Ký ức qua những kỷ vật kháng chiến
Ngày đăng: 30/10/2017 22:09
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hàng nghìn kỷ vật do các cựu chiến binh (CCB), người dân từng tham gia kháng chiến trao tặng.
Chiến tranh lùi xa hơn 40 năm nhưng CCB Phạm Chí Sâm (tổ dân phố 5, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột), nguyên là trợ lý trinh sát Trung đoàn 234 (Pháo cao xạ) vẫn còn lưu giữ các kỷ vật như: Huy hiệu Chiến sĩ giải phóng qua những lần tham gia các chiến dịch: Mậu Thân 1968, “Mùa hè đỏ lửa” 1972 ở Thành cổ Quảng Trị, chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975. Đối với ông, mỗi kỷ vật là một câu chuyện gắn với thời kỳ đấu tranh cách mạng gian khổ, hào hùng.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông là trận đánh vào sân bay Hòa Bình (nay là sân bay Buôn Ma Thuột). Ông kể: Ngày 9-3-1975, sau khi giải phóng Đức Lập (cửa ngõ Tây Nam Đắk Lắk, giáp biên giới nước bạn Campuchia), Trung đoàn 234 được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) yêu cầu hành quân thần tốc lên Buôn Ma Thuột. Ở trận đánh tại sân bay Hòa Bình trong chiến dịch Buôn Ma Thuột, ông cùng Trung đoàn Pháo cao xạ được giao nhiệm vụ yểm trợ bộ binh, tiêu diệt địch. Mặc dù sân bay Hòa Bình được chọn là điểm đánh mở màn trong chiến dịch Buôn Ma Thuột nhưng phải tới ngày 17-3-1975 mới được giải phóng bởi đây là cứ điểm quan trọng được địch phòng ngự rất vững chắc. Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, ông được trao tặng huy hiệu “Chiến sĩ giải phóng”. Sau đó, Trung đoàn Pháo cao xạ tiếp tục hành quân xuống giải phóng Nha Trang, qua Cam Ranh và sau đó vào hỗ trợ cho lực lượng chủ lực đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975…
|
Hai vợ chồng CCB Trần Cảnh và Trần Thị Thanh Hường lúc trẻ (Ảnh chụp lại). |
Với CCB Trần Thị Thanh Hường (SN 1950, tổ dân phố 1, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột), những hiện vật mà bà tặng Bảo tàng tỉnh như: ba lô, bi đông, ăngô, bộ dụng cụ y tế… đã gắn với chuyện tình thời chiến đầy xúc động. Theo dòng ký ức của bà Hường, hồi đó bà có nhiệm vụ điều trị và chăm sóc thương binh từ chiến trường chuyển về nên luôn mang theo bộ dụng cụ y tế. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về thuốc men, dụng cụ, bà và đồng nghiệp nhiều lúc phải gồng mình, xoay xở đủ mọi cách để cứu chữa cho bộ đội, người dân bị thương. Có trường hợp một anh bộ đội bị thương nặng nằm bên bờ suối gần 19 ngày đêm, khi phát hiện ra thì gần như suy kiệt, phải vất vả lắm bệnh xá mới giữ được tính mạng. Trong trận đánh Ty Ngân khố và Tòa hành chính của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột, bộ đội ta có nhiều người bị thương được đưa vào bệnh xá nơi bà công tác cấp cứu. Chính những ngày tháng điều trị cho thương binh, cô y tá Trần Thị Thanh Hường đã nên duyên vợ chồng với CCB Trần Cảnh (nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn 301, Tỉnh đội Đắk Lắk). Đến tận bây giờ, bộ dụng cụ y tế sử dụng trong suốt thời gian chiến tranh vẫn luôn được bà giữ gìn như là kỷ vật hết sức quý giá và nay bà trân trọng trao tặng Bảo tàng.
Hơn 40 năm trôi qua nhưng CCB Nguyễn Thanh Bình (SN 1953, ở thôn 4, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn nhớ như in lần cùng đồng đội bắn cháy xe tăng địch trong một trận đánh tại xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vào tháng 4-1973. Sau chiến công đó, ông được trao tặng Huy hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới địch”. Theo lời kể, trong những năm 1972-1973, tại xã Bàu Cạn, Mỹ - ngụy tăng cường lực lượng đánh phá vùng căn cứ của ta, nhiều lần hành quân càn quét bằng xe tăng, thiết giáp và bộ binh. Tiểu đoàn Đặc công 19 (Sư đoàn 320) được lệnh tiêu diệt xe tăng nhằm tiêu hao sinh lực địch, ngăn cản sự mở rộng vùng chiếm đóng của địch. Trung tuần tháng 4-1973, Tiểu đoàn Đặc công 19 quyết định triển khai kế hoạch hành động, trong trận đánh này, ông Bình đã dũng cảm dùng B40 bắn cháy được 1 chiếc xe tăng địch...
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước hòa bình, thống nhất, những kỷ vật kháng chiến được trao tặng không chỉ góp phần lưu giữ ký ức một thời chiến tranh gian khổ, hào hùng mà còn có ý nghĩa giáo dục về truyền thống đấu tranh cách mạng, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.