 5 phương pháp của thế giới đánh giá độ trưởng thành của DN về ứng dụng CNTT và đặc biệt là trong CMCN 4.0. Khi ứng dụng CNTT, không phải là DN mua công nghệ về ứng dụng là đã tốt ngay; DN có rất nhiều năng lực và phải đi qua nhiều giai đoạn: Giai đoạn số hóa cơ bản; giai đoạn định hình, trao đổi thông tin trong DN, vẫn phụ thuộc con người; giai đoạn lặp lại, số hóa theo chiều ngang, chiều dọc; giai đoạn số hóa đầy đủ, quản lý bằng số liệu; giai đoạn tối ưu hóa, lợi ích DN thu được cao nhất. DTT đã nghiên cứu và đưa ra công cụ chuyển đổi số dựa trên một nghiên cứu từ châu Âu, đã được điều chỉnh theo DN và môi trường ở Việt Nam. Có 9 lĩnh vực, 62 hạng mục được đánh giá.
Đánh giá lĩnh vực chính: Quy mô sản phẩm dịch vụ, khách hàng, hệ thống, công nghệ. Đánh giá các mặt tổ chức: Chiến lược, lãnh đạo, chính sách, văn hóa, con người… Khi đánh giá, DN sẽ có một hướng dẫn để hình dung. Nhìn sơ lược, ví dụ đánh giá về chiến lược, các chỉ tiêu đánh giá lộ trình thực hiện du lịch thông minh, nguồn lực hiện có sẵn để thực hiện, thích ứng của các mô hình kinh doanh; tất cả các chỉ tiêu đều cho phép đánh giá DN đang ở mức độ nào, trên cơ sở đó tính ra mức trung bình. Bằng các đánh giá, có thể đo được các năng lực của DN, quy mô tích hợp chiều dọc, chiều ngang đến đâu, phát triển sản phẩm kỹ thuật số, tiêu chuẩn về các công nghệ CMCN 4.0 thế nào. Từ đây có thể suy ra năng lực của DN, trên có sở đó có thể mời tư vấn, đặt ra định hướng và hoạch định lộ trình.
Theo khảo sát ban đầu (qua làm việc với TCDL và khảo sát một số ít DN du lịch), năng lực sẵn sàng cho du lịch thông minh của DN Việt Nam giao động ở giữa giai đoạn 2 và 3; một số DN đã đạt giai đoạn 3; chưa có DN đạt giai đoạn 4. Một số DN khởi nghiệp về du lịch thông minh, đã tiếp cận khá nhanh đến giai đoạn 3, thậm chí có cơ hội tiến đến giai đoạn 4. Các DN ứng dụng du lịch thông minh càng nhiều, thì hiệu quả kinh doanh càng cao. So với các ngành khác, ngành Du lịch có mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 tốt hơn, có lẽ do lợi thế về môi trường kinh doanh.
Theo nhận xét riêng của DTT, các DN du lịch cần nhanh chóng tiến đến giai đoạn 3, các DN lớn nên dẫn đầu ở giai đoạn 4; khi đạt được điều đó, các mô hình sáng tạo hoàn toàn số hóa, trực tuyến để thay thế booking.com hay agoda.com là khả thi. Hy vọng của Việt Nam vào các DN khởi nghiệp với nguồn lực nhỏ, để thắng được các tập đoàn lớn trên thế giới là không hề đơn giản; cần sự nỗ lực lớn hơn nữa của các DN lớn, có thể cùng đầu tư, cùng làm, vì kinh nghiệm, mạng lưới kết nối, năng lực khác không thể đạt được ngay với các DN khởi nghiệp. Cộng đồng DN cần tích hợp các nguồn lực sáng tạo của DN khởi nghiệp với các nguồn lực, năng lực của DN du lịch lớn thì mới có thể cạnh tranh được.
Gia Khôi lược ghi
Nguồn: BÁO DU LỊCH